Vùng ĐBSCL mỗi năm sản xuất từ 24 - 25 triệu tấn lúa, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu nông hộ. Sản lượng lúa lớn cũng đồng nghĩa với việc khối lượng phụ phẩm từ lúa gạo cũng đến hàng chục triệu tấn rơm rạ, hàng triệu tấn trấu, vỏ trấu. Tuy nhiên, những phụ phẩm từ lúa gạo vẫn chưa được chú trọng đúng cách, vẫn còn để lãng phí tài nguyên. Nếu những nguồn phụ phẩm này được tái chế, tái sử dụng một cách hiệu quả sẽ đem lợi ích cho cả nông dân và doanh nghiệp. Không những thế còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính và tạo thêm giá trị gia tăng cho ngành lúa gạo.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), vùng ĐBSCL mỗi năm tạo ra khoảng 24 triệu tấn rơm rạ nhưng mới chỉ có 30% được thu gom, tương đương hơn 7 triệu tấn, còn lại 70% được nông dân đốt hoặc vùi vào đồng ruộng. Chính việc này đã gây lãng phí nguồn phế phẩm từ lúa gạo và gây ô nhiễm môi trường, tăng phát thải khí nhà kính.
Có thể thấy kinh tế tuần hoàn đã hình thành trong ngành lúa gạo Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển. Với khối lượng rơm rạ cả nước trên 40 triệu tấn mỗi năm, nếu được tái chế và tái sử dụng một cách hiệu quả sẽ đem lại lợi ích to lớn cho nông dân, doanh nghiệp và giảm phát thải khí nhà kính.
Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL là cơ hội để nâng cao hiệu quả kinh tế tuần hoàn trong sản xuất lúa, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong toàn bộ chuỗi giá trị lúa gạo trong khu vực.
Nhận định từ PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia cao cấp của Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) cho thấy, ngành hàng lúa gạo Việt Nam có nhiều tiềm năng để nâng cao giá trị chuỗi gắn với giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, theo ông Hùng để thực hiện được điều này đòi hỏi phải có những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp tuần hoàn cho người dân, HTX về công nghệ, thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Về phía IRRI luôn sẵn sàng đồng hành, chia sẻ và cung cấp cơ sở dữ liệu, thiết kế hệ thống và chuỗi giá trị nông nghiệp tuần hoàn. Ngoài ra, cũng sẽ đưa các công nghệ, ứng dụng số và khoa học kỹ thuật, xây dựng các quy trình kỹ thuật, sổ tay hướng dẫn nông nghiệp tuần hoàn cho ngành hàng lúa gạo.
“Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn là một phần của Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải. Một số công nghệ được IRRI và các đối tác làm ra từ máy cuốn rơm, sản xuất phân bón, rơm làm thức ăn cho bò...cũng sẵn sàng hợp tác, chia sẻ để cùng phát triển mô hình kinh doanh. Về mặt phát triển công nghệ, ngoài việc tạo các liên kết IRRI cũng tiếp cận phát triển chuyên sâu, xây dựng các mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ và cơ sở dữ liệu mới, trở thành các mô hình kinh doanh thành công ở nhiều địa phương”, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Ở góc độ địa phương, mô hình kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, việc khai thác sử dụng tốt nguồn rơm rạ trong sản xuất lúa, tránh việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng và giảm phát thải khí nhà kính.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ thông tin, qua mô hình kinh tế tuần hoàn triển khai tại Cần Thơ đã tính toán kỹ lưỡng, nếu canh tác lúa theo cách truyền thống, 1ha người dân thu nhập 86 triệu đồng/ha/năm. Nhưng nếu tận dụng sản phẩm từ rơm rạ để trồng nấm, làm phân hữu cơ, người dân sẽ tăng thu nhập tới 133 triệu đồng/ha/năm.
Mục tiêu của ngành nông nghiệp Cần Thơ là áp dụng nông nghiệp tuần hoàn bằng nhiều giải pháp kỹ thuật, giúp cho nông dân giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận và bảo vệ môi trường. TP Cần Thơ mong muốn nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm tại các vùng sản xuất của địa phương trong thời gian tới.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ cho biết: Ngành nông nghiệp địa phương đang tập trung phát triển nông nghiệp tuần hoàn gắn với quy hoạch và phát triển nông nghiệp hữu cơ. Hiện thành phố đã quy hoạch một số vùng sản xuất hữu cơ trên lúa, rau, cây ăn trái. Dự kiến năm 2025 sẽ có 2 - 2,5% diện tích sản xuất nông nghiệp được chứng nhận hữu cơ, năm 2030 từ 4 - 5%.
Ông Nghiêm cho biết thêm, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, thành phố sẽ có những chính sách hỗ trợ nông dân mạnh dạn đầu tư và ứng dụng sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới, đồng thời lên kế hoạch khảo sát để xây dựng các vùng sản xuất hữu cơ, thực hiện đồng bộ các chính sách theo tinh thần Nghị định 109 về phát triển nông nghiệp hữu cơ.