Thành quả kết tinh từ nỗ lực, sáng tạo
Nghệ An là tỉnh đất rộng người đông, địa hình không đồng nhất, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí một số nơi chưa cao, kết hợp diễn biến dịch bệnh phức tạp, thiên tai khó lường… đã gây nhiều khó khăn đến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là "lực cản” lớn đối với hoạt động khuyến nông của tỉnh.
Ông Tạ Quang Sáng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Nghệ An nhấn mạnh: “Từ thực tiễn đặt ra, Trung tâm đã bám sát chủ trương, định hướng để chủ động, kịp thời chỉ đạo khắc phục khó khăn trên tinh thần trách nhiệm cao, có sự động lòng, nhất quán từ trên xuống dưới, qua đó hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và chuyên môn”.
Về khía cạnh chuyên môn, nhiệm vụ xây dựng mô hình được chú trọng ngay từ khâu lập kế hoạch, dự toán cho đến quá trình thực hiện, nghiệm thu. Để triển khai hiệu quả các mô hình từ ngân sách trung ương, địa phương, từ các chương trình phối hợp khác đòi hỏi Trung tâm phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát các bên có liên quan.
Thực tiễn cho thấy, các mô hình thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng đề ra. Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã chú trọng xây dựng theo chuỗi an toàn, gắn kết sản xuất và chế biến, tạo mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm theo hướng bền vững nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông sản.
Thông qua các hoạt động mô hình trình diễn, đơn vị đã truyền tải thành công, có hiệu quả các tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến về với bà con nông dân, đó được xem là chất xúc tác hữu hiệu để tăng nhanh năng suất, cải thiện rõ rệt sản lượng cây trồng, vật nuôi.
Đặc biệt hơn, số đông nông dân đã thay đổi rõ rệt nếp nghĩ vốn ăn sâu bám rễ trước đó, từ phương thức canh tác phân tán, nhỏ lẻ đã chuyển dần sang sản xuất quy mô, tập trung, từng bước hình thành sản phẩm hàng hóa, đáp ứng được nhu cầu thị trường ngày một khó tính, khắt khe hơn.
Từ nguồn ngân sách khuyến nông địa phương và Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã chỉ đạo phòng chuyên môn, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, thị xã, thành phố triển khai 32 mô hình (18 mô hình trồng trọt, 2 mô hình lâm nghiệp, 9 mô hình chăn nuôi và 3 mô hình thuỷ sản). Qua theo dõi, cơ bản các mô hình đều đảm bảo tiến độ, đảm bảo nội dung kinh phí và đạt chất lượng cao.
Nổi bật có thể kể đến mô hình trồng thâm canh giống mía LK9211 áp dụng cơ giới hóa trên đất trồng lúa kém hiệu quả với quy mô 5ha tại huyện Anh Sơn; mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tiêu chuẩn VietGAP, quy mô 0,1ha tại huyện Hưng Nguyên, năng suất đạt 4,16 tấn/1.000 m2, sản phẩm được chứng nhận VietGAP; mô hình trồng thâm canh bưởi da xanh, quy mô 3ha tại xã Yên Khê (huyện Con Cuông), cây sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 95%, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương...
Về chăn nuôi, thủy sản có mô hình nuôi vịt bầu Quỳ quy mô 900 con với 3 hộ tham gia tại huyện Quỳ Hợp, trọng lượng bình quân đạt 2,6kg/con, giá bán 80.000đ/kg, lợi nhuận thu được hơn 51 triệu đồng; mô hình nuôi chạch lấu thương phẩm trong ao quy mô 1.500m2 tại xã Diễn Trường (huyện Diễn Châu), dù là giống mới du nhập nhưng chạch lấu thích nghi rất nhanh, tỷ lệ sống đạt trên 85%...
