| Hotline: 0983.970.780

Chuyển giao giống, kỹ thuật thích ứng biến đổi khí hậu ĐBSCL

Kỳ 1: Vực dậy vùng sầu riêng sau hạn, mặn lịch sử

Thứ Ba 29/06/2021 , 10:10 (GMT+7)

Tiền Giang có 70% diện tích sầu riêng thiệt hại bởi hạn mặn lịch sử vừa qua. Nhiều kỹ thuật mới đang được chuyển giao, giúp nông dân sớm vực dậy vườn cây xuất khẩu…

Cú sốc hạn, mặn nghiêm trọng

Những ngày đầu tháng 6/2021, chúng tôi tìm về vùng “vương quốc sầu riêng” huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Thời điểm này bà con nhà vườn đang tập trung phủ gốc siết nước cây để xử lý ra hoa đậu trái.

Có mặt tại vườn sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Văn Rép (Bảy Rép), ấp Bình Hòa B, xã Tam Bình, chúng tôi liên tục được nghe về “cú sốc” do đợt hạn mặn lịch sử năm 2020 gây ra. Từ diện tích ban đầu 1 ha sầu riêng tươi tốt, nhưng chỉ sau đợt hạn mặn “tấn công”, có tới gần 2/3 số cây trong vườn nhà ông Bảy Rép bị ảnh hưởng dẫn đến chết dần và phải đốn bỏ để trồng lại.

Viện SOFRI đã nghiên cứu quy trình phục hồi sầu riêng theo '5 bước' và chuyển giao giúp nông dân áp dụng linh hoạt theo tình hình thực tế, nhằm sớm cải tạo và phục hồi cây sầu riêng hiệu quả. Ảnh: Trần Trung.

Viện SOFRI đã nghiên cứu quy trình phục hồi sầu riêng theo “5 bước” và chuyển giao giúp nông dân áp dụng linh hoạt theo tình hình thực tế, nhằm sớm cải tạo và phục hồi cây sầu riêng hiệu quả. Ảnh: Trần Trung.

Dẫn chúng tôi vào tham quan vườn sầu riêng, ông Bảy Rép tâm sự: “Năm vừa qua hạn mặn kéo dài nhất trong lịch sử, khoảng 4 đến 5 tháng, làm ảnh hưởng lớn đến cây sầu riêng của cả vùng này. Khi thấy vườn sầu riêng đang nguy ngập, xơ xác và có biểu hiện chết dần, tôi đã vội cầu cứu các nhà khoa học của SOFRI xuống khảo sát, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Đến nay, ngoài số cây trồng mới, số còn lại đã phục hồi được như vầy là mừng lắm rồi!”.

Theo ông Bảy Rép, cây sầu riêng rất mẫn cảm với nước mặn, vì thế, khi cả vùng này đều bị ảnh hưởng, đã có vườn sầu riêng nhiều năm tuổi bị chết trắng.

Tương tự, trong đợt nước mặn xâm nhập, vườn sầu riêng hơn 1ha của gia đình ông Nguyễn Văn Ước (gần nhà ông Bảy Rép) cũng chịu chung số phận. Nhiều gốc sầu riêng trên hơn 20 năm tuổi bị ảnh hưởng nặng, cây xơ xác, trụi lá khiến ông phải đốn bỏ gần phân nửa diện tích để trồng mới. Những cây sầu riêng còn lại, ông cầu cứu các nhà khoa học SOFRI về khảo sát đánh giá mức độ nhiễm mặn, đo PH và hướng dẫn cách chăm sóc, hy vọng vườn sầu riêng sẽ phục hồi sớm.  

Còn ông Nguyễn Hồng Tâm (ấp 2, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy) trồng 0,5ha sầu riêng than thở: “Mặn xâm nhập vào hết các kênh, rạch, bao vây toàn bộ vườn sầu riêng cả mấy tháng trời, khiến cho hơn 70% diện tích vườn bị suy kiệt, rụng lá, gần như không có khả năng phục hồi. Tôi không nghĩ là mặn lại kéo dài đến vậy, nên có phần chủ quan không tích trữ nước ngọt để tưới cho cây. Suốt 4 tháng vườn sầu riêng bị “khô khát” nên cây bị suy kiệt và rụng sạch lá. Do ảnh hưởng của mặn nên bộ rễ của cây sầu riêng bị tổn thương và chết dần. Chỉ còn một số cây chống chịu qua đợt hạn mặn chưa kịp hồi phục, tôi đành bỏ vụ, không dám cho cây mang trái”.

Tổng lực vực dậy vùng sầu riêng

Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện SOFRI cho biết: Đợt hạn, mặn vừa qua đã gây thiệt hại về năng suất và ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây ăn trái. Hiện nông dân trồng sầu riêng các tỉnh vùng ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn trong việc khôi phục vườn cây sau hạn mặn. Trên cơ sở kinh nghiệm từ đợt hạn, mặn những năm trước, chúng tôi đã nghiên cứu quy trình phục hồi vườn sầu riêng theo “5 bước” và chuyển giao giúp nông dân áp dụng linh hoạt theo tình hình thực tế, nhằm sớm cải tạo và phục hồi vườn sầu riêng hiệu quả.

