| Hotline: 0983.970.780

Khơi thông đường sông đất ‘Chín Rồng’

[Kỳ 2]: Sạt lở vẫn ‘nuốt chửng’ nhiều đoạn kênh Chợ Gạo

Thứ Tư 19/05/2021 , 11:08 (GMT+7)

Điều này xảy ra, bởi giai đoạn 2 của dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo tại một số đoạn, nhất là những điểm quan trọng, hiện vẫn… án binh bất động !

Những ngày giữa tháng 5/2021, trở lại tuyến kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) chúng tôi chứng kiến nhiều đoạn đang sạt lở nghiêm trọng, thậm chí bị hõm sâu vào trong đường dân sinh khiến việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn và nguy hiểm.

Khi những chiếc sà lan hay tàu hàng chạy qua, nước lại dềnh lên tạo thành nhiều làn sóng dồn vào hai bên bờ kênh khiến những mảