| Hotline: 0983.970.780

Giữ mãi màu xanh Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng

Chủ Nhật 04/10/2020 , 17:36 (GMT+7)

Các cán bộ Kiểm lâm Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Đồng Sơn - Kỳ Thượng (Quảng Ninh) đã góp không ít công sức để giữ nguyên màu xanh của núi rừng.

Nét đẹp Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng

Để đến được những cánh rừng nguyên sinh thuộc khu bảo tồn, chúng tôi phải mất chừng 2 tiếng rưỡi chạy xe dọc lối mòn ôm sát từ chân đến đỉnh núi. Thật kỳ lạ, chỉ mới di chuyển ra khỏi phường Trới, TP Hạ Long (Quảng Ninh), kiểu hình khí hậu, thời tiết hoàn toàn có sự thay đổi, mặc dù tất cả các địa điểm nói trên đều thuộc một địa phương.

Đi được một quãng đường tương đối xa, men theo tuyến đường liên xã vừa đủ một chiếc xe con di chuyển, mọi người trong đoàn liên tục ngả người theo lực quán tính bởi những khúc cua khúc khủy. Nhiều đoạn đường có độ dốc thẳng đứng, người tài xế bỗng hóa thành đầu bếp, đảo vô lăng như xoay chiếc bánh, cố gắng phủ đều kem và làm hòa quyện chúng lại.

KBTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng có diện tích tự nhiên 15.593 ha, nằm trên địa phận 5 xã Đồng Sơn, Kỳ Thượng, Đồng Lâm, Vũ Oai và Hoà Bình. KBTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng mang trên mình những giá trị đặc biệt trong bảo vệ môi trường sinh thái, phục vụ giáo dục, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, cung cấp lâm sản, nguồn dược liệu quý... và là nơi lưu giữ, bảo tồn các nguồn gen quý, mẫu chuẩn hệ sinh thái có giá trị trong nước cũng như trên thế giới.

Để hiểu hơn về những giá trị ở đây, chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi tại một điểm dừng chân. Tạm gác lại những hành động “căng thẳng” trên xe, chúng tôi không còn bịm môi, gồng mình, hay ghì chặt tay tìm điểm tựa. Hiện lên trước mắt, một khung cảnh hùng vĩ xuất hiện, trung tâm TP Hạ Long thơ mộng với chiếc cầu Bãi Cháy, nhiều tòa nhà cao tầng ẩn nấp sau những lớp sương mờ từ từ tan ra. Khung cảnh hữu tình giữa non núi và biển cả tạo thành khúc tráng ca về quê hương đáng tự hào.

Phóng tầm mắt từ một đỉnh núi thuộc KBTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng thấy rõ Trung tâm TP Hạ Long (Quảng Ninh) mờ mờ, ảo ảo. Ảnh: Anh Thắng.

Phóng tầm mắt từ một đỉnh núi thuộc KBTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng thấy rõ Trung tâm TP Hạ Long (Quảng Ninh) mờ mờ, ảo ảo. Ảnh: Anh Thắng.

Tiếp tục len lỏi vào những cánh rừng, theo chân cán bộ kiểm lâm đi khám phá vẻ đẹp hoang sơ, chúng tôi đã đến được một vùng đất mới như cách “cánh cửa thần kỳ” hoạt động, bởi không cần đi quá sâu vào trong cánh rừng, mới chỉ ngót nghét 10 bước chân đã cảm nhận được không khí trong lành, tinh khiết. Mọi thành viên tận hưởng không khí tuyệt hảo bằng cách hít hà một hơi thật sâu để “nếm trọn vị” khu rừng.

Sau gần 30 phút tản bộ, leo trèo trong con đường mòn trong rừng, chúng tôi đã đi đến một điểm cao để có thể nhìn thấy toàn bộ những cánh rừng của khu bảo tồn. Những tiếng thở gấp gáp được an ủi bằng một bức tranh, ở đó có từng hạt sương mai bịn rịn quấn quýt lấy những tán cây rừng.

