| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông cơ sở - những bước chân không mỏi: Luồng gió trên Đất Cảng

Thứ Năm 04/01/2024 , 13:56 (GMT+7)

Không nằm trong số 13 tỉnh, thành trong đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông nhưng Hải Phòng đã lập được 138 tổ khuyến nông cộng đồng với 1.176 người tham gia.

Bắt tay ngay vào việc, tạo chuyển biến rõ rệt

Là xã thuần nông nhưng nhiều năm trở lại đây, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Thụy Hương, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) diễn ra cầm chừng, manh mún, người dân bỏ ruộng ngày càng nhiều. Tình trạng này không chỉ ở xã Thụy Hương mà diễn ra ở hầu khắp vùng quê ven đô TP Hải Phòng.

Trước thực trạng này, từ năm 2022, cùng với hệ thống khuyến nông cả nước, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã triển khai kế hoạch, tổ chức thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật mới, chính sách về nông nghiệp.

Tổ KNCĐ xã Thụy Hương (Kiến Thụy, TP Hải Phòng) hỗ trợ người dân sản xuất mạ khay. Ảnh: Đinh Mười.

Tổ KNCĐ xã Thụy Hương (Kiến Thụy, TP Hải Phòng) hỗ trợ người dân sản xuất mạ khay. Ảnh: Đinh Mười.

Tháng 6/2022, Tổ KNCĐ xã Thụy Hương được thành lập với 6 thành viên, gồm cán bộ khuyến nông, lãnh đạo UBND xã, lãnh đạo HTX Nông nghiệp Thụy Hương và các cá nhân sản xuất tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Dù không có văn phòng, không có phụ cấp…, lại phải kiêm nhiệm nhiều việc nhưng điều bất ngờ là sau khi được thành lập, bằng những kinh nghiệm đã có, các thành viên Tổ KNCĐ xã Thụy Hương đã lập tức tổ chức hoạt động rất sôi nổi.

Một trong những việc làm đầu tiên của Tổ là tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, tiến bộ mới, tư vấn kế hoạch sản xuất, dịch vụ làm mạ khay - máy cấy, phân bón, thuốc BVTV, liên kết bao tiêu sản phẩm theo chuỗi với các sản phẩm như khoai tây, bắp cải, lúa thương phẩm hữu cơ... cho nông dân. Đáng nói, sau khi hoàn thành tốt những việc này ở địa phương, những thành viên tích cực của Tổ KNCĐ xã Thụy Hương còn hỗ trợ người dân một số xã trên địa bàn huyện Kiến Thụy.

“Ngoài việc hỗ trợ, tư vấn phát triển HTX, Tổ KNCĐ còn hướng dẫn kết nối thị trường và liên kết chuỗi giá trị cho người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tích cực hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP đã được công nhận, hướng dẫn người dân bán các sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử…. Người dân rất phấn khởi đón nhận, hiệu quả sản xuất nông nghiệp được cải thiện rõ rệt”, chị Nguyễn Thị Hà – Giám đốc HTX Kinh doanh - Dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương, thành viên Tổ KNCĐ xã Thụy Hương chia sẻ.

Thành viên tổ KNCĐ xã Thụy Hương hỗ trợ người dân cơ giới hóa trong gieo cấy lúa. Ảnh: Đinh Mười.

Thành viên tổ KNCĐ xã Thụy Hương hỗ trợ người dân cơ giới hóa trong gieo cấy lúa. Ảnh: Đinh Mười.

Không chỉ ở Thụy Hương, tại xã Đặng Cương (huyện An Dương), địa phương này có lợi thế phát triển hoa, cây cảnh, nhất là trồng đào. Đặng Cương cũng nổi tiếng với giống cam tiến vua Đồng Dụ. Những năm qua, việc trồng hoa, cây cảnh đã giúp người dân thu về từ 50 - 60 tỷ đồng vào dịp Tết. Tuy vậy, việc tiêu thụ ngày càng khó khăn, việc mở rộng sản xuất ngày càng khó do thiếu vốn. Với giống cam Đồng Dụ thì không phát triển được, thậm chí đứng trước nguy cơ bị "xóa sổ" khi chỉ còn lại 4 cây.

Sau khi Tổ KNCĐ xã Đặng Cương được thành lập, đã nhanh chóng bắt nhịp, phối hợp với các đoàn thể tổ chức 18 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân với gần 800 lượt người tham dự.

Bên cạnh đó, đã tư vấn chính sách cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ nông dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh, hỗ trợ dự án khôi phục giống cam Đồng Dụ, tư vấn chứng nhận sản phẩm OCOP và hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, vùng sản xuất đào cảnh ở Đặng Cương...

Đến nay, giống cam Đồng Dụ đã được khôi phục và đang nhân rộng sản xuất tại một số địa bàn ở Hải Phòng. Còn với hoa, cây cảnh, hàng năm Tổ KNCĐ xã đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ hàng nghìn cây đào cảnh và hoa các loại.

Chị Lê Thị Diệu Thúy, thành viên Tổ KNCĐ xã Đặng Cương cho biết: “Chúng tôi tập trung vào tập huấn khoa học kỹ thuật cho các hộ dân trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn, hướng dẫn người dân cách tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Thành công lớn nhất là đã khôi phục được và mở rộng sản xuất giống cam Đồng Dụ. Những việc làm của Tổ rất thiết thực, xuất phát từ kinh nghiệm đã trải qua nên khi người dân áp dụng vào thực tế cho hiệu quả ngay, do vậy người dân rất phấn khởi”

Tổ KNCĐ xã Đặng Cương giúp khôi phục giống cam 'tiến vua'. Ảnh: Đinh Mười.

Tổ KNCĐ xã Đặng Cương giúp khôi phục giống cam "tiến vua". Ảnh: Đinh Mười.

Dù mới thành lập, các Tổ KNCĐ ở Hải Phòng đều hoạt động rất đều đặn, thực tế, hiệu quả và có dấu ấn ró nét tại các vùng phát triển sản xuất nông nghiệp. Qua đó phát huy tốt vai trò cầu nối giữa cán bộ khuyến nông với nông dân, doanh nghiệp, nhà quản lý vì mục tiêu nâng cao giá trị nông sản.

"Cánh tay phải" tích tụ ruộng đất, hạn chế bỏ ruộng

Hải Phòng không nằm trong 13 tỉnh/thành thuộc Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn tổ KNCĐ do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì.

Song được sự chỉ đạo của Sở NN-PTNT Hải Phòng và khuyến khích của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đến nay, Hải Phòng đã thành lập được 138 tổ KNCĐ, chiếm hơn 90% các xã, phường trên địa bàn Thành phố với 1.176 thành viên tham gia.

Tại các huyện, mỗi xã đều có 1 tổ KNCĐ, mỗi tổ có từ 5 đến 10 thành viên, riêng một số tổ trên 10 thành viên. Trong đó, khuyến nông viên tham gia với chức danh tổ phó hoặc tổ trưởng, thành phần tham gia tùy theo địa phương nhưng cơ bản là một lãnh đạo UBND xã, đại diện hội đoàn thể, HTX, trưởng thôn, bí thư thôn, chủ trang trại, nông dân tiêu biểu trên địa bàn xã và cán bộ khuyến nông phụ trách địa bàn.

Tổ KNCĐ hỗ trợ ốc giống cho nông dân. Ảnh: Đinh Mười.

Tổ KNCĐ hỗ trợ ốc giống cho nông dân. Ảnh: Đinh Mười.

Các tổ KNCĐ thành lập có nội quy hoạt động, có chức năng nhiệm vụ tuyên truyền vận động người dân tham gia HTX, tư vấn thành lập HTX, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, thông tin thị trường, kết nối doanh nghiệp, HTX.

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Quản lý cán bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trên 10 lớp tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông, các thành viên tổ KNCĐ trên địa bàn TP Hải Phòng.

Các tài liệu về hướng dẫn vận hành tổ KNCĐ cũng được chuyển tới các tổ KNCĐ, áp dụng công nghệ chuyển đổi số qua zoom, nhóm zalo để duy trì việc đào tạo, học tập cũng như cung cấp thông tin, trao đổi nhiệm vụ công việc cho các thành viên tổ KNCĐ.

Các tổ KNCĐ ở Hải Phòng duy trì sinh hoạt mỗi tháng 1 lần để trao đổi kinh nghiệp và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công việc. Nhờ cách làm sáng tạo này, các thành viên tổ KNCĐ đã nhanh chóng hoàn thiện năng lực chuyên môn, hỗ trợ tích cực những vấn đề người dân vướng mắc trong sản xuất tại địa phương.

Tập huấn nâng cao chuyên môn cho các thành viên tổ KNCĐ ở Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Tập huấn nâng cao chuyên môn cho các thành viên tổ KNCĐ ở Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

“Cơ bản các tổ KNCĐ đều xây dựng từ 1 - 2 mô hình về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, 100% các tổ KNCĐ tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về thành lập HTX cho người dân, qua đó đã tư vấn thành lập được 29 HTX, 52 tổ KNCĐ đã tư vấn liên kết sản xuất, kết nối thị trường, 27 tổ tư vấn quản lý chất lượng truy xuất nguồn gốc, 59 tổ làm dịch vụ giống vật tư, thiết bị nông nghiệp, BVTV, thú y...”, ông Nguyễn Ngọc Đam – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng chia sẻ.

Có thể thấy, các tổ KNCĐ đã phát huy tốt vai trò là cầu nối quan trọng giữa cán bộ khuyến nông, nông dân, HTX, doanh nghiệp và nhà quản lý nhằm mục tiêu nâng cao giá trị nông sản. Thông qua các tổ KNCĐ, với sự góp sức của người làm công tác khuyến nông, nhiều mô hình khuyến nông có hiệu quả đã được triển khai xây dựng tại địa phương, nhất là những xã đang phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Tuy vậy, trong quá trình hoạt động, các tổ KNCĐ cũng xuất hiện một số khó khăn vướng mắc, cần sớm được tháo gỡ. Cơ bản các thành viên tham gia tổ KNCĐ chủ yếu vẫn là kiêm nghiệm, lồng ghép nhiệm vụ, mặt khác chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ hoạt động còn nhiều hạn chế.

Để duy trì và phát triển các tổ KNCĐ có hiệu quả, rất cần sự quan tâm của các bộ, ngành trung ương, sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, các sở, ngành TP Hải Phòng cũng như chính các thành viên tổ KNCĐ.

Tổ KNCĐ xã Chiến Thắng, huyện An Lão (Hải Phòng) họp bàn triển khai kế hoạch hoạt động hàng tháng. Ảnh: Đinh Mười.

Tổ KNCĐ xã Chiến Thắng, huyện An Lão (Hải Phòng) họp bàn triển khai kế hoạch hoạt động hàng tháng. Ảnh: Đinh Mười.

Cần có cơ chế chính sách riêng, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho hoạt động của tổ KNCĐ và ưu tiên các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng hoạt động, kiến thức sản xuất, kinh doanh, thị trường, nguồn vốn và trang thiết bị để tổ KNCĐ hỗ trợ cho nông dân có hiệu quả, bền vững.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuất – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng: Lực lượng khuyến nông nói chung và các tổ KNCĐ nói riêng sẽ là lực lượng kết nối, đưa đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tới nông dân. Đồng thời đưa nguyện vọng của người dân phản ánh tới các cấp lãnh đạo, từ đó có những giải pháp kịp thời, giúp người dân phát triển sản xuất ngày càng hiệu quả hơn.

Để tổ chức KNCĐ hoạt động hiệu quả, Sở NN-PTNT TP Hải Phòng sẽ tập trung cao trong việc chỉ đạo, đề xuất các chính sách để vừa động viên đội ngũ khuyến nông, đồng thời triển khai mạnh mẽ hơn nữa các chính sách về phát triển sản xuất nông nghiệp trong những năm tới.

“Hơn 1 năm qua, tổ KNCĐ xã Minh Tân đã xuống cơ sở, sâu sát với nông dân để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, HTX tập trung tích tụ ruộng đất, chống bỏ ruộng hoang hóa, thúc đất phát triển kinh tế vùng nông thôn”, ông Vũ Văn Dai, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) chia sẻ.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.