| Hotline: 0983.970.780

Người 30 năm chọn tạo giống gà

Thứ Tư 09/12/2020 , 13:27 (GMT+7)

Với khát vọng và niềm đam mê, anh Lê Văn Dư đã chọn tạo được những giống gà ta có những ưu điểm vượt trội khiến người chăn nuôi trong và ngoài nước “mê mẩn”.

Vượt lũy tre làng

Sinh ra trong gia đình nhà nông, mùi rơm rạ, tiếng kêu của con gà con vịt đầy ắp trong tuổi thơ của nông dân Lê Văn Dư ở xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước, Bình Định). Năm học lớp 2, mỗi sáng trước khi đi học, Dư thường giúp mẹ vãi lúa vãi bắp cho gà ăn. Nhìn những bộ lông sặc sở sắc màu của lũ gà, Dư cứ đứng tần ngần “mê mẩn”.

Thấy con trai mình cứ đi học về là quấn quýt bên đàn gà chứ không rong chơi như lũ trẻ trong làng, mẹ Dư biết con mình rất thích nuôi gà. Thế là bà cho hẳn con trai mình mấy chục gà con nuôi riêng để tạo động lực. Không ngờ ấy là bà đã trao cho con trai mình niềm đam mê và khát vọng, để bây giờ anh nông dân chân lấm tay bùn đã trở thành “tỷ phú gà ta” nức tiếng cả nước.

Anh Lê Văn Dư với khát vọng đưa giống gà tốt nhất đến với người chăn nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Lê Văn Dư với khát vọng đưa giống gà tốt nhất đến với người chăn nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Từ khi được mẹ cho mấy chục con gà nuôi riêng, Dư chăm chút nuôi, thời ấy dịch cúm gia cầm chưa xuất hiện ở Bình Định nên đàn gà nẩy nở dần dần. Những con gà đúng tuổi xuất chuồng cứ đến phiên chợ mẹ dắt Dư mang gà đi bán, tiền bán gà Dư dành dụm mua sách vở, quần áo để đi học. Khi niềm đam mê đã hóa thân thành hữu ích thiết thực trong cuộc sống, niềm khát vọng trong Dư cũng dần hình thành. Hết năm lớp 9, niềm đam mê nuôi gà trong Dư đã “lấn át” sự ham học, thế là anh nghỉ học, ở nhà chăm sóc đàn gà đã sinh sôi nẩy nở đến vài trăm con.

“Từ vài trăm con giống gà ta ban đầu, tôi mày mò tìm hiểu, chọn lọc để phát triển dần thành trại giống gà ta gia đình vào năm 1986. Để phong phú nguồn giống, tôi đã đích thân đi đến các địa phương trên trên cả nước có gà ta nổi tiếng để thu thập những con giống có ngoại hình đẹp, mang đặc trưng của từng vùng, miền đưa về nuôi dưỡng, chọn lọc và thành lập Công ty Giống gia cầm Minh Dư vào năm 2006”, anh nhớ lại.

Trang trại nuôi gà bố mẹ được trang bị hiện đại của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trang trại nuôi gà bố mẹ được trang bị hiện đại của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cũng theo anh Dư, do ban đầu chưa dày kinh nghiệm, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên tỷ lệ gà ấp nở và chất lượng con giống chưa cao. Vào thời điểm này, nhiều giống gà lông màu du nhập vào Việt Nam và gà ta chưa đủ sức cạnh tranh. Thực tế trên đã khiến Dư nảy ra ý nghĩ là với những đặc tính nổi trội, tính thích nghi rộng của giống gà bản địa tại sao không chọn tạo ra giống gà đặc thù để phát triển và tạo lực cạnh tranh với các giống gà nhập nội. Nghĩ là làm, thế là chàng nông dân đầy nhiệt huyết đam mê và khát vọng cháy bỏng bắt đầu dấn thân vào công tác chọn tạo những giống gà mà chỉ “Minh Dư” mới có.

30 năm chọn tạo được 3 giống gà

Việc chọn tạo những giống gà mới nghe qua tưởng rất dễ dàng và chẳng có gì cực nhọc, thế nhưng khi nghe quá trình chọn tạo ra 3 tổ hợp lai các giống gà MD1.BĐ, MD2.BĐ và MD3.BĐ mới thấy trong những giống gà ấy ắp đầy tâm huyết, trí tuệ và cả những gian nan.

Đó là những giống gà đã được Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cấp Chứng nhận Tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới năm 2017; Sản phẩm vàng chăn nuôi Việt Nam năm 2016-2018; Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ cao năm 2018 và Chứng nhận OCOP là sản phẩm gà giống đạt tiêu chuẩn 5 sao năm 2019 của tỉnh Bình Định.

