| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông Nghệ An, những dấu ấn để lại

Thứ Hai 17/01/2022 , 08:00 (GMT+7)

Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An thể hiện là người bạn đồng hành cùng nông dân trong sản xuất nông nghiệp, để lại nhiều dấu ấn trong lòng người dân.

Đột phá về lúa lai

Rất nhiều kết quả trong công tác khuyến nông tại Nghệ An những năm trước đây và cả hôm nay đã được thực tế thừa nhận và được bà con nông dân trong tỉnh hết lời ca ngợi.

Có thể kể đến một số kết quả nổi bật đã đi vào lòng dân như: Xây dựng mô hình sản xuất các giống lúa lai để thay thế dần các giống lúa thuần trước đây năng suất chỉ ở mức 45 – 50 tạ/ha. Kết quả, các giống lúa lai đã cho năng suất lên đến 65 – 70 tạ/ha. Từ kết quả này, diện tích lúa lai đã nhanh chóng tăng lên hàng năm và đã đạt đỉnh 80% diện tích lúa lai được gieo cấy trong vụ xuân, 30% trong vụ hè thu và hiện nay tỉ lệ này vẫn được duy trì từ 55 – 60% trong vụ xuân và 20 – 30% trong vụ hè thu.

Nông nghiệp Nghệ An liên tiếp được mùa lớn. Ảnh: Việt Khánh.

Nông nghiệp Nghệ An liên tiếp được mùa lớn. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Võ Văn Giáp, người có thâm niên hàng chục năm làm chủ nhiệm HTX, nay là Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu đã phát biểu tại hội nghị bàn về việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở huyện Diễn Châu vừa qua. Ông nói: "Dấu ấn không bao giờ quên trong đời làm chủ nhiệm HTX của tôi đó là những năm tháng làm nông nghiệp vẫn thiếu gạo ăn. Nhưng khi có cán bộ khuyến nông đưa giống lúa lai về địa phương xây dựng mô hình gieo cấy thử và đã cho năng suất lên đến 60 – 70 tạ/ha".

Từ kết quả này, những vụ lúa sau đó diện tích gieo cấy lúa lai nhanh chóng tăng lên đến 80%, rồi 90%, bà con nông dân không những đủ lúa gạo để ăn mà còn dư thừa để phục vụ chăn nuôi, bán ra thị trường khá nhiều.

Dấu ấn thứ hai là Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã chủ động đề xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng đất cát ven biển kéo dài từ TP Vinh, xuống thị xã Cửa Lò, Nghi Lộc, ra Diễn Châu, Quỳnh Lưu có diện tích gần 18.000ha.

Từ gieo cấy lúa mùa trỉa vãi khô (ở Nghệ An còn gọi là gieo phui, cấy vùi), chuyển sang gieo trồng vừng hè thu, ngô và các loại rau màu vụ đông. Mô hình đầu tiên được xây dựng ở xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu đã đem lại hiệu quả kinh tế gấp 3 - 4 lần so với tập quán sản xuất cũ và chỉ sau đó 1 năm toàn vùng đất cát ven biển rộng 18.000 ha nói trên đã hoàn toàn thay đổi theo mô hình: Vừng vụ hè thu - ngô, lạc, rau màu vụ đông. Đến nay, mô hình này đang phát huy tác dụng rất tốt, rất có hiệu quả trên đất Nghệ An.

Dấu ấn thứ ba không kém phần quan trọng, đó là từ mô hình Sind hóa, Zebu hóa đàn bò ở Nghệ An được bắt đầu từ các xã: Hưng Xá, Hưng Long, Hưng Phú (huyện Hưng Nguyên); Nam Lộc, Nam Thượng, Hùng Tiến (huyện Nam Đàn)…, đến nay đã lan tỏa ở hầu hết các xã trong tỉnh từ vùng đồng bằng đến vùng trung du, miền núi. Hiện tỉ lệ đàn bò được lai Sind, lai Zebu chiếm 68,9% trên tổng đàn bò cả tỉnh là trên 495.400 con, trong đó vùng đồng bằng chiếm tỉ lệ 75%.

Năm 2021, cả nước gặp khó khăn, trong đó có Nghệ An do dịch bệnh CoVid-19. Nhưng, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An vẫn có sự phối hợp rất tốt với các chính quyền địa phương, các cơ sở sản xuất và các trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, thành, thị để thực hiện các nội dung hoạt động khuyến nông được Sở NN-PTNT giao.

Kết quả năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã vượt khó, thực hiện rất tốt các nhiệm vụ được giao như: Xây dựng được 30 mô hình trình diễn, bao gồm các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Tất cả các mô hình trình diễn đều hướng tới sản xuất công nghệ cao, sản phẩm sạch, chất lượng cao, hiệu quả lớn để vừa phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, vừa đem lại giá trị gia tăng cao cho người dân.

Những cú hích cho tái cơ cấu nông nghiệp

Thời gian qua, Khuyến nông Nghệ An đã triển khai những mô hình rất thiết thực, rất hiệu quả, được người dân đánh giá cao. Đó là mô hình thâm canh giống lúa thuần chất lượng cao trên quy mô 50 ha ở huyện Thanh Chương, gắn với liên kết cùng doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Nhiều mô hình sản xuất lúa chất lượng, theo hướng hàng hóa và VietGAP đã được triển khai hiệu quả ở Nghệ An. Ảnh: NNVN.

Nhiều mô hình sản xuất lúa chất lượng, theo hướng hàng hóa và VietGAP đã được triển khai hiệu quả ở Nghệ An. Ảnh: NNVN.

Kết quả, năng suất lúa đạt được bình quân 60,2 tạ/ha, giá doanh nghiệp thu mua 7.000 đ/kg lúa, trừ chi phí còn thu lãi 24.140.000 đồng/ha. Mô hình sản xuất bí xanh theo hướng VietGAP áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt tại huyện Nam Đàn, đạt năng suất 450 tạ/ha, lợi nhuận 33.650.000 đồng/ha/vụ.

Mô hình chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả ở vùng miền núi cao ở huyện Tương Dương do không chủ động nguồn nước tưới chuyển sang trồng lạc. Kết quả, năng suất lạc đạt bình quân 40 tạ/ha, lợi nhuận xấp xỉ 50 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình này được UBND huyện Tương Dương và nông dân ở đây ca ngợi rất tốt.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, mô hình được đánh giá thiết thực và hiệu quả nhất, đó là mô hình nuôi bò thịt vỗ béo kết hợp trồng cỏ và liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm theo giá thỏa thuận được thực hiện tại huyện Nam Đàn. Sau 4 tháng triển khai, năng suất cỏ đạt 67 tấn/3 lứa/ha; bò khỏe, trọng lượng bò tăng bình quân 1 kg/con/ngày. Hiện nay, mô hình này đã và đang được UBND huyện Nam Đàn nhân rộng thành phong trào chung của huyện.

Một mô hình chăn nuôi nữa cũng rất mới lạ, rất hấp dẫn, đó là mô hình nuôi đà điểu thương phẩm được thực hiện tại TP Vinh với số lượng 40 con. Kết quả đến nay cho thấy, đà điểu sinh trưởng phát triển tốt ở môi trường và khí hậu Nghệ An, tỉ lệ sống đạt 95%, không bị dịch bệnh, trọng lượng bình quân đạt từ 60 – 65 kg/con.

Tọa đàm xây dựng vườn cam mẫu ở huyện Yên Thành.

Tọa đàm xây dựng vườn cam mẫu ở huyện Yên Thành.

Mô hình này rất có triển vọng mở rộng quy mô chăn nuôi đà điểu lên đến hàng ngàn con tại Nghệ An, nhất là vùng phụ cận TP Vinh. Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, mô hình nuôi cua biển bằng thức ăn công nghiệp trong vùng nuôi tôm kém hiệu quả tại xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu trên quy mô 4.000m2 đã đạt được kết quả thật bất ngờ. Chỉ sau 4 tháng nuôi, trọng lượng bình quân của mỗi con cua đạt từ 300 – 320 gam/con, lãi thuần 300 triệu đồng/4.000m2 diện tích nuôi. Mô hình này hiện đã được UBND huyện Diễn Châu chỉ đạo nhân rộng ở nhiều xã ven biển trong huyện.

Trong nuôi trồng thùy sản, còn có mô hình rất được nhiều người quan tâm, đó là mô hình nuôi cá diêu hồng thương phẩm trong lồng bè trên hồ đập ở huyện Quế Phong cho kết quả đáng mừng, tỉ lệ cá sống đạt trên 80%, trọng lượng cá đạt bình quân 0,6 kg/con, sản lượng cá thu được 3.900 kg/90 m3 lồng.

Ngoài việc xây dựng các mô hình trình diễn, Khuyến nông Nghệ An còn làm rất tốt việc tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đến người nông dân từng thôn, bản, làng, xã. Đặc biệt, nội dung tập huấn đã được thay đổi nhiều so với trước đây, tập trung chủ yếu vào việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới như: Giống cây, con mới có năng suất cao, chất lượng tốt; phương pháp canh tác nông nghiệp hữu cơ, theo hướng VietGAP.

Phổ biến máy tạo viên thức ăn trong mô hình nuôi cá thát lát liên kết theo chuỗi tại huyện Diễn Châu.

Phổ biến máy tạo viên thức ăn trong mô hình nuôi cá thát lát liên kết theo chuỗi tại huyện Diễn Châu.

Đặc biệt trong năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã phối hợp với các ban quản lý cảng cá Nghệ An, Chi cục Thủy sản Nghệ An tổ chức được 15 lớp tập huấn cho các ngư dân ở các xã ven biển về “Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định" nhằm gỡ bỏ "thẻ vàng" của EC.

Khuyến nông Nghệ An đã luôn luôn "đồng hành cùng nông dân, vì nông dân phục vụ" và thực sự đã đem lại hiệu quả cho người dân trong sản xuất nông nghiệp những năm qua. Song ít nhiều vẫn còn những tồn tại phải có biện pháp khắc phục nhanh như: Một số mô hình có hiệu quả tốt nhưng chưa được duy trì và nhân rộng ra thành phong trào sản xuất rộng lớn.

Công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới nội dung còn nghèo nàn do chưa nắm bắt kịp những thông tin mới, tiến bộ kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất. Việc xây dựng mô hình khuyến nông vừa qua ít nhiều chưa thực sự thiết thực với cuộc sống và yêu cầu sản xuất trong từng giai đoạn cụ thể, nhất là giai đoạn hiện nay sản xuất nông nghiệp đang phát triển theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả, trong đó giá trị gia tăng là ưu tiên hàng đầu.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.