Bảo vệ đa dạng sinh học
Bình Định có Khu Bảo tồn Thiên nhiên An Toàn nằm trên địa bàn xã An Toàn (huyện An Lão) có độ che phủ rừng đạt hơn 95,53%. Trong đó, diện tích rừng nguyên sinh còn giữ được các mẫu chuẩn của tự nhiên hơn 52%, cùng hệ thực vật và động vật có tính đa dạng sinh học cao. Khu Bảo tồn Thiên nhiên An Toàn có diện tích tự nhiên khoảng 22.450ha nằm trọn trên địa bàn xã vùng cao An Toàn.
Dự án Điều tra, thống kê định kỳ các hệ sinh thái, các loài động vật, thực vật đặc hữu, có giá trị khoa học, kinh tế hoặc đang có nguy cơ tuyệt chủng tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên An Toàn đã ghi nhận có 739 loài thực vật thuộc 419 chi, 133 họ, bổ sung 194 loài thực vật thuộc 156 chi và 84 họ vào danh mục; 343 loài động vật có xương sống ở cạn, trong đó có 40 loài lưỡng cư, 54 loài bò sát, 164 loài chim và 85 loài thú, bổ sung 12 loài lưỡng cư, 7 loài bò sát, 21 loài chim và 1 loài thú.
Lần đầu tiên ghi nhận tại đây có 11 loài côn trùng, 15 loài cá đặc hữu, có giá trị khoa học, kinh tế hoặc đang bị đe dọa tuyệt chủng; xác định thêm 5 loài thực vật, 3 loài cá ngoại lai xâm hại. Đặc biệt, có 59 loài thực vật, 128 loài động vật nằm trong nhóm nguy cấp, quý hiếm thuộc danh lục trong Sách Đỏ Việt Nam, Sách Đỏ Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, Nghị định 84/2021/NĐ-CP và Công ước CITES.
Theo ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn đang sở hữu 1 số loài động vật đặc hữu, quý hiếm và nguy cấp như chà vá chân xám, chà vá chân đen, vượn má hung, khỉ mặt đỏ, nai, gà lôi vằn, mang lớn, trĩ sao và các loài thực vật như trắc mật, trầm hương, du mooc, hoa khế...
“Đặc biệt, Khu Bảo tồn Thiên nhiên An Toàn còn có chức năng phòng hộ đầu nguồn cho sông Kôn, con sông lớn nhất tại Bình Định, góp phần đảm bảo an ninh môi trường, cung cấp nguồn nước chính cho hệ thống thủy điện trên sông Kôn và hồ Định Bình nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh”, ông Nguyễn Hùng Nam cho hay.
Do nhu cầu sử dụng lâm sản trong xã hội ngày càng tăng, trong khi đó, Khu Bảo tồn Thiên nhiên An Toàn là rừng nguyên sinh còn nhiều cây gỗ lớn, nên luôn nằm trong tầm ngắm của lâm tặc. Khu bảo tồn nằm trên địa bàn vùng sâu vùng xa, nên gây khó cho công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật của chính quyền địa phương và ngành chức năng. Trong khi đó, đơn vị chủ quản là Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn lực lượng đã “mỏng” mà phải quản lý diện tích rừng vừa rộng vừa xa, đường giao thông đi lại hiểm trở, nên đã gặp không ít khó khăn.
“Chúng tôi ký kết và thực hiện tốt quy chế phối hợp với các chủ rừng giáp ranh như: Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh; Ban quản lý rừng phòng hộ khu Tây Ba Tơ (Quảng Ngãi); Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (Gia Lai) và Ban quản lý rừng phòng hộ cùng Hạt kiểm lâm huyện An Lão để giữ bình yên cho rừng An Toàn”, ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, cho biết.
Hướng tới trở thành Vườn quốc gia
Từ tháng 11/2021 đến tháng 4/2022, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Bình Định) phối hợp với Viện Sinh thái học miền Nam thực hiện công tác điều tra, thống kê định kỳ các hệ sinh thái, các loài động vật, thực vật đặc hữu, có giá trị khoa học, kinh tế hoặc đang có nguy cơ tuyệt chủng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn, nhằm thực hiện tốt hơn công tác bảo tồn đa dạng sinh học, hướng tới việc thành lập Vườn quốc gia An Toàn trong tương lai.
“Dự án nhằm đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học, xây dựng cơ sở dữ liệu và đề xuất các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn. Đây là cơ sở quan trọng để hướng tới việc thành lập Vườn quốc gia An Toàn trong thời gian tới”, ông Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Bình Định, chia sẻ,
Theo ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt đề cương kỹ thuật xây dựng phương án quản lý rừng bền vững của đơn vị chủ quản trong giai đoạn 2021-2030.
Đây là cơ sở để Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý rừng bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội. Từ đó, đảm bảo sử dụng rừng lâu dài, liên tục và duy trì được khả năng phòng hộ môi trường, tính đa dạng sinh học; thực hiện các nghĩa vụ đóng góp, duy trì mối quan hệ tốt với cộng đồng.
“Những năm qua, UBND tỉnh Bình Định có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số bản địa ổn định sinh kế. Đồng bào Bana ở xã An Toàn có cuộc sống ổn định hơn nhờ những khoản hỗ trợ trong nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng; hỗ trợ khoanh nuôi, tái sinh cây mây rừng để khai thác bền vững và khai thác lâm sản dưới tán rừng.
Đặc biệt, mấy năm nay bà con được Công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng cây chè dây trên đất rẫy và trồng dưới tán rừng để kiếm thêm thu nhập, nhờ đó hệ sinh thái rừng nơi đây được bảo vệ tốt, ít bị tác động từ bên ngoài”, ông Nguyễn Hùng Nam cho hay.
“Kết quả thực hiện dự án là bước đệm để xây dựng kế hoạch các nghiên cứu khác sau này. Trên cơ sở đó, chúng tôi cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh đề xuất Trung ương thành lập Vườn quốc gia An Toàn, vườn quốc gia đầu tiên tại Bình Định, nhằm nâng tầm công tác bảo tồn hệ sinh thái đặc trưng, phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch sinh thái trong thời gian tới”, bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN-MT Bình Định.