Một chiều cuối năm hanh hao nắng như rải vàng trên mặt sông hiền từ. Em gọn gàng trong chiếc áo cổ tròn màu mạ non ôm vừa khít khao thân hình mảnh mai mà tràn đầy sức sống.
Mỗi mái chèo em đẩy như mớm nhẹ con thuyền xuôi dòng Kiến Giang cho khỏi chòng chành. Mỗi mái chèo là một nhịp thở. Dáng em cứ vươn lên, như tạo thêm nét cong huyền ảo của khuôn ngực căng đầy theo nhịp thở. Tôi vội đưa mắt lén qua khuôn ngực, vẫn cái nhìn giấu giấu, vội vội như cách hơn hai mươi năm trước…
Giọng em nhẹ nhàng cất lên, cắt cái suy nghĩ lộn xộn về hồi ức của tôi (hay em đã đọc được tôi đang nghĩ điều gì…): “Chừ anh muốn đi tới mô, để em đưa anh tới đó. Kẻo rồi đi xa lại trách”. Tôi nhè nhẹ thở, có trách thì chỉ biết trách anh thôi.
“Anh ơi” - tiếng em vẫn thiết tha như ngày nào lại cất lên: “Người ta nói, không có ai được tắm trên dòng sông hai lần. Rứa anh của em tắm được mấy lần rồi?”. “Ừ chỉ có được lần tắm với em thôi”.
- Ứ - kèm theo tiếng em là một mái chèo bát gấp. Con thuyền như hắt mũi sang phải làm tôi suýt lộn người xuống sông. Tiếng em cười trong văn vắt: “Nói dối này. May đó, chứ muốn tắm thì em cho tắm luôn cho bữa sau khỏi nói thừa”.
Tôi lên Lệ Thủy, trọ học ở nhà chú ruột. Em học sau tôi một lớp, nhà gần ngõ nên thường cùng nhau đi về thành quen.
Cứ chiều nắng hanh hao, trước Tết vài tháng, chú tôi chèo đò ngược dòng sông. Khi đến được bãi ven bằng phẳng rộng chừng ba, bốn sân nhà cộng lại, lau sậy mọc um tùm là cắm đò lại. Hai chú cháu xuống đò, dùng cây dai phạt quét sát chân lau sậy đổ theo từng lớp.
Vài ngày sau, khi thân lau sậy khô, tôi vơ mấy ôm rác khô trải lên làm mồi, chú bật lửa đốt. Lửa bén nhanh, cháy bùng bùng theo ngọn gió thổi từ sông lên. Từng làn khói mỏng quện lấy nhau bay ngang trời chiều, tỏa mùi ngai ngái, hăng hắc.
Lại đợi thêm mấy hôm, chú mang hạt giống cây thuốc lá gieo lên vùng đất. Đất bồi phù sa nên cây thuốc lá bén nhanh, xanh tốt lạ. Đến mùa thu hoạch, hai chú cháu lại chèo đò lên trẩy lá, ôm xuống thuyền mang về nhà phơi thật khô. Chú dùng manh chiếu cói cũ bó lá thuốc thật chặt treo lên mái nhà để hút quanh năm.
Chú tôi bảo, thuốc lá trồng bên sông cháy đượm đậm mùi mà say lâu lắm. Thi thoảng, tôi trộm của chú vài nhúm thuốc đã xắt nhỏ mang theo. Giờ ra chơi, cả đám con trai trốn ra bến sông, xé giấy vở quấn thuốc rồi tập nhả khói lên trời như người lớn. Cái mùi thuốc lá “bọ” ấy cứ phảng phất trong ký ức cho đến bây giờ.
Về với Kiến Giang, ai cũng nhắc đua thuyền trên sông. Hiện Lệ Thủy đang làm hồ sơ vinh danh về lễ hội bơi thuyền. Lễ hội này đã có ít nhất gần 500 năm. Trước là lễ hội bơi thuyền cầu mưa. Từ năm 1955, trở thành lễ hội bơi thuyền mừng Tết Độc lập 2/9 hàng năm.
Có năm, hạn nặng, dòng Kiến Giang có nơi người ta xắn quần lội qua được. Huyện chỉ đạo xả các hồ chứa An Mã, Phú Hòa… để giải khát và có nước trên sông cho đua thuyền. Sau lễ Quốc khánh, từng đợt mưa lớn dồn dập làm nước trên các hồ thủy lợi, trên sông cứ đầy lên, đầy lên.
“Đã là người Lệ Thủy, Tết cổ truyền có thể không về, nhưng Lễ Quốc khánh phải về bằng được” - tiếng em lại vút lên đằng lái con thuyền. “Sao lạ vậy?”. “Ngấm vào máu thịt rồi anh” - em nói nhẹ như hơi thở. Cứ đến ngày 2/9, ở Lệ Thủy, nhà nhà làm cỗ dâng ông bà, dâng lên bàn thờ Bác Hồ. Trổng (ngõ xóm) nào cũng vật bò, ngã heo… để mừng thuyền đua của làng. Vui lắm, vui Tết Độc lập mà.