Trao đổi với PV, Tiến sĩ Lê Quốc Điền, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (SOFRI) chia sẻ: Quy trình “5 bước” sẽ giúp hồi phục vườn sầu riêng sau hạn, mặn hiệu quả, gồm: Bước thứ nhất, rửa mặn cho đất kết hợp với bón vôi để đẩy Natri ra ngoài. Bước thứ hai, nông dân cần phục hồi bộ rễ và bộ lá vì trong quá trình hạn, mặn kéo dài, bộ rễ bị hư hỏng, bộ lá bị cháy. Do đó, nhà vườn cần phục hồi bộ rễ và lá song song với nhau. Bước thứ ba, phun dưỡng chất hỗ trợ bộ lá phát triển. Bước thứ tư, giúp cây hỗ trợ bộ rễ và hoàn thiện bộ lá, tăng cường hấp thu dinh dưỡng và quang hợp. Đến bước thứ năm, nhà vườn mới tiến hành bón phân hữu cơ. Nếu áp dụng đúng các bước này thì cây sầu riêng sẽ phục hồi nhanh.

Mặc dù đợt hạn, mặn nghiêm trọng năm 2020 đã đi qua, nhưng nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề, sản lượng sầu riêng bị giảm đi đáng kể. Hiện các nhà vườn đang được Viện cây ăn quả miền Nam (SOFRI) phối hợp với Sở NN-PTNT và các địa phương hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật mới nhằm sớm vực dậy vùng sầu riêng xuất khẩu.

“Qua khảo sát cho thấy, các vườn sầu riêng sau khi bị nhiễm mặn có bộ lá rất xấu và chết cành. Vì thế, quy trình “5 bước” này sẽ giúp chăm sóc cây cho trái đạt chất lượng đồng đều theo yêu cầu xuất khẩu, góp phần giữ vững được thị trường trong thời gian tới”, Tiến sĩ Điền nói.

Viện SOFRI tiếp tục khẩn trương triển khai nghiên cứu xây dựng các mô hình vườn sầu riêng ứng dụng công nghệ cao phục hồi sau hạn, mặn và thích ứng với xâm nhập mặn cho vùng chuyên canh sầu riêng của tỉnh Tiền Giang. Ảnh: MS.

Viện SOFRI tiếp tục khẩn trương triển khai nghiên cứu xây dựng các mô hình vườn sầu riêng ứng dụng công nghệ cao phục hồi sau hạn, mặn và thích ứng với xâm nhập mặn cho vùng chuyên canh sầu riêng của tỉnh Tiền Giang. Ảnh: MS.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang: Trong mùa khô vừa qua, hạn hán kết hợp xâm nhập mặn sâu và nghiêm trọng đã làm gần 4.500 ha vùng sầu riêng bị thiệt hại, trong đó thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng có đến 3.537 ha. Trước mắt, trên cơ sở tiếp thu ý kiến các nhà khoa học và tình hình thực tế, sẽ tập trung rà soát lại quy hoạch thủy lợi, điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng; chủ động hoàn thiện các công trình thủy lợi, đê bao cống đập phục vụ vùng chuyên canh. Đồng thời, tỉnh nghiêm túc triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ và chăm sóc vườn sầu riêng trước, trong và sau mùa khô hạn theo khuyến cáo của các nhà khoa học một cách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn sản xuất địa phương.

“Ngành nông nghiệp tỉnh đang phối hợp cùng với các nhà khoa học Viện SOFRI tìm các giải pháp khắc phục và phục hồi vườn sầu riêng bị ảnh hưởng thiên tai hạn, mặn trong mùa khô 2020 vừa qua. Trên cơ sở nhà khoa học đồng hành cùng nông dân, chia sẻ những kinh nghiệm để bà con nhanh chóng phục hồi, phát triển bền vững vùng chuyên canh sầu riêng tại địa phương”, ông Mẫn nói.

Ngoài các kỹ thuật giúp nông dân nhanh chóng vực dậy vườn sầu riêng, Viện SOFRI đang khẩn trương triển khai nghiên cứu xây dựng các mô hình vườn sầu riêng ứng dụng công nghệ cao phục hồi sau hạn, mặn và thích ứng với xâm nhập mặn cho vùng chuyên canh sầu riêng của tỉnh Tiền Giang. Qua đó, giúp nông dân vùng chuyên canh có cơ sở khoa học, nâng cao trình độ canh tác để phục hồi và hướng tới phát triển vườn sầu riêng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai.

'Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, năm 2021 dự báo hạn mặn không dữ dội như trước nhưng không thể chủ quan, bởi thực tế cho thấy, tình hình hạn mặn ngày càng xâm nhập sâu và phức tạp. Hiện ngành chức năng đang cùng nông dân chủ động nhiều giải pháp ứng phó như gia cố các cống đập ngăn mặn, xây bờ bao bảo vệ vườn cây, nhất là thực hiện nhiều cách trữ nước ngọt (càng nhiều càng tốt) để tưới cho vườn sầu riêng trong suốt mùa khô 2021 - 2022'.

    Tags:
Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm