| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông thu hút nguồn lực quốc tế và hợp tác công - tư

Thứ Ba 14/11/2023 , 11:11 (GMT+7)

Khuyến nông Việt Nam đang ngày càng chủ động hội nhập, tranh thủ các nguồn lực từ hợp tác quốc tế và hợp tác công - tư.  

Nâng cao vị thế Khuyến nông Việt Nam trong khu vực ASEAN

Cùng với sự gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tham gia Mạng lưới ASEAN về Đào tạo nông nghiệp và Khuyến nông (AWGATE). Mạng lưới AWGATE có sự tham gia của tất cả thành viên trong khối ASEAN, là sự kiện thường niên được tổ chức luân phiên tại các quốc gia.

Tại các phiên họp của AWGATE, các vấn đề liên quan đến hợp tác về đào tạo nông nghiệp và khuyến nông được chia sẻ giữa các thành viên. Các chương trình, dự án đề xuất thông qua AWGATE sẽ được Ban Thư ký ASEAN tổng hợp, xin ý kiến chỉ đạo tại các cuộc họp cấp cao hơn trong ASEAN diễn ra thường niên. Đó là các cuộc họp cấp vụ trưởng (SOM) và cấp bộ trưởng (AMAF) trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của ASEAN.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia những năm qua đã triển khai có hiệu quả nhiều dự án hợp tác quốc tế. Ảnh: Trung Quân.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia những năm qua đã triển khai có hiệu quả nhiều dự án hợp tác quốc tế. Ảnh: Trung Quân.

Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia Liên minh các Tổ chức Khuyến nông khu vực sông Mê Kông (The

Mekong Extension Learning Alliance - MELA) được khởi xướng từ tháng 3/2015 tại Hà Nội. Nhiệm vụ của tổ chức này là một mạng lưới cho các nước thành viên học hỏi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tế tốt nhất trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn nông nghiệp, tiếp thị và phát triển nông thôn bền vững, đồng thời xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động khuyến nông của các nước tham gia.

Chủ trì nhiều dự án lớn, chủ động hội nhập quốc tế

Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tranh thủ tối đa nguồn lực từ bên ngoài thông qua nhiều hoạt động hợp tác quốc tế, góp phần quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Điển hình là trong giai đoạn 2016 - 2020, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được Bộ NN-PTNT giao làm chủ đầu tư 2 dự án đầu tư viện trợ cho Chính phủ Lào (sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam cho Chính phủ Lào). Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng được giao chủ trì thực hiện dự án ODA do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) với kinh phí 3 triệu USD, được thực hiện trong 4 năm từ 2022 - 2026.

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia còn chủ trì nhiều dự án hợp tác quốc tế với các tổ chức quốc tế như FAO, UNDP, Pepsico, GCP...: Dự án “Nâng cao giá trị chuỗi thịt lợn Việt Nam theo định hướng quốc tế: Chương trình A - G2G: Kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm trong chuỗi thịt lợn"; Dự án VnSAT; Dự án “Hỗ trợ hạn hán và xâm nhập mặn của 6 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Bến Tre, Kiên Giang”; Dự án “Giảm thiểu rủi ro và quản lý các mối đe doạ sức khoẻ con người theo chuỗi giá trị động vật - EPT2”...

Đặc biệt năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) và Hiệp hội nông nghiệp Đức (DLG) đã tổ chức thành công sự kiện AGRITECHNICA ASIA Live 2022 tại TP Cần Thơ. Đây là sự kiện quốc tế trọng điểm mang dấu ấn của ngành nông nghiệp nước ta trong năm 2022 nhằm thúc đẩy canh tác nông nghiệp bền vững thông qua ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Thông qua các dự án, chương trình hợp tác quốc tế, năng lực của hệ thống khuyến nông trung ương và nhiều địa phương được tăng cường rõ rệt. Khoảng 500.000 lượt cán bộ khuyến nông và nông dân được tham gia tập huấn tăng cường năng lực tại các dự án, hợp phần, tiểu dự án, tiểu hợp phần mà Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các dự án quốc tế thực hiện. Hàng trăm lượt cán bộ khuyến nông các cấp đã tham dự nhiều khóa học, hội thảo, tập huấn về khuyến nông tại Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Israel, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc…

Mở rộng không gian khuyến nông từ hợp tác công - tư

Song hành với hoạt động hợp tác quốc tế, hệ thống khuyến nông đã chú trọng đến vai trò của khối tư nhân thông qua hợp tác công - tư (PPP).

Bên cạnh các dự án hợp tác quốc tế, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp triển khai đạt hiệu quả cao nhiều chương trình hợp tác, tranh thủ nguồn lực từ khối tư nhân cho hoạt động khuyến nông. Ảnh: Trung Quân.

Bên cạnh các dự án hợp tác quốc tế, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp triển khai đạt hiệu quả cao nhiều chương trình hợp tác, tranh thủ nguồn lực từ khối tư nhân cho hoạt động khuyến nông. Ảnh: Trung Quân.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tăng cường hợp tác PPP với nhiều tổ chức quốc tế (UN Women, GCP, Syngenta, IRRI, Bayer, Baywa, GIZ, FAO, HIS, các NGO quốc tế…) và các đối tác như: Công ty Bình Điền, Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Bồ Đề, Tập đoàn Nespice, Tập đoàn C.P, Diễn đàn Cà phê toàn cầu (GCP), Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CDC)...

Đặc biệt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được Bộ NN-PTNT giao nhiệm vụ là trưởng nhóm công trong hợp tác công tư ngành hàng lúa gạo tại Việt Nam.

Một số hợp tác PPP nổi bật của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia có thể kể tới như: Hợp tác với tổ chức Grow Asia và Công ty Bayer Việt Nam thực hiện hỗ trợ gói giải pháp toàn diện cho nông dân 7 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; hợp tác với Quỹ Phát triển Nông nghiệp bền vững Syngenta nhằm nâng cao kiến thức về sản xuất rau an toàn theo VietGAP; hợp tác với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, tăng thu nhập cho người dân và giảm phát thải khí nhà kính...

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia còn hợp tác với Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới (UN Women tại Việt Nam) tăng cường năng lực cho phụ nữ về khả năng tiếp cận từ các cơ hội kinh tế, tài nguyên, khuyến nông, dịch vụ, nông nghiệp và phát triển nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai.

Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục chủ động, tích cực xây dựng ký kết chương trình, kế hoạch hợp tác về khuyến nông với một số nước, tổ chức quốc tế, bao gồm: Tài trợ không hoàn lại, hỗ trợ phát triển (ODA), liên kết, hợp tác, đào tạo nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật.

Đồng thời, tăng cường hợp tác PPP theo từng chuỗi giá trị sản phẩm, ngành hàng góp phần nâng cao năng lực và vị thế của hệ thống khuyến nông Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.