Thuyền em đổi hướng nhẹ, đi qua một cây cổ thụ um tùm, chùm rễ xìa xuống mặt sông. Thấp thoáng trong tán lá, một ngôi miếu nhỏ ẩn hiện. “Đó là Đền thờ bà Lổ đó”.
Tục truyền rằng, năm trước đò đua của làng về sau nên làng buồn lắm. Khi mùa lễ hội đến, người con gái đẹp nhất làng đến ghé tai thì thầm với trai bơi điều gì đó. Vào hồi đua gay cấn, đò đua của làng bị đò làng khác kèm riết, khó bề bứt lên được.
Bất ngờ, dưới gốc cây cổ thụ, một cô gái đẹp tựa tiên giáng trần khỏa thân đứng vẫy tay cổ vũ đò đua. Trong khoảnh khắc bất chợt ấy, trai làng bên mãi nhìn tiên nữ khỏa thân mà lơi lỏng tay chầm. Đò đua trai làng như đã biết trước nên vẫn chòm người siết mạnh để đò bứt vượt lên. Khi trai bơi làng bên tỉnh ra thì đã muộn mất rồi.
Năm đó, đò đua làng về nhất. Trong niềm vui khôn tả, mọi người nhận ra thiếu vắng cô gái nên đi tìm. Nhưng vì tiết hạnh nên cô gái đã trẫm mình xuống dòng sông. Dân làng tiếc thương, lập đền thờ bên bờ sông, dưới gốc cây cổ thụ để cúng thờ, hương khói.
Từ đó về sau, dân trong vùng gọi là Đền Bà Lổ. “Phải rồi, bà Lổ thiêng nên cho con gái Lệ Thủy đẹp người, đẹp nết”. Tôi nghe tiếng hứ nhẹ như thoảng trong gió của em: “Rứa mà chẳng bắt được một người”.
Đi quá vài trăm mét, bên sông là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Tiến sỹ Quận công Hoàng Hối Khanh (1362-1407). Ông là vị tướng tài ba, người khai phá, mở mang lưu vực dòng Kiến Giang. Qua phía tả ngạn dòng sông là lăng mộ Hiệp Biện Đại học sỹ Võ Trọng Bình (1808-1898), vị quan nức tiếng thanh liêm…
Về đến đoạn sông thôn Xuân Bồ (xã Xuân Thủy), vẫn còn nghe các cụ già say sưa kể chuyện đánh Tây, về một “chiến thắng Xuân Bồ” vang dội.
Đó là ngày 20/5/1950, 1.200 lính Âu - Phi tinh nhuệ của Pháp đã mở trận càn ở Xuân Bồ. Lực lượng của ta có bộ đội chủ lực Trung đoàn 18 (Sư 325) cùng du kích địa phương đã anh dũng kháng cự. Súng hết đạn thì dùng lưỡi lê. Lưỡi lê gãy thì dùng sức mạnh của lòng căm thù quật nhào quân xâm lược xuống dòng sông.
“Hoan hô chiến thắng Xuân Bồ/500 giặc Pháp không mồ chôn thây”. Hôm sau, khi bà con vớt từ dòng sông lên, anh hùng Lâm Úy hy sinh nhưng tay vẫn ghì chặt cổ tên sỹ quan Pháp...
Đến một khúc sông như được mở rộng ra, thoáng đãng. Bờ tả sông là vùng đất làng Đại Phong và làng An Xá liền điền địa.
Thời nhà Hồ, quan quân đã đào một con kênh dài chia cắt hai vùng đất. Con kênh có tên là Hói Đợi. Phía nam Hói Đợi là làng Đại Phong, nơi sinh ra ông Ngô Đình Diệm, Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa.
Sau đó, ông bị sát hại trong vụ đảo chính vào tháng 11/1963, tại Sài Gòn. Thời triều Nguyễn, ông Diệm đã được bổ làm quan Thượng thư Bộ Lại. Bố ông Diệm là cụ Ngô Đình Khả cũng là quan Thượng thư triều Nguyễn, từng “treo ấn từ quan” về làm dân thường.
Phía bắc Hói Đợi là làng An Xá, nơi sinh ra Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong 10 vị tướng tài của thế giới, đã làm nên một "Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu".
Lúc còn sống, nhiều lần Đại tướng về thăm quê. Tôi may mắn được tháp tùng Đại tướng trong lần ông về thăm quê vào tháng 8 năm 1999. Đêm đã về khuya tại ngôi nhà ở làng An Xá, ông vẫn trò chuyện với bà con về chuyện môi trường, dòng chảy của sông Kiến Giang và phá Hạc Hải.
