Tàu cá Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ ngày càng nhiều, diễn biến phưc tạp |
Đó là những thôn tin được ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (khai thác IUU) tỉnh Kiên Giang, được tổ chức chiều 23/9, tại TP Rạch Giá. Buổi họp diễn ra dưới sự chủ trì của ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh Kiên Giang.
Theo đó, những tháng đầu năm 2019, tàu cá Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài ngày càng nhiều và có chiều hướng diễn biến phức tạp, đặc biệt là những vùng biển giáp ranh, chồng lấn. Cụ thể, đã có 41 tàu cá Kiên Giang, với 440 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Trong đó, Malaixia 28 tàu, 310 ngư dân, Indonexia 11 tàu, 116 ngư dân, Campuchia 2 tàu, 14 ngư dân. So với cùng kỳ năm 2018, tăng 10 tàu, 148 ngư dân.
Nhiều tàu cá Kiên Giang hiện đang nằm bờ do đi khai thác không hiệu quả và chủ tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình |
Trong khi đó, theo Chỉ thị số 2937/CT-UBND của UBND tỉnh Kiên Giang, thì các sở, ngành và các địa phương phải tập trung tuyên truyền, triển khai các giải pháp cấp bách để chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Kiên Giang khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài trước ngày 30/4/2018.
Về công tác triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, tính đến ngày 25/7, toàn tỉnh Kiên Giang mới có 58% tổng số tàu có chiều dài lớn nhất 15m trở lên được lắp đặt, với 2.328 tàu. Ngoài ra, còn có tình trạng các tàu đã lắp đặt nhưng chủ tàu không mở thiết bị kết nối với với trạm bờ, hiện chỉ có 1.801 tàu được kết nối. Một số chủ tàu, thuyền trưởng thường xuyên, cố tình tắt thiết bị giám sát hành trình, gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát.
Nếu không thực hiện tốt các khuyến nghị của EC thì nguy cơ thủy sản bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ” là rất cao |
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản Kiên Giang đã gửi văn bản cảnh báo cho 72 chủ tàu cá hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam và tắt thiết bị giám sát hành trình. Trong đó có 7 tàu được gửi cảnh báo tới 2-3 lần.
Lực lượng chuyên ngành thủy sản đã tổ chức 90 cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản trên biển, kiểm tra 769 phương tiện, xử phạt 613 vụ, với số tiền hơn 11 tỷ đồng. Các lỗi chủ yếu là sử dụng ngư cụ cấm, nghề cấm, hoạt động sai vùng, sai nghề, không có sổ nhật ký khai thác…
Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xử phạt hành chính 41 vụ, 60 phương tiện với hành vi đưa tàu cá đi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, với số tiền hơn 3,4 tỷ đồng.
Thủy sản của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU nếu bị áp dụng biện pháp thẻ đỏ |
Ông Mai Anh Nhịn chỉ đạo, các sở ngành liên quan và các địa phương phải xác định nhiệm vụ chống khai thác IUU là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm. Nếu chúng ta không thực hiện tốt các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) thì nguy cơ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ” là rất cao. Khi đó thủy sản Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào Liên minh Châu Âu (EU). Mà đã không xuất vào được EU thì cũng không thể xuất vào nhiều thị trường lớn khác.
Theo kế hoạch thông báo của Bộ NN-PTNT, dự kiến ngày 5/11, Đoàn Thanh tra EU về khai thác IUU sẽ kiểm tra tại tỉnh Kiên Giang. Nếu những lỗi vi phạm nói trên tiếp tục xảy ra thì sẽ bị đoàn bắt lỗi rất nặng.