Theo kết quả điều tra đa dạng sinh học tại KBTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng có đến 546 loài, thuộc 332 chi của 97 họ các loài cây thân gỗ khác nhau. Đối với nhóm thực vật thân thảo cũng rất phong phú với tổng 617 loài, thuộc 380 chi của 119 họ. Ở đây còn là môi trường sống của 64 loài thực vật quý hiếm thuộc 52 chi, 38 họ, trong đó, có 43 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam; 31 loài được ghi trong Danh lục đỏ của IUCN. Bên cạnh đó, trong Khu bảo tồn với nhiều cây thuốc, trong đó, có nhiều loài cây thuốc quý hiếm, với 428 loài cây thuốc mọc tự nhiên, thuộc 330 chi, 125 họ khác nhau.

Một loài bò sát đặc hữu sống trong KBTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng (Quảng Ninh). Ảnh: Anh Thắng.

Một loài bò sát đặc hữu sống trong KBTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng (Quảng Ninh). Ảnh: Anh Thắng.

Một trong những nhiệm vụ thường xuyên đối với các cán bộ Kiểm lâm ở KBTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng là tuần tra, giữ gìn, bảo vệ nghiêm ngặt toàn bộ diện tích khu bảo tồn, đặc biệt là vùng lõi với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm đang sinh trưởng. Tạo lập vành đai, phân chia rõ ràng giữa rừng sản xuất của các hộ dân trong khu vực với khu bảo tồn. Hiện, diện tích KBTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng được giao quản lý trải rộng trên địa bàn 5 xã, địa hình chia cắt, giao thông không thuận lợi cho công tác quản lý bảo vệ rừng dẫn đến việc quản lý địa bàn gặp nhiều khó khăn, tiểm ẩn nhiều nguy cơ xâm hại rừng.

Đường rừng càng lúc càng khó đi, tiếng trao đổi giữa các thành viên trong đoàn cũng dần vơi bớt. Cả khu rừng chìm vào trong tĩnh lặng mênh mông vốn có. Chỉ khi ánh bình minh vừa xuất hiện, sự tĩnh mịch của khu rừng đã nhường chỗ cho thứ âm thanh rộn rã của thiên nhiên. Trong bản hòa ca của rừng xanh có nhiều âm sắc rộn ràng, trong trẻo của những chú chim, chúng như ganh đua để chứng minh sức sống mãnh liệt của KBTTN.

Chiến sỹ giữ rừng

Để có thể giữ được màu xanh, sự bình yên cho KBTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng, các cán bộ Kiểm lâm trong đơn vị Ban quản lý KBTTN luôn giữ vững tâm thế, cống hiến hết mình bảo vệ mỗi cánh rừng. Đến và gắn bó với nghề Kiểm lâm như một cái duyên, nhưng mỗi cán bộ ở KBTTN lại có một câu chuyện riêng, tôi luyện công việc bằng mồ hôi, nước mắt.

Anh Trần Anh Vũ là một cán bộ Kiểm lâm trẻ, háo hức với mỗi lần nhận nhiệm vụ, nhất là quá trình cùng đồng nghiệp tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng. Gian khó là thế, nhưng đó là lúc họ được sống với những giá trị to lớn, được hòa mình với thiên nhiên, muôn loài, không khí tươi mát, trong lành.

Sống trong rừng đồng nghĩa với việc không có sóng viễn thông, không có điện…, cuộc sống quẩn quanh bên vách núi, cây cối, chim chóc, song đổi lại tình anh em, đồng nghiệp lại thôi thúc chàng kiểm lâm trẻ cố gắng nhiều hơn.

“Trong quá trình học tập tại trường, quá trình rèn giũa tại học đường giúp tôi rất nhiều về kiến thức nền tảng để trở thành một cán bộ Kiểm lâm mẫu mực. Đến khi được đi làm, tiếp cận thực tế càng khiến bản thân tôi yêu rừng và muốn gắn bó với rừng. Đặc thù công việc, ngoài những lúc tuần tra, anh chị em quây quần bên nhau, tâm sự đôi ba câu chuyện về cuộc đời, gia đình, rồi cùng nhau khích lệ tinh thần khiến anh em đồng nghiệp càng trở nên gắn bó”, anh Vũ nói.

Một tổ công tác của các cán bộ Kiểm Lâm Ban quản lý KBTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng (Quảng Ninh). Ảnh: Anh Thắng.

Một tổ công tác của các cán bộ Kiểm Lâm Ban quản lý KBTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng (Quảng Ninh). Ảnh: Anh Thắng.