Ông nói, sông Kiến Giang phía trên có cống An Lạc, phía dưới bị chặn bởi con đập Mỹ Trung đã tác động lớn đến môi trường, dòng chảy. Ông cho rằng cần để nước sông chảy tự nhiên, có thủy triều lên xuống tạo ra vùng sinh thái mặn lợ phong phú cho Hạc Hải để sinh sôi tôm, cá. Để chim chóc, cò, vạc lại về trú ngụ như xưa…
Chảy qua hết huyện Lệ Thủy, Kiến Giang xuôi về huyện Quảng Ninh tạo nên phá Hạc Hải rộng lớn (bà con địa phương gọi là Vời). Bên tả sông, làng Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh), nơi sinh ra Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh “người mở đất phương Nam”. Lăng mộ ông được đặt trên vùng Thác Ro. Dãy núi An Mã (xã Trường Thủy - Lệ Thủy). Trên cao nhìn xuống dòng Kiến Giang như một dải lụa mềm.
Quê tôi ở cuối dòng Kiến Giang, sát ngã ba Mũi Diện. Ngã ba là nơi giao nhau của sông Kiến Giang từ Lệ Thủy đổ về với sông Đại Giang (còn gọi là Long Đại) từ phía tây huyện Quảng Ninh (đổ theo hướng Tây - Đông) gặp nhau. Từ nơi hai con sông hợp thành xuôi về cửa biển được gọi là sông Nhật Lệ. Hồi những năm cuối thập niên 70, cả làng đói kém.
Mẹ tôi là dân sông nước nên được đội sản xuất cử cùng nhóm xã viên chèo thuyền ngược dòng Kiến Giang lên vùng đồng bào miền thượng mua sắn về giải đói. Mẹ kể lại, đúng là ba sông, bảy nước, cực khổ vô cùng. Ngược dòng chừng hơn hai ngày thì đến rẫy.
Sau khi ngã giá, ông người dân tộc vác cây rựa dẫn vào rẫy sắn. Ông chặt ngang cây sắn làm dấu khoanh một vùng rồi bảo mọi người chỉ được nhổ trong khu vực ấy rồi bỏ về. Mấy người tuân thủ răm rắp, không ai dám nhổ thêm một bụi nào.
Ai cũng nói: “Bà con đồng bào họ làm dấu rồi. Mình tham nhổ thêm bụi sắn là họ thư (bùa ngải) đó. Về đến nhà bị đau ốm, không giải được là chết thôi”. Thuyền chở sắn về bến. Đội đánh kẻng báo cả làng ra vận chuyển sắn về sân kho. Tôi kéo thằng em trai kế chạy ra xe và phụ mẹ bốc sắn từ đò lên.
Những củ sắn dài thượt, có củ to bằng bắp chân người lớn. Nhiều miếng sắn vụn bé bằng mấy ngón tay được thằng em tôi lượm cho vào vạt áo nên chẳng ai để ý. Một thoáng, không thấy nó đâu.
Lúc lâu sau, nó xuất hiện. Mặt đỏ ửng nói không ra hơi: “Về thôi, chín rồi”. Tôi chợt nhớ và kéo nó đi giật lùi mấy bước rồi quay đầu phóng chạy như ma đuổi. Mọi người ngơ ngác nhìn theo. Về đến nhà, đã nghe mùi cháy khét.
Thì ra, thằng em mang được mớ sắn vụn về, cho vào nồi nấu. Khi áng chừng sắn chín mới vọt phóng ra bến sông gọi anh về ăn. Vội quá, em nó quên dụi lửa làm sắn cháy khét. Cầm miếng sắn cháy đen hơn nửa, nóng hổi, cứ phải hất qua hất lại liên tục trên hai tay cho nhanh nguội.
Phần miếng sắn chưa bị cháy còn trắng ngà, thơm phức. Nhớ, cái vị ngon sắn cháy tưởng như miếng giò chả bây giờ. Và cũng nhớ sau đó là cha tôi bắt hai anh em nằm úp trên rương gỗ để phạt roi vì tội dám trộm sắn của đội về nhà.
Dòng Kiến Giang mềm là thế, hiền là vậy, nhưng mỗi mùa lũ lại dâng đầy phù sa làm màu mỡ những cánh đồng “thẳng cánh cò bay” của hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Bởi vậy mới có câu “Nhất Đồng Nai/Nhì hai huyện”. Cánh đồng lớn được quy hoạch đẹp như bàn cờ lớn của xã An Ninh (huyện Quảng Ninh) rộng trên 500 ha.
Ông Võ Doãn Dực, Giám đốc HTX Hoành Vinh bảo, hơn chục năm nay, năng suất lúa bình quân trên đồng luôn đạt 70 tạ/ha. “Năm nay lũ lớn, phù sa nhiều, sâu bọ, chuột cũng bị cuốn trôi. Bà con gắng làm đưa năng suất lên trên 80 tạ để coi răng cho biết”.
Đò em quay về bến. “Thôi em trả anh về”, nhẹ nhàng mà da diết. Đò em ngược bến, rẽ nước chia đôi hai vệt sóng xa dần. Tôi thoáng thẫn thờ… Kiến Giang ơi!