Hướng đến đàn gà trăm triệu con
Cơ sở để Bình Định phát triển mạnh đàn gà trên địa bàn là hiện tỉnh này đang giữ được giống gốc của gà ta, đặc biệt là giống gà cụ kỵ của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư.
Bên cạnh đó,tỉnh này hiện đang có 15 doanh nghiệp chuyên sản xuất gà giống, trong đó có 2 doanh nghiệp lớn là Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư và Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh với năng lực mỗi năm cung ứng hơn 80 triệu con gà giống, chiếm hơn 30% thị phần gà giống cả nước.
Theo ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, từ những lợi thế nói trên, Bộ NN – PTNT đã định hướng cho Bình Định phải phát triển mạnh chăn nuôi gà, tiến tới xuất khẩu cả gà giống và những sản phẩm chế biến từ gà thịt.
Từ đó, Bình Định đề ra chủ trương phát triển đàn gà thịt theo hướng bền vững, bắt đầu từ Đề án phát triển chăn nuôi gà thả đồi tại 3 huyện miền núi là Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão và huyện trung du Hoài Ân.
“Đàn gà ở Bình Định hiện có khoảng 6,2 triệu con, tăng gần 1,5 triệu con so với năm 2016. Tuy vậy, hình thức nuôi gà hiện nay chủ yếu là nuôi nhốt tại các khu dân cư dẫn đến ô nhiễm môi trường, dễ phát sinh dịch bệnh, không đảm bảo an toàn sinh học.
Hơn nữa, gà nuôi nhốt buộc phải sử dụng nhiều thuốc kháng sinh để phòng, trị bệnh, từ đó tăng nguy cơ tồn dư kháng sinh, khả năng đảm bảo an toàn thực phẩm kém, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng”, ông Trần Châu nói về thực trạng nghề nuôi gà hiện nay ở Bình Định.
Trong khi đó, cũng theo ông Trần Châu, nuôi gà thả đồi không những khai thác tốt tiềm năng về đất đai, hạn chế ô nhiễm môi trường mà còn góp phần tăng giá trị chăn nuôi, nâng cao thu nhập, tạo thêm việc làm cho nông dân. Hiện gà ta thả đồi thương phẩm tại một số địa phương ở Bình Định có giá cao hơn từ 1,3 - 1,5 lần so với gà nuôi nhốt, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Ông Châu đưa ra 1 so sánh sát sườn về hiệu quả giữa nuôi gà và nuôi heo hiện nay: “Hiện 1 con heo giống 10kg có giá gần 4 triệu đồng, nuôi 3 – 4 tháng mới được 70 - 80kg, khi xuất bán thời điểm giá heo hơi cao ngút ngàn cũng chỉ được 7 triệu đồng, trừ tiền giống, thức ăn, thuốc thú y, công cán… còn lãi ròng cao lắm là 2 triệu đồng.
Trong khi đó, cũng với 4 triệu đồng nông dân mua được hơn 300 con gà giống, cùng thời gian nuôi 3 – 4 tháng, khi xuất bán đàn gà có thể thu vào đến 40 – 50 triệu đồng, trừ tất tần tật chi phí còn lãi ròng ít nhất 20 triệu đồng. Một bài toán đơn giản nhưng cho thấy hiệu quả khác biệt giữa nuôi gà và nuôi heo hiện nay”.
Xây dựng chuỗi liên kết
Chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ gà theo Đề án Phát triển chăn nuôi gà thả đồi ở Bình Định được bắt đầu từ nông dân.
Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT Bình Định, trong năm 2020 này ngành nông nghiệp Bình Định sẽ xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt thả đồi theo hướng an toàn sinh học tại các huyện Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh và Vân Canh.
Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư và Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh sẽ hỗ trợ mỗi huyện 10.000 con gà giống. Mỗi hộ tham gia mô hình nhận nuôi từ 500 - 1.000 con gà; tỉnh hỗ trợ thuốc thú y và kỹ thuật chăn nuôi.
“Sau đó, Sở NN - PTNT sẽ tổ chức cho nông dân các địa phương khác tham quan mô hình và nhân ra diện rộng, để đạt mục tiêu đến năm 2025 Bình Định sẽ đủ năng lực cung cấp cho thị trường mỗi năm 100 triệu con gà thịt chất lượng cao.
Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng 11 HTX chuyên ngành hoạt động trên lĩnh vực chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn tiêu thụ gà thả đồi Bình Định. Song song, Bình Định sẽ xây dựng nhãn hiệu và phát triển thương hiệu “Gà thả đồi Bình Định”, ông Đào Văn Hùng cho hay.
Theo ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, qua kêu gọi đầu tư của tỉnh, hiện Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam chuẩn bị xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm tại TX An Nhơn.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư và Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh cũng kêu gọi được nhiều đối tác tiêu thụ và chế biến thịt gia cầm ở TP HCM tham gia.
Theo nhận định của ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, sản lượng gà thịt ở Bình Định hiện nay không đủ cung cấp cho hoạt động chế biến trong thời gian tới. Do vậy, Bình Định phải đẩy mạnh chăn nuôi gà để tiến tới mục tiêu tổng đàn gà trên địa bàn đạt 100 – 200 triệu con thì mới đảm bảo bảo cho hoạt động chế biến cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
“Bình Định có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gà từ khí hậu, thời tiết và đất đai. Về khí hậu thì năm nào Bình Định nóng lắm cũng chỉ 38 độ C, thời tiết thì nắng từ tháng 1 đến tháng 9 rất thuận lợi phát triển nuôi gà.
Nuôi gà chỉ sợ mùa mưa, nhưng mưa chỉ xảy ra trong 3 tháng cuối năm, vào mùa này bà con gom gà lại và che chắn cho chúng là an toàn. Diện tích đất gò đồi thì bát ngát, diện tích đất vườn trong dân cũng rất nhiều, bà con có thể kết hợp phát triển trồng cây ăn quả và nuôi gà thả vườn để nâng cao hiệu quả sản xuất”, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khẳng định.
Tại sự kiện quảng bá sản phẩm gà năm 2020 do Bộ NN – PTNT và UBND tỉnh Bình Định tổ chức cuối tháng 7/2020, Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư và Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh cùng các nhà phân phối, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực gia cầm trên cả nước đã ký kết hợp đồng mua bán gà giống, thịt gà, thuốc thú y, thực hiện liên kết chuỗi sản xuất, chế biến thịt gà với tổng trị giá 3.319 tỷ đồng.