Theo anh Lê Văn Dư, giống gà ta vủa Việt Nam rất phong phú, do đó anh phải cất công đi khắp các tỉnh thành trên cả nước để thu thập tất cả những giống gà bản địa nổi tiếng, mang về nghiên cứu. Mỗi  giống gà ta ở mỗi địa phương có mỗi ưu điểm riêng, do đó phải dày công sàng lọc, chọn ra những giống đặc trưng nhất để lai tạo ra những giống hội tụ đầy đủ những ưu điểm.

“Cứ nghe tỉnh nào có giống gà ta đặc sắc là tôi khăn gói tìm đến, ăn dầm nằm dề ở đó thời gian dài để đi về các vùng quê săn lùng gà. Nhiều địa phương gọi gà ta là bản địa, cũng có nơi gọi là gà ri, mình phải nắm bắt được như vậy để công cuộc tìm kiếm, chọn tạo không bỏ sót những giống gà quý.

Mỗi giống gà của mỗi địa phương có những ưu điểm khác nhau, mình phải cất công nghiên cứu từng giống để biết giống gà này có mặt tốt gì, giống gà kia có mặt tốt gì, sau đó mình chọn tạo để cho ra những tổ hợp lai tổng hợp các ưu điểm của các giống gà.

Muốn vậy, gà thu thập về mình phải nuôi riêng từng giống, theo dõi, đánh giá từng giống rồi tích hợp các nguồn gen tốt lại, như vậy mình mới có được tổ hợp lai tốt nhất để nhân đàn. Tôi đã phải trải qua 30 năm mới chọn tạo ra được 3 tổ hợp lai các giống gà MD1.BĐ, MD2.BĐ và MD3.BĐ hiện nay”, anh Dư chia sẻ.

Anh Lê Văn Dư, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư ký kết hợp tác tại sự kiện quảng bá sản phẩm gà tại Bình Định-2020. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Lê Văn Dư, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư ký kết hợp tác tại sự kiện quảng bá sản phẩm gà tại Bình Định-2020. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Những giống gà mà Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư đang sở hữu được người chăn nuôi và người tiêu dùng trên cả nước đánh giá rất cao, nhất là thịt của nó rất thơm ngon. Sức đề kháng của những giống gà này rất cao nên tỷ lệ nuôi sống và tỷ lệ đồng đều cũng cao theo, đây là yếu tố quyết định gà tăng trọng nhanh và cho năng suất cao. Đặc biệt là màu lông đồng nhất nên mã gà rất đẹp, chính bộ lông của nó là điểm nhấn để người tiêu  dùng nhận diện đó là gà ta “xịn” hay gà ta lai.

Khát vọng đưa giống gà tốt nhất đến với người chăn nuôi

Hiện nay, Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư đang sở hữu tổng đàn gà giống 680.000 con; trong đó có 5.000 con gà giống cụ kỵ, 50.000 con gà ông bà và 625.000 con gà bố mẹ. Hiện nay, mỗi năm công ty sản xuất trên 60 triệu con gà giống thương phẩm, tiêu thụ trong nước 95% và xuất khẩu 5%.

Từ năm 2000, Cty TNHH Giống gia cầm Minh Dư đã đầu tư trang bị máy ấp, máy nở hiện đại. Để phát huy thế mạnh về con giống, hiện nay công ty đã đầu tư 2 trang trại nuôi gà bố mẹ, 2 nhà máy ấp trứng với tổng diện tích trên 40ha và đang đầu tư xây dựng thêm 2 trang trại nuôi gà bố mẹ đến đầu năm 2021 đi vào hoạt động với diện tích 90ha.

Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư hỗ trợ gà giống cho đồng bào huyện miền núi An Lão (Bình Định) phát triển nuôi gà thả đồi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư hỗ trợ gà giống cho đồng bào huyện miền núi An Lão (Bình Định) phát triển nuôi gà thả đồi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cơ sở sản xuất của công ty đã ứng dụng công nghệ cao, hiện đại và tự động hóa như: Hệ thống ăn, uống, kiểm soát khí hậu chuồng nuôi, chiếu sáng và hệ thống phun thuốc sát trùng. Toàn bộ hệ thống thiết bị trong nhà máy đều được kết nối với hệ thống trung tâm, điều khiển từ xa bằng smartphone.

“Đến năm 2021, chúng tôi sẽ tiếp tục xuất khẩu gà giống sang các nước Lào, Campuchia, Bangladesh và Myanmar. Sang năm 2023-2024, chúng tôi sẽ bắt đầu xuất khẩu gà giống bố mẹ sang các nước châu Á và châu Âu. Qua nhiều lần làm việc, Tập đoàn Sasso (Pháp) đã đề nghị liên doanh với chúng tôi  xây dựng trại gà giống ông bà tại Bình Định để cung cấp gà giống bố mẹ cho thị trường trong nước và thế giới. Đưa gà giống xuất ngoại là hướng kinh doanh của công ty, thế nhưng mục tiêu trước nhất là đưa đến với người chăn nuôi trong nước con giống tốt nhất”, anh Lê Văn Dư, Giám đốc Cty Minh Dư, chia sẻ. 

Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm