Chỉ mong đủ chi tiêu tối thiểu
6 giờ tối, khi thành phố đã lên đèn, con đường hương lộ 80, phân ranh giữa xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn và P.Tân Thới Hiệp, Q.12, tấp nập người xe. Thời điểm này, công nhân tại khu công nghiệp Tân Thới Hiệp bắt đầu tan ca, họ tranh thủ ghé vào mấy sạp bán rau củ quả mua thức ăn cho bữa tối.
Ghé vào khu nhà trọ khá lớn nằm dọc con đường đất hỏi thăm, tôi gặp ngay bà chủ nhà tên Trần Thị Gái, 70 tuổi, bà cho biết: “Khu nhà trọ của gia đình tôi có 2 dãy, mỗi dãy gần 2 chục phòng, toàn công nhân ở. Họ mới quay lại 2 tháng nay thôi, chứ trước đó không có việc làm nên về quê hết, đóng cửa hết 2/3. Bây giờ mấy công ty hoạt động lại, nhưng còn khó khăn nên công nhân thu nhập thấp lắm. Nhiều phòng tôi vẫn cho thiếu, giảm tiền thuê. Có nhà như nhà anh Dũng, khó khăn quá nên có thì đưa, không thấy đưa tôi cũng không hỏi”.
Ông Lê Văn Hùng, 76 tuổi, chồng bà Gái, bảo: “Bây giờ có khi họ chưa đi làm về hết, nhiều người làm đến 9 giờ tối lận”. Nói rồi ông dẫn chúng tôi đi xuống dãy phòng trọ. Phải đến că thứ 3 mới thấy sáng đèn. “Phòng nay của gia đình thằng Dũng, 5 người. 2 vợ chồng, 2 đứa con và 1 đứa cháu nội. Thằng Dũng bị gai cột sống, không làm được gì, ở trong phòng cũng toàn phải lết lết”, ông Hùng nói.
Vào phòng hỏi thăm, trò chuyện, anh Đoàn Văn Dũng, 51 tuổi, cho biết, gia đình anh từ Hồng Ngự, Đồng Tháp, lên Sài Gòn lập nghiệp từ lâu, vì ở quê chẳng có đất làm ruộng. Anh chị có 2 đứa con trai, đứa lớn 22 tuổi, đã lấy vợ, có 1 cháu trai. “Tôi lúc trước cũng làm công nhân kho hàng của công ty chuyên về vật liệu xây dựng, Do làm việc nặng lâu, lại ăn uống thiếu thốn nên sụm xương sống luôn, giờ không làm được gì, phải sống bám vợ con. Nay thằng lớn phải lên Bình Dương làm thợ hồ, thằng nhỏ mới 14 tuổi, đang học lớp 8, cũng bỏ học đi làm sơn. Con dâu thấy khổ quá nên cũng xách giỏ bỏ về quê luôn, để thằng bé này lại cho ông bà”, anh Dũng chỉ đứa cháu nội đang chơi trên giường, nói.
“Vậy còn chị nhà, có phải công nhân không? Chị làm thu nhập thế nào?”, tôi hỏi. Anh Dũng đáp: “2 vợ chồng tôi hồi trước làm chung công ty, vợ tôi làm vệ sinh trong đó, thu nhập tháng 7-8 triệu. So với các công ty khác thì cũng khá chứ không thấp. Đợt dịch vừa rồi, họ ngưng mấy tháng, mới hoạt động lại đây, bà ấy vẫn được gọi đi làm, nhưng thu nhập giảm 1/3 vì một số khoản chi phụ cấp bị cắt giảm. Lúc trước đi làm về trong cháu, nhưng đợt này khó khăn quá nên 4 rưỡi về là bả ghé đại lý vé số lấy 5 chục tờ đi bán, đến 9 giờ mới về. Mỗi ngày kiếm thêm mấy chục ngàn, nhưng mà cực quá”.
Khi chúng tôi đang trò chuyện thì vợ anh, chị Lê Thị Hoa, 48 tuổi, đi bán vé số về. “Mai chủ nhật, không đi làm nên tôi lấy sẵn 200 tờ bán cả ngày mai rồi. Chú mua ủng hộ mấy tờ đi”, chị cười, nói với tôi. Cầm xấp vé số trên tay chị, tôi hỏi: “Tết nay công ty có thưởng không?”. Chị đáp: “Tôi chưa biết nữa. Nhưng nghe nói cũng cho mỗi người tháng lương cơ bản hơn 3 triệu. Công ty mới hoạt động lại, cũng còn khó khăn lắm. Nên có bao nhiêu hay bấy nhiêu thôi. Đợt vừa rồi nghỉ mấy tháng, công ty vẫn hỗ trợ lương. Nhưng mà chẳng thấm tháp gì. Với thu nhập từ đồng lương công nhân, bình thường cũng chỉ đủ trang trải, nên khi có dịch xảy ra, mấy tháng không có việc làm, cuộc sống lại càng khó khăn. Rồi ổng bị cái cột sống, lâu nay di chuyển còn khó, nói gì làm việc. Vì khó khăn quá mà thằng nhỏ phải nghỉ học đi làm phụ gia đình”.
Dù khó khăn, cứ vui vẻ
Gần 8 giờ tối, chúng tôi rời phòng trọ của vợ chồng anh Dũng đi vào dãy trọ phía trong. Lúc này cũng mới chỉ có 2 phòng sát nhau sáng đèn. Anh Nguyễn Văn Diễm, 46 tuổi, một trong 2 người chủ căn phòng trọ, cho biết: “Chắc họ cũng sắp về hết rồi đó. Trễ lắm là 9 giờ thôi”. Vừa dứt câu thì vợ anh, chị Phạm Thị Sơn, cũng chạy xe máy về đến cửa. “Tôi làm công ty may Ovi trong khu công nghiệp Tân Thới Hiệp. Làm ăn sản phẩm, đến khoảng 5 giờ là nghỉ, nhưng phải ở lại dán nhãn cho sản phẩm của mình, xong mới về chứ không phải tăng ca. Công ty còn ít việc nên chưa có tăng ca”, chị Sơn cho biết.
“Chị làm công ty đó lâu chưa? Thu nhập, chế độ có tốt không?”, tôi hỏi. “tính ra tôi làm mười mấy năm rồi. Hồi trước chưa làm ăn lương sản phẩm, lương khoảng 5-6 triệu/ tháng. Khoảng 2 năm nay bắt đầu tính lương theo sản phẩm, làm nhiều ăn nhiều. Nên thu nhập cũng vô chừng. Mà bây giờ chưa có hàng nhiều nên muốn làm nhiều cũng không được”, chị Sơn đáp.
“Còn thưởng Tết thì sao?”, tôi hỏi tiếp. “Chưa nghe công ty thông báo gì, nhưng tôi nghe đồn là công ty cho 1 tháng lương cơ bản, chắc cũng 3-4 triệu gì à. Vậy cũng tốt rồi, còn hơn không có gì”, chị Sơn đáp. “vậy năm nay ăn Tết thế nào?”, “Thì có bao nhiêu ăn bấy nhiêu thôi anh. Gì chứ mua 2-3 ký thịt heo, cặp bánh chưng, bánh tét thì đủ khả năng”, chị Sơn cười, cho biết.
Từ quê Hậu Giang lên Sài Gòn làm công nhân từ khi con gái đầu mới lẫm chẫm bước, nay đã 20 tuổi và anh chị có thêm cháu thứ 2, nhưng cả gia đình 4 người của vợ chồng anh Diễm vẫn ở trong căn phòng trọ khá chật chội, tiền thuê mỗi tháng 1,2 triệu đồng, chưa tính tiền điện, nước. 2 năm nay, dịch Covid-19 càn quét, cuộc sống càng khó khăn hơn. Trong khi công ty tạm ngưng hoạt động, anh Diễm đi làm bốc xếp cho 1 cơ sở tư nhân, tiền công mỗi ngày 350 ngàn đồng. Nhưng không phải ngày nào cũng có việc.
Mặc dù vậy, tôi cảm thấy cuộc sống của gia đình anh Diễm khá vui vẻ, không nặng nề khi cả 2 anh chị đều nói chuyện rổn rảng, với nụ cười thường trực. Đặc biệt, anh Diễm khá dễ gần, cởi mởi, hoàn toàn khác vẻ ngoài hơi “bặm trợn” với mái tóc cắt đinh và cánh tay xăm trổ. Trong lúc chúng tôi nói chuyện, cô con gái nhỏ 11 tuổi của anh chị bám dính cổ ba. Có vẻ như cô bé được cưng lắm.
“Công việc không phải ngày nào cũng có, nên thu nhập cả tháng cũng bấp bênh. Nhưng dù sao thì mình cũng còn sức khoẻ, còn làm việc được, đó là may mắn rồi. Dù có thiếu thốn thật, nhưng mình cứ vui lên mà sống, chứ bi quan có giải quyết được gì đâu, trái lại còn làm mình mệt mỏi thêm”, anh Diễm nói.
Theo ông Hùng, chủ khu nhà trọ, công nhân thuê phòng trọ ở đây làm ở nhiều công ty, đa số mới đi làm lại chưa lâu, nên ai cũng khó khăn. “Thỉnh thoảng lại có người ra nói vợ tôi cho khất tiền phòng vì công ty ít việc, làm cầm chừng, không có thưởng Tết. Họ nói vậy thì mình cũng chấp nhận chứ nỡ lòng nào ép họ”, ông Hùng nói.
“Mặc dù năm nay, các doanh nghiệp trong Khối đều gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng hầu như doanh nghiệp nào cũng cố gắng chăm lo cho người lao động. Ngoài ra, Công đoàn Khối cũng đã có kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động trong Khối như chương trình “Tết sum vầy” mừng Xuân Nhâm Dần năm 2022; thăm, tặng quà cho công nhân có hoàn cành khó khăn, mỗi phần quà trị giá 1.000.000 đồng, bao gồm tiền mặt và hiện vật”, bà Tạ Thị Tố Trinh, Chủ tịch Công đoàn Khối doanh nghiệp Thương mại Trung ương tại TP.HCM.