| Hotline: 0983.970.780

"Không để nông dân bỏ chuồng trại"

Thứ Năm 11/10/2012 , 10:12 (GMT+7)

Ngày 10/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần đã khẳng định: Dứt khoát không thể để nông dân bỏ chuồng trại chăn nuôi.

* Khuyến cáo không nên ăn chân, cánh gà nhập khẩu

Trước những khó khăn chồng chất của ngành chăn nuôi, ngày 10/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần khẳng định: “Tuần tới, chúng tôi sẽ thành lập đoàn liên ngành gồm Bộ NN-PTNT, Ngân hàng, Văn phòng Chính phủ, các địa phương để đi khảo sát thực tế thông tin người chăn nuôi không tiếp cận được chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ. Dứt khoát không thể để nông dân bỏ chuồng trại chăn nuôi được!”.


Bộ NN-PTNT đang nỗ lực giúp người chăn nuôi vượt qua thời điểm khó khăn nhất từ trước tới nay

PHẢI GỠ BẰNG MỌI CÁCH

Nói về trách nhiệm với người chăn nuôi, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần không ngần ngại khẳng định: “Trước hết, đây là trách nhiệm của ngành nông nghiệp và của các địa phương. Chúng tôi đã rất lo lắng khi suốt 5 – 6 tháng vừa qua, người chăn nuôi vô cùng khó khăn do giá bán thấp hơn giá thành. Bên cạnh đó, sản phẩm nhập lậu, thịt kém phẩm chất ở nhiều nước tuồn vào VN khá nhiều. Bộ NN-PTNT đã bàn bạc, hợp tác với các bộ, ngành, địa phương, đồng thời báo cáo Thủ tướng để Chính phủ có 2 Công điện chỉ đạo xử lý. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian nhập lậu giảm, thì khoảng 1 tháng gần đây nhập lậu gia cầm lại nóng lên. Thậm chí gà thải loại của nước ngoài cũng có mặt ở VN theo đường chính ngạch, chất lượng rất kém. Trong khi người chăn nuôi vô cùng khó khăn, các DN lại đi nhập khẩu các mặt hàng như thế thì sẽ giết chết ngành chăn nuôi trong nước!”.

Thứ trưởng cũng cho rằng, VN là một nước nông nghiệp có tiềm năng chăn nuôi lớn, lại trở thành nước đi nhập khẩu thịt thì quả vô lý. Chính vì thế cần phải “chiến đấu” quyết liệt: Một là tạo mọi điều kiện để ngành chăn nuôi trong nước phát triển; hai là quản lý chặt chẽ, hạn chế tới mức tối đa vấn đề nhập lậu để giữ giá bán gia cầm của nông dân trong nước hợp lý.

Đặc biệt, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã yêu cầu Cục Chăn nuôi đi nghe ngóng nắm bắt tình hình ở các địa phương, các trang trại để xem chính sách của Thủ tướng Chính phủ (về hỗ trợ tín dụng, khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới) có đến với người chăn nuôi hay không? “Qua kiểm tra ban đầu được biết, các trang trại nhỏ và vừa vẫn không thể tiếp cận được chính sách tín dụng mới. Bộ NN-PTNT đã báo cáo với Chính phủ và cách đây vài ngày, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Nếu không sớm giải quyết vấn đề tín dụng thì người chăn nuôi sẽ không thể tái sản xuất!”.

COI CHỪNG ĐÙI, CÁNH, CHÂN GÀ NHẬP!

Ông Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hội Chăn nuôi VN cảnh báo: sản phẩm đùi, cánh, chân gà nhập khẩu đang ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng VN.

Tại sao? Ông Vang khẳng định: Thứ nhất, cánh gà da nhiều, người dân hầu hết các nước đều không ăn vì trong đó có nhiều lớp mỡ và tồn dư một lượng lớn Cholesterol (gây bệnh tim mạch). Thứ hai là đùi gà, nơi có rất nhiều cơ cứng, khi ăn vào sẽ khó tiêu hóa (gây đầy bụng, khó tiêu) và tạo dinh dưỡng cho cơ thể rất thấp, dân các nước cũng không ăn. Riêng món chân, phụ phẩm gà thì 100% bị bỏ đi vì không có dinh dưỡng và rất nhiều ký sinh trùng. “Tôi khẳng định đùi, cánh, chân gà nhập khẩu chính ngạch hiện nay có giá trị dinh dưỡng còn thấp hơn cả con gà già (gà đẻ loại thải). Chẳng có quốc gia nào lại khuyến khích đi nhập các loại thực phẩm kém dinh dưỡng như vậy cả. Việc các DN nhập về VN để bán không chỉ gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước mà còn gây tác hại lớn đến sức khỏe người dân” – ông Vang nói.

Tuy nhiên, một bất cập lớn hiện nay là việc đánh thuế nhập khẩu đùi, cánh, chân gà đang ở mức thấp (thuế 20%) so với nhập nguyên con (thuế 30%), vì thế vẫn kích thích DN nhập khẩu sản phẩm phụ. Lượng thịt (chủ yếu đùi, cánh, chân gà) nhập vào VN hàng năm đạt từ 60.000 – 105.000 tấn (chiếm từ 6 – 8,5% sản lượng tiêu thụ trong nước).

“Quản lý nhà nước là phải “ích nước, lợi dân”, cái gì mà người dân không biết thì anh phải hướng dẫn (đùi, cánh, chân gà rất kém dinh dưỡng thì phải khuyến cáo cho mọi người); đồng thời phải đưa ra hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn. Tôi khẳng định, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) hoàn toàn không có lý do gì để ngăn cấm VN thực hiện bảo vệ sức khỏe người dân nước mình. Tại sao? Rất nhiều nước họ đã cấm không cho kinh doanh, không cho người dân ăn những sản phẩm kém dinh dưỡng này, vì thế VN cũng có quyền làm thế” – ông Vang nói.

+ Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần:

Nếu không sớm giải quyết vấn đề tín dụng cho người chăn nuôi sẽ dẫn đến nhiều hậu quả: một là người chăn nuôi không trả nợ được ngân hàng, hai là sẽ gây thiếu thịt vào cuối năm. Vậy là chúng ta lại đi nhập thịt, trong khi chuồng trại của nông dân bỏ không thì quá bất hợp lý. 

+ Ông Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hội Chăn nuôi VN:

Quản lý nhà nước luôn phải có định hướng nhằm bảo đảm sức khỏe, lợi ích của người dân. Họ chưa biết giá trị dinh dưỡng thực của các sản phẩm (chân, cánh gà NK) thì phải nói, phải nhắc nhở, khuyến cáo, thậm chí răn đe. Trong trường hợp cần thiết có thể cấm như nhiều nước đã làm!

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

2 người ở Hà Giang bị thương do thiên tai

Mưa lớn kèm gió lốc đêm 4, ngày 5/5 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã khiến 2 người bị thương và 378 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.