| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông đi đúng chiến lược nông nghiệp của Thừa Thiên Huế

Thứ Hai 31/07/2023 , 18:25 (GMT+7)

Các mô hình do Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên Huế chủ trì đều thực hiện tốt, đúng định hướng chiến lược của ngành nông nghiệp địa phương đặt ra.

Vừa qua, đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) đã thăm và kiểm tra hoạt động một số mô hình khuyến nông tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Tham dự đoàn có ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm KNQG, lãnh đạo Sở NN-PTNT Thừa Thiên Huế.

Tại huyện A Lưới, đoàn đã thăm mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ tại hộ bà Nguyễn Thị Đời (xã Quảng Nhâm). Đây là mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hình thức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa Tập đoàn Quế Lâm với người dân.

Đoàn công tác Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thăm mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ tại huyện A Lưới. Ảnh: Công Điền.

Đoàn công tác Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thăm mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ tại huyện A Lưới. Ảnh: Công Điền.

Tham gia mô hình, người dân được cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ quy trình kỹ thuật trong suốt quá trình chăm sóc cho đến khi lợn xuất chuồng và sẽ được Tập đoàn Quế Lâm thu mua toàn bộ sản phẩm. Hiện hộ bà Nguyễn Thị Đời có 95 con lợn đang sinh trưởng và phát triển tốt.  

Mô hình đã giúp người chăn nuôi an tâm về đầu ra và giá bán sản phẩm bởi Tập đoàn Quế Lâm cam kết thu mua toàn bộ với mức giá khi ký hợp đồng. Bên cạnh đó, chi phí chăn nuôi cũng thấp hơn so với cách nuôi thông thường bởi tiết kiệm được nước tắm, dội chuồng, điện và công lao động.

Ông Văn Lập, Trưởng phòng NN-PTNT huyện A Lưới khẳng định, mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ tại xã Quảng Nhâm đã góp phần hạn chế gây ô nhiễm môi trường, không chất thải, nước thải, đây vốn là vấn đề nhức nhối lâu nay trong lĩnh vực chăn nuôi. Ngoài ra, mô hình đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân vùng cao trong phát triển kinh tế, đặc biệt là chăn nuôi gia súc.

Đoàn công tác thăm mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Phú Gia, huyện Phú Vang. Ảnh: Công Điền.

Đoàn công tác thăm mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Phú Gia, huyện Phú Vang. Ảnh: Công Điền.

Tại huyện Phú Vang, đoàn đã kiểm tra mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm ở xã Phú Gia. Đây là mô hình nuôi cua gạch do Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên Huế chủ trì, được triển khai trên diện tích hơn 10ha với 21 hộ tham gia. Hiện mô hình đang ở giai đoạn nuôi cua lên gạch.

Theo ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên Huế, sau 3 năm triển khai, mô hình bước đầu tạo được vùng nuôi cua gạch có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho các hộ dân. Từ thực tế trên, theo ông Phi, cần phát triển nhân rộng mô hình nuôi này thành vùng nuôi tập trung, tạo dựng mối liên kết trong sản xuất, tiến tới xây dựng sản phẩm có chỉ dẫn địa lý gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định và bền vững...

Đoàn công tác cũng đã tham quan mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý phế phụ phẩm trong trồng trọt và chăn nuôi, thúc đẩy tăng trưởng xanh tại xã Thủy Bằng, TP Huế.

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm KNQG, qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các mô hình do Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên Huế chủ trì đều thực hiện tốt, đúng định hướng chiến lược của ngành nông nghiệp địa phương đặt ra.

Ông Lê Quốc Thanh (phải), Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia làm việc với Sở NN-PTNT Thừa Thiên Huế. Ảnh: Công Điền.

Ông Lê Quốc Thanh (phải), Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia làm việc với Sở NN-PTNT Thừa Thiên Huế. Ảnh: Công Điền.

Đây cũng đều là những mô hình mà Trung tâm KNQG xác định sẽ tạo ra những sản phẩm cuối cùng. Trên thực tế, các sản phẩm từ mô hình đã chứng minh được hiệu quả mang lại cho người dân...

Ông Lê Quốc Thanh cũng đánh giá, các mô hình đang được triển khai tại Thừa Thiên Huế đều được tích hợp các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất. Đơn cử như mô hình nuôi lợn theo hướng hữu cơ tại huyện A Lưới, người dân đã tiếp cận phương thức nuôi lợn an toàn sinh học, không nhiễm dịch bệnh, đây là điều mà nếu không có sự hỗ trợ từ các mô hình thì người dân vùng cao khó có thể tiếp cận.

Thời gian tới, bên cạnh việc xây dựng mô hình khuyến nông, vấn đề được lãnh đạo Trung tâm KNQG quan tâm là việc nhân rộng, lan tỏa mô hình vào thực tiễn đời sống để người dân cùng nhau phát triển. Để làm được điều đó, chính quyền địa phương cần tập hợp nông dân lại thành nhóm, tổ hợp tác, HTX. Khi người dân cùng nhau xây dựng thương hiệu thì chắc chắn hiệu quả sẽ tăng lên rất nhiều lần.

Xem thêm
Nuôi ngựa bạch dưới tán rừng

Chăn nuôi ngựa bạch theo hướng hàng hóa dưới tán rừng mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho lao động tại địa phương, nâng cao đời sống người dân.

Khống chế được dịch bệnh, người chăn nuôi yên tâm tái đàn

Nhờ ngành chức năng Bình Định khống chế được dịch bệnh cộng giá heo tăng nên người chăn nuôi ở địa phương miền Trung này yên tâm tái đàn.

Vào mùa mưa, cây giống hút hàng, giá tăng 20 - 30%

BẾN TRE Đầu mùa mưa, do nhu cầu mua cây giống của nông dân tăng khá cao nên giá mặt hàng này cũng tăng từ 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nghiên cứu hệ thống đo phát thải CO2 và CH4 từ cây lúa

CẦN THƠ EcoTraceTech - Hệ thống đo phát thải CO2, CH4 từ cây lúa là ý tưởng khởi nghiệp của nhóm sinh viên Đại học Cần Thơ.