Trong năm qua, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An cũng tổ chức thành công 90 lớp tập huấn về chương trình đất lúa theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP, thu hút 4.500 học viên tại 8 huyện (Yên Thành, Nghi Lộc, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và Đô Lương) tham gia. Trung tâm đã ký hợp đồng với 21 trung tâm dịch vụ nông nghiệp trong tỉnh triển khai 915 lớp tập huấn cho nông dân, ghi nhận 45.750 học viên tham gia…
Tính linh hoạt còn được Trung tâm Khuyến nông Nghệ An thể hiện qua việc phối hợp, kết nối với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các viện, trường và các sở, ban ngành trong tỉnh để tăng cường hợp tác, từ đó huy động được nguồn lực phát triển lĩnh vực KH-CN trong những năm gần đây.
Một số điểm sáng có thể kể tới như: Dự án “Nông nghiệp thông minh thích nghi biến đổi khí hậu cho nông dân sản xuất nhỏ”; tư vấn gói thầu “Đánh giá, xây dựng kế hoạch chi tiết và dự toán nhu cầu hỗ trợ phát triển sinh kế thuộc dự án JICA 2; dự án gói thầu “Thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế triển khai từ năm 2016 - 2018; gói thầu tư vấn "Xây dựng Kế hoạch phục hồi rừng và đất rừng suy thoái" thực hiện năm 2015; thực hiện thỏa thuận xây dựng mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI năm 2016 với quy mô 10,3ha; dự án “Xây dựng mô hình và chuyển giao quy trình sản xuất cam, bưởi an toàn gắn với chuỗi giá trị tại các tỉnh miền Trung” thuộc ngân sách Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, thời gian 3 năm (2017 - 2019) trên tổng diện tích 137ha tại các tỉnh Miền Trung...
Vững tin vượt khó, tiếp đà thắng lợi
Từ nền móng khá vững chắc, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An tự tin sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu, bám sát các chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực khuyến nông. Đồng thời tập trung nâng cao, tạo dấu ấn đậm nét trong công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua xây dựng mô hình, thông tin tuyên truyền, tập huấn, đào tạo gắn với tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Lý thuyết là một nhẽ, để kết tinh thành quả đòi hỏi cả tập thể phải gắng sức chung tay, nhất là khi còn đó những rào cản, thách thức, yếu tố chủ quan cũng có mà khách quan cũng nhiều, cụ thể như: Khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm áp dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ chưa được đẩy mạnh; nhiều mô hình đạt kết quả tốt nhưng công tác nhân rộng chưa được chú trọng; giá cả vật tư, phân bón, giá cây, con giống tăng cao làm ảnh hưởng lớn đến khả năng đầu tư của người dân cũng như tiến độ triển khai các mô hình; công tác phối hợp của một số đơn vị liên quan (xây dựng mô hình, xây dựng dự toán, thuyết minh, cung cấp báo giá…) chưa kịp thời, chưa đảm bảo chất lượng...
Thuận lợi và khó khăn song hành nhưng với tinh tinh thần vượt khó vươn lên, đặc biệt luôn chủ động, sáng tạo trong mọi tình huống, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An vững tin sẽ đảm nhận, hoàn thành 100% kế hoạch được giao.
Quá trình thực hiện, Trung tâm sẽ bám sát những hoạt động trọng tâm của các chương trình, dự án khuyến nông giai đoạn 2021 - 2025 đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định 4027/QĐ-UBND.
Nghệ An có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong vòng xoay của đại dịch Covid-19 suốt hơn 2 năm qua, lĩnh vực "tam nông" càng thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng. Dịch bệnh trên diện rộng, kết hợp với những yếu tố đặc thù khác kéo theo kinh phí phân bổ cho hoạt động khuyến nông trên địa bàn tương đối hạn hẹp. Để phát huy hiệu quả hơn nữa, đòi hỏi UBND tỉnh và các bên liên quan cần có phương án bổ sung, phê duyệt nguồn kịp thời để hoạt động khuyến nông diễn ra xuyên suốt, đạt hiệu quả cao.