Ngày 7/9, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình tổ chức hội nghị tổng kết 30 năm hoạt động khuyến nông Thái Bình (1993 - 2023).
Ông Trần Minh Hưng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cho biết, ngày 29/5/1993, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 336/QĐ-UBND đổi tên Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp thành Trung tâm Khảo nghiệm và Khuyến nông trực thuộc Sở Nông nghiệp (nay là Sở NN-PTNT) đánh dấu sự hình thành và phát triển của Trung tâm Khuyến nông Thái Bình.
Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cũng thực hiện 16 nhiệm vụ như trung tâm khuyến nông các tỉnh, tuy nhiên do đặc điểm riêng của địa phương nên Trung tâm có thêm 3 nhiệm vụ là: Khảo nghiệm, tuyển chọn các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, vật tư nông nghiệp và các tiến bộ kỹ thuật mới áp dụng trong nông nghiệp; lưu giữ, chọn lọc, phát triển giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có tiềm năng năng suất cao, phù hợp với điều kiện của địa phương; sản xuất, dịch vụ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, vật tư nông nghiệp phục vụ nhu cầu thị trường.
Trong chặng đường 30 năm hình thành và phát triển, với nhiều tên gọi khác nhau, tập thể lãnh đạo, cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Thái Bình luôn đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, thách thức để triển khai có hiệu quả các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh. Trung tâm luôn đồng hành, gắn bó với nông nghiệp, nông thôn và nông dân, là địa chỉ tin cậy của nông dân trong tỉnh.
Ngay từ thời kỳ đầu mới thành lập, Trung tâm đã thực hiện tuyển chọn các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, hướng dẫn thay đổi tập quán sản xuất để thực hiện mục tiêu ổn định nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho nhân dân trong tỉnh. Giai đoạn 2003 - 2013, hoạt động khuyến nông phục vụ mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thay đổi phương thức, quy mô sản xuất để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, thúc đẩy phong trào xây dựng cánh đồng thu nhập 50 triệu đồng/ha.
Giai đoạn từ năm 2013 đến nay, các hoạt động khuyến nông phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển nông nghiệp sinh thái, hiệu quả và bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và an toàn thực phẩm; phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và chuyển đổi số để nâng cao thu nhập cho người sản xuất.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn tới, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình sẽ tập trung đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức và hoạt động khuyến nông, phát triển khuyến nông điện tử, khuyến nông cộng đồng, chuyển đổi số nhằm phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Bên cạnh đó, từng bước giúp nông dân thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đến năm 2030, phấn đấu 100% số xã có tổ khuyến nông cộng đồng, 50% thành viên của tổ khuyến nông cộng đồng được đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là kỹ năng hoạt động khuyến nông. Đến năm 2035, 100% thành viên của tổ khuyến nông cộng đồng được đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là kỹ năng hoạt động khuyến nông.
Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ, trong suốt 30 năm qua, hoạt động của hệ thống khuyến nông Thái Bình đã có những đóng góp quan trọng, góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực của ngành nông nghiệp Thái Bình, đưa diện mạo nông thôn khởi sắc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Theo ông Hồng, hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hoạt động đi vào chiều sâu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Do đó, mỗi cán bộ khuyến nông phải hiểu rõ vai trò, sứ mệnh của mình và chuẩn bị những điều kiện, tâm thế tốt nhất để cùng tham gia thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững.
Ông Hồng cũng đề nghị Trung tâm Khuyến nông Thái Bình trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, thời gian tới cần tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ: Không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động khuyến nông, kết hợp giữa khuyến nông truyền thống và công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn sản xuất và nông dân.
Bên cạnh đó, xây dựng và nhân rộng hơn nữa những mô hình sản xuất hiệu quả, nhất là những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, nông nghiệp an toàn, hữu cơ, nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái…
Chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ khuyến nông để mỗi cán bộ khuyến nông “giỏi một việc, biết nhiều việc”. Đồng thời, trở thành những chuyên gia tư vấn giúp đỡ được người dân, HTX, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh hiệu quả, là cầu nối giữa khoa học công nghệ và sản xuất, giữa sản xuất và thị trường.
Ngoài ra, tăng cường kết nối trong hệ thống khuyến nông, thường xuyên bám sát tình hình thực tiễn sản xuất, đồng hành cùng nông dân theo phương châm “ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”, “nông dân cần thì khuyến nông có, nông dân khó đã có khuyến nông”, “khuyến nông trong lòng nông dân, nông dân trong tâm trí cán bộ khuyến nông”.
Tại hội nghị, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã trao giấy khen cho 5 tập thể và 6 cá nhân thuộc hệ thống khuyến nông Thái Bình có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến nông Việt Nam giai đoạn 1993 - 2023. Sở NN-PTNT Thái Bình cũng trao giấy khen cho 5 tập thể và 6 cá nhân đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong việc thực hiện chuyên đề thi đua “đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến nông, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn văn minh” giai đoạn 2021 - 2025.