| Hotline: 0983.970.780

Kiệu Hòn Đất tăng diện tích

Thứ Sáu 30/11/2012 , 09:51 (GMT+7)

Huyện Hòn Đất là địa phương có phong trào trồng kiệu Tết từ lâu đời nhất tỉnh Kiên Giang.

Kiệu là cây màu cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Đặc biệt, dưa chua củ kiệu là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết của người dân Nam bộ. Vì vậy, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư trồng kiệu để bán vào dịp Tết.

Huyện Hòn Đất là địa phương có phong trào trồng kiệu Tết từ lâu đời nhất tỉnh Kiên Giang. Năm nào cũng vậy, khi mùa nước nổi bắt đầu rút cũng là lúc nhiều hộ nông dân ở thị trấn Sóc Sơn, xã Mỹ Thuận, Mỹ Thái, Mỹ Hiệp Sơn lại tất bật chuẩn bị lên liếp, cắt tỉa kiệu giống mang đi trồng.

Ông Sáu Hạnh (Dương Hữu Hạnh), ở thị trấn Sóc Sơn cho biết: “Cây kiệu có thời gian sinh trưởng khoảng 3,5 - 4 tháng và phải thu hoạch bán trước Tết khoảng 10 ngày để người dân kịp làm dưa. Do đó, thời điểm xuống giống thích hợp nhất là vào khoảng rằm tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch”.

Theo ông Hạnh, trồng kiệu đòi hỏi vốn đầu tư cũng như kỹ thuật cao hơn so với cây lúa nhưng thu nhập cũng khá hơn. Cụ thể, một công trồng kiệu hiện nay cần vốn đầu tư khoảng 20 triệu đồng, gồm 150 kg giống (50.000 đ/kg, thường nông dân tự để giống từ vụ trước), cỏ năn khô để phủ mặt liếp 4 triệu đồng, còn lại là phân bón, thuốc BVTV, công trồng và chăm sóc. Một công kiệu cho thu hoạch khoảng 3,5-4 tấn, giá bán từ 10.000 - 12.000 đ/kg, nông dân còn lãi ròng trên 20 triệu đồng.

Ông Cao Minh Trung, Phó phòng NN-PTNT Hòn Đất:

Diện tích trồng kiệu Tết hàng năm của huyện từ 50-60 ha, cung cấp cho trị trường khoảng trên 2.000 tấn củ. Năm nay lũ nhỏ, nước lũ rút sớm nên diện tích có thể tăng lên. Trồng kiệu Tết là nghề truyền thống đã có từ lâu đời. Trước đây, có một số người từ nơi khác đến địa bàn huyện thuê đất trồng kiệu. Thấy có hiệu quả cao nên một số nông dân đã học hỏi kinh nghiệm và lưu truyền đến ngày nay. Nghề trồng kiệu đã góp phần không nhỏ trong việc xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho người dân địa phương.

Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thuận cho biết, vụ kiệu Tết năm nay nông dân trong xã đã xuống giống được hơn 20 ha, tập trung nhiều ở khu vực kênh Quản Thống, thuộc địa bàn ấp Sơn Thuận. Trước đây, đồng kiệu phải tưới thủ công (gánh nước bằng thùng) nên mỗi gia đình chỉ trồng 1-2 công là nhiều.

Hiện nông dân đã dùng máy phun hoặc tưới ngập tràn (bơm vừa ngập liếp rồi xả bỏ) nên cỏ thể trồng cả ha vẫn chăm sóc tốt. Do kiệu cho năng suất cao (35-40 tấn/ha), lợi nhuận đạt trên 50% nên không ít hộ có thu nhập vài trăm triệu đồng từ mùa kiệu Tết là bình thường.

Ngoài trồng kiệu Tết, một số nông dân còn trồng kiệu bán sau Tết (còn gọi là kiệu mùa). Bà Nguyễn Thị Xoan, một nông dân có kinh nghiệm trồng kiệu ở đây cho rằng: “So với kiệu Tết thì kiệu mùa thường có giá rẻ hơn khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg. Nhưng bù lại chi phí cũng thấp hơn do xuống giống trễ, nước lũ đã rút hết nên không phải tốn công bơm rút nước ra. Ngoài ra, trồng kiệu phải luôn canh mới cho hiệu quả cao, cứ sau 1-2 vụ là phải cho đất nghỉ hoặc trồng cây khác. Nếu trồng liên tục dịch bệnh sẽ gia tăng và năng suất giảm, lợi nhuận không cao”.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Chủ quan khi cho rằng chó, mèo nhà nuôi không bị bệnh dại

Nhiều người nuôi chó, mèo tại Long An vẫn còn rất chủ quan, thiếu hiểu biết về bệnh dại khi cho rằng chó, mèo nhà nuôi không bị bệnh dại.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.