Còn đối với “bóng hồng” Lê Thị Dịu, việc trèo đèo, lội suối, băng qua những con dốc dựng đứng hơn chục năm gắn bó với nghề đã giúp người chị trở nên cứng cáp, mạnh mẽ. Từng đó thời gian gắn bó với nghề, chị đã vận dụng linh hoạt các kỹ năng, kinh nghiệm tích lũy để ứng biến xử lý tình huống, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Có những lần vấp ngã, thậm chí nổi phát ban, ngứa ngáy khi bị côn trùng lạ kí sinh trong cơ thể suốt nhiều ngày trời, chị cũng không ngần ngại nhận nhiệm vụ tuần tra, canh gác rừng. Hay có những lần nhìn thấy các loài bò sát lớn như trăn, rắn, chị Dịu cũng rất bình tĩnh xử lý tình huống để tránh chúng tất công.

“Quả thực những lần đầu, tưởng chừng như có thể ngất ngay lập tức khi nhìn thấy bộ dạng ghê ghớm của thú rừng, nhưng có anh em đồng nghiệp, tôi cảm thấy yên tâm hơn, nếu chẳng may có bị chúng tấn công thì 2 tiếng sau tôi cũng được đồng nghiệp đưa đến trung tâm y tế xã”, chị Dịu cười hồn hậu, chia sẻ.

Nữ Kiểm lâm Lê Thị Dịu đang kiểm tra, khảo sát sinh trưởng một loại thực vật thân gỗ có trong KBTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng (Quảng Ninh). Ảnh: Anh Thắng.

Nữ Kiểm lâm Lê Thị Dịu đang kiểm tra, khảo sát sinh trưởng một loại thực vật thân gỗ có trong KBTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng (Quảng Ninh). Ảnh: Anh Thắng.

Ít nhiều, việc đối mặt với lâm tặc còn nghiêm trọng hơn nhiều, nhất là phải đối mặt với các đối tượng chuyên khai thác, vận chuyển gỗ trái phép và có hành vi chống đối, đe dọa, cản trở người thi hành công vụ. Để tránh những điều này, các cán bộ Kiểm lâm thường xuyên giữ mối quan hệ tốt với người dân bản địa, đi sâu, nghiên cứu các phong tục tập quán của các cộng đồng dân tộc để xây dựng thành công quy ước, thay đổi tâm, tính của người dân và giúp họ thấy được quyền lợi và trách nhiệm thực sự của mình trong vai trò bảo vệ rừng.

Anh Lý Tà Ngân, thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long (Quảng Ninh) chia sẻ: Từ khi thành lập KBTTN Đồng Sơn – Kỳ Thượng đến nay, trên 50 hộ dân ở xã Khe Phương luôn được cán bộ Kiểm lâm đến tận nhà trao đổi, tuyên truyền về pháp luật bảo về rừng. Qua đó, nhiều người dân trong thôn đã có ý thức hơn, không còn tình trạng phá rừng làm nường, rẫy.

Đánh giá về các cán bộ Kiểm lâm, anh Ngọc Lê Huy, Giám đốc Ban quản lý KBTTN Đồng Sơn – Kỳ Thượng tự hào: Lực lượng Kiểm lâm tại đơn vị hiện có 24 anh em, đồng chí đang công tác tại địa bàn. Họ đều là những người yêu nghề, tâm huyết với công việc, có chuyên môn vững và khả năng xử lý thực tế. Đặc biệt, sự khéo léo, mềm mỏng trong quát trình hình thành, kết nối với người dân bản địa là những đóng góp vào công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ màu xanh của rừng hiệu quả, giảm dần tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản, xâm lấn rừng trái phép trong nhiều năm qua.

Ban quản lý Khu BTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng là đơn vị sự nghiệp công, trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, toàn bộ đất rừng đều được quy hoạch là rừng đặc dụng, nên không thể sản xuất, kinh doanh trực tiếp. Do vậy, nguồn tài chính chủ yếu đầu tư cho việc bảo vệ và phát triển rừng toàn bộ là vốn ngân sách nhà nước. Trong thời gian tới, BQL cần sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo các cấp để thông qua các chương trình, dự án cấp vốn đầu tư cho các nhiệm vụ, đề tài khoa học… phục vụ công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, xây dựng đề án du lịch sinh thái để thực hiện hoặc cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.