Hình thức Đối tác công - tư (PPP) kết nối các tác nhân trong ngành nông nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam. Tới thời điểm hiện tại , Nhóm Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam có 8 nhóm công tác PPP ngành hàng, bao gồm cà phê, chè, rau quả, thủy sản, gạo, gia vị và hồ tiêu, chăn nuôi, hóa chất nông nghiệp được thành lập và hoạt động với sự tham gia của 120 tổ chức.
Biên bản hợp tác giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty TNHH Grobest Industrial Việt Nam mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng, toàn diện hơn trên cơ sở những dự án chung về phát triển ngành tôm bền vững do hai bên phối hợp thực hiện.
Cụ thể, hai bên tăng cường hợp tác trong các hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ, tư vấn dịch vụ và chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến phát triển nghề nuôi tôm bền vững. Bên cạnh đó, tổ chức các chương trình đảm bảo tính hiệu quả, hướng tới cộng đồng nông dân, thúc đẩy phát triển bền vững nghề nuôi tôm, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ quan điểm về tiềm năng của khuyến nông Việt Nam: “Hiện nay, nguồn lực nhà nước dành cho lĩnh vực khuyến nông chỉ chiếm 30%, trong khi tiềm năng có thể khai thác là 70%. Nếu chúng ta có thêm nguồn lực, đặc biệt là sự hỗ trợ của mạng lưới các tổ chức quốc tế và cộng đồng tổ chức, doanh nghiệp thì hiệu quả xã hội sẽ tăng lên đáng kể”.
Theo ông Thanh, để tăng cường nguồn lực và đưa ra các giải pháp hiệu quả, các đối tác công - tư cần tìm cách khai thác nguồn lực trong lĩnh vực khuyến nông và đưa thông tin đến gần hơn với nông dân.
Mục tiêu của hợp tác công - tư lĩnh vực khuyến nông là hỗ trợ người sản xuất. Trong lĩnh vực nuôi tôm nói riêng, khuyến nông cần tập trung hỗ trợ bà con tiếp cận những giải pháp tiên tiến, hữu ích nhất từ các cơ quan chức năng và tổ chức quốc tế.
“Để đạt mục tiêu này, chúng ta cần tăng cường truyền thông để thay đổi tư duy của người sản xuất, đồng thời đào tạo, huấn luyện nhằm giúp họ tiếp cận công nghệ cao. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đối tác cần phát triển các mô hình cụ thể, sẵn sàng tiếp cận công nghệ từ các doanh nghiệp, kết hợp với nguồn lực tài chính nhà nước”, ông Thanh nói.
Theo ông Phạm Hải Văn, Tổng Giám đốc Grobest Industrial (Việt Nam), ngành tôm đang đối mặt nhiều thách thức như môi trường nuôi chưa đảm bảo, gián đoạn nguồn cung nguyên liệu, cạnh tranh thị trường… Theo đó, nếu các doanh nghiệp trong nước thiếu sự phối hợp, sẽ khó đưa thương hiệu ngành tôm Việt Nam đi xa.
Giám đốc Phạm Hải Văn nhấn mạnh: “Đây là năm thứ hai chúng tôi hợp tác với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Mong rằng với bản thỏa thuận hợp tác, hai bên sẽ đẩy mạnh áp dụng các giải pháp toàn diện, giảm thất thoát nguyên liệu, giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải và tăng thu nhập cho người dân. Chỉ khi chúng ta hành động cùng nhau mới có thể đạt các mục tiêu phát triển bền vững cho ngành tôm”.
Tham dự lễ ký kết, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, từ lâu, ông đã mong đợi sự hợp tác giữa khuyến nông và doanh nghiệp. Do đưa mô hình nuôi tôm về địa phương phải trải qua nhiều quy trình phức tạp, vì vậy sự trao đổi xuyên suốt giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các bên sẽ đưa mô hình đến bà con nhanh hơn.
Ông Thắng cho biết thêm, Công ty Grobest Industrial Việt Nam là thành viên lâu năm của Hội và có nhiều đóng góp cho ngành tôm cả về tài chính lẫn kỹ thuật.
“Nếu chúng ta thành công nhân rộng các mô hình nuôi tôm thông minh, giảm phát thải, nhiều thành viên của Hội Thủy sản Việt Nam sẽ hưởng lợi”, ông Thắng bày tỏ. Từ góc độ Hiệp hội, ông sẽ giúp các tập đoàn lớn tiếp cận nguồn nguyên liệu, đặc biệt là thông qua việc kết nối các thành viên của Hội, hợp tác xã và các trang trại lớn.
Công ty Grobest Industrial Việt Nam được thành lập năm 2000, là thành viên thứ 13 của Tập đoàn Grobest. Grobest Industrial Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản đông lạnh và sản xuất các loại thức ăn nuôi trồng thủy sản chất lượng cao.
Công ty có đội ngũ chuyên gia giỏi về các lĩnh vực dinh dưỡng, miễn dịch, trị bệnh, xử lý môi trường nuôi trồng. Grobest là doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận BAP (thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất).