| Hotline: 0983.970.780

Chương trình khuyến nông giúp nông dân sản xuất lúa hữu cơ thu lãi cao

Thứ Bảy 23/12/2023 , 08:28 (GMT+7)

KIÊN GIANG Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang triển khai dự án sản xuất lúa hữu cơ giúp nông dân thu lãi cao và là giải pháp quan trọng để canh tác tôm – lúa bền vững.

Hiệu quả cao nhất từ trước đến nay

Xã viên Hợp tác xã Hiệp Lực (xã Đông Hòa, huyện An Minh, Kiên Giang) đang bắt tay thu hoạch vụ lúa sản xuất theo hướng hữu cơ trên nền đất nuôi tôm với niềm vui trúng mùa, trúng giá. Năm 2023, Hợp tác xã Hiệp Lực được huyện An Minh chọn tham gia dự án sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với mã số vùng trồng do Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang triển khai. Dự án được thực hiện trên địa bàn xã Đông Hòa và Đông Hưng với diện tích 150ha, trong đó tại Hợp tác xã Hiệp Lực là 50ha.

Xã viên Hợp tác xã Hiệp Lực tham gia dự án sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với mã số vùng trồng do Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang triển khai có vụ lúa trúng mùa, lợi nhuận hàng chục triệu đồng/ha. Ảnh: Trung Chánh.

Xã viên Hợp tác xã Hiệp Lực tham gia dự án sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với mã số vùng trồng do Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang triển khai có vụ lúa trúng mùa, lợi nhuận hàng chục triệu đồng/ha. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân Nguyễn Văn Danh, xã viên Hợp tác xã Hiệp Lực phấn khởi cho biết, gia đình có 6ha đất sản xuất tôm – lúa, năm nay được chọn tham gia sản xuất lúa theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả cao. Theo anh Danh, tham gia dự án, nông dân được tập huấn kỹ thuật canh tác lúa theo hướng hữu cơ, được hỗ trợ một phần chi phí lúa giống, phân bón hữu cơ… Qua theo dõi nhật ký cho thấy, chi phí sản xuất lúa theo hướng hữu cơ giảm do giá phân bón hữu cơ thấp hơn phân bón vô cơ. Sâu bệnh, dịch hại cũng ít hơn nên giảm chi phí đầu tư.

Càng vui hơn khi năng suất lúa vụ này tăng, giá bán cao nên nông dân rất phấn khởi. Anh Danh cho biết, năng suất lúa vụ này đạt khoảng 6,5 tấn/ha, cao nhất kể từ khi chuyển sang sản xuất luân canh tôm – lúa. Với giá lúa cao như năm nay, sau khi trừ hết chi phí, nông dân có thể đạt lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/ha. Đây là mức lợi nhuận rất lý tưởng, chưa từng đạt đối với vụ lúa.

Tương tự, hộ ông Trần Minh Tiến tham gia vào Hợp tác xã Hiệp Lực được 4 năm. Năm nay ông Tiến cũng được tham gia dự án sán xuất lúa theo hướng hữu cơ với diện tích hơn 1ha. Nhìn ruộng lúa nặng trĩu bông, chuẩn bị cho thu hoạch, ông Tiến vui mừng: “Dàn lúa này trúng mùa là cái chắc, ước năng suất đạt khoảng 800kg/công. Chỉ mong thời gian này trời đừng có mưa trái mùa làm lúa bị đổ ngã sẽ khó thu hoạch bằng cơ giới. Đầu ra đã có doanh nghiệp ký hợp đồng với hợp tác xã bao tiêu nên nông dân rất yên tâm chờ đến ngày thu hoạch”.

Hỗ trợ chuyển đổi sản xuất hữu cơ 

Bước vào ngày mùa thu hoạch lúa, công việc của Giám đốc Hợp tác xã Hiệp Lực - ông Nguyễn Minh Dân càng tất bật hơn. Hết cùng với cán bộ kỹ thuật của công ty đi thăm đồng, chốt giá thu mua, lại quay sang điều máy cắt đi thu hoạch lúa.

Ông Dân cho biết, Hợp tác xã Hiệp Lực được thành lập vào năm 2018 với 16 thành viên, diện tích sản xuất 46ha. Nhờ hoạt động hiệu quả, nhất là khâu dịch vụ nên quy mô Hợp tác xã ngày càng mở rộng, hiện đã tăng lên 110 thành viên, diện tích 300ha. Hiện hợp tác xã có 2 máy bay làm dịch vụ sạ lúa, rải phân và phun thuốc; thu hoạch với 2 máy gặt đập liên hợp nên đáp ứng 100% các khâu đều được cơ giới hóa, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất.

Sản xuất lúa hữu cơ có nhiều cái lợi, đó là chi phí giảm, năng suất lúa tăng, bán được giá cao và quan trọng nhất là có được môi trường sạch cho vụ nuôi tôm nước lợ luân canh sau vụ lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Sản xuất lúa hữu cơ có nhiều cái lợi, đó là chi phí giảm, năng suất lúa tăng, bán được giá cao và quan trọng nhất là có được môi trường sạch cho vụ nuôi tôm nước lợ luân canh sau vụ lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Vụ này, năng suất lúa của các hộ xã viên tham gia làm theo hướng hữu cơ thu hoạch cao hơn khoảng 100kg/công, giá bán lúa cao hơn 200 đồng/kg nên lợi nhuận tăng thêm khoảng 2 triệu đồng/công. Toàn bộ diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã được Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Trí Mai (Long An) ký hợp đồng thu mua.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Hiệp Lực - ông Nguyễn Minh Dân: “Sản xuất lúa hữu cơ có 4 cái lợi, đó là chi phí giảm, năng suất lúa tăng, bán được giá cao và quan trọng nhất là có được môi trường sạch cho vụ nuôi tôm nước lợ luân canh sau vụ lúa. Vì vậy, bà con xã viên mong muốn sang năm tới sẽ chuyển đổi 100% diện tích của Hợp tác xã sang sản xuất lúa hữu cơ”.

Thực hiện chương trình khuyến nông năm 2023 của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, Trạm Khuyến nông huyện An Minh được giao thực hiện nhiều dạng mô hình về chăn nuôi, thủy sản và trồng trọt.

Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện An Minh - ông Nguyễn Hồng Hài cho biết, Trạm được giao thực hiện dự án canh tác lúa trên nền đất nuôi tôm theo hướng hữu cơ gắn với mã số vùng trồng trên diện tích 150ha. Trong đó, ngoài tập huấn kỹ thuật, nông dân trong các hợp tác xã tham gia được hỗ trợ 40% giá lúa giống, 30 chi phí phân bón hữu cơ.

Hiện nay, nông dân đã bắt đầu thu hoạch lúa, năng suất đạt từ 6 - 6,5 tấn/ha, cao hơn gần 1 tấn/ha so với năm rồi. Sản xuất lúa hữu cơ hiện nay trên địa bàn huyện An Minh đang có các doanh nghiệp như Lộc Trời, Tân Long, Trí Mai… ký hợp đồng với các hợp tác xã để thu mua, giá cao hơn khoảng 200 - 250 đồng/kg. Với giá lúa cao như năm nay, lợi nhuận đối với sản xuất lúa theo hướng hữu cơ có thể đạt từ 30 - 35 triệu đồng/ha, cao hơn so với sản xuất vô cơ truyền thống từ 7 - 8 triệu đồng/ha.

Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang triển khai dự án sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, Hợp tác xã Hiệp Lực được chọn tham gia với diện tích 50ha. Nông dân được tham dự 2 lớp tập huấn kỹ thuật chuyển đổi từ sản xuất vô cơ sang hữu cơ. Qua thực tế cho thấy, chi phí sản xuất hữu cơ giảm hơn so với vô cơ từ 20 - 30%, sâu, bệnh trên lúa cũng giảm đáng kể, lợi nhuận tăng do giá bán lúa cao hơn.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.