Tại buổi làm việc với các cơ quan, đơn vị về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính, Thứ trưởng Bộ Tư pháp - Đặng Hoàng Oanh cho rằng, nếu không cấp thiết sửa Luật thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước và ảnh hưởng đến quyền công dân.
Đồng quan điểm về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Luật này chỉ nên tập trung vào những nội dung liên quan đến thay đổi tổ chức bộ máy, bảo đảm thẩm quyền xử phạt của các Bộ, ngành, các cơ quan quản lý Nhà nước. Với tinh thần như vậy, những vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy có thay đổi như cấp huyện, thanh tra hay sắp xếp các cơ quan Trung ương cần rà soát lại để xử lý các vấn đề cụ thể về thẩm quyền xử phạt.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp - Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: T.Quyên
Sắp tới tổ chức bộ máy sẽ có nhiều thay đổi như không còn cấp huyện, sự thay đổi của hệ thống cơ quan thanh tra... Do đó, nếu không nhanh chóng sửa đổi, sẽ có khoảng trống pháp lý vô cùng lớn trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính và điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến trật tự quản lý hành chính trong nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước.
Theo Thứ trưởng Oanh: Đối với nội dung mà Bộ Tư pháp đề nghị ủy quyền cho Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và địa phương gồm như: Quy định mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính; việc thi hành biện pháp khắc phục hậu quả thì Bộ Tư pháp đang dự kiến quy định về lực lượng và chức danh có thẩm quyền xử phạt theo hướng chỉ quy định chung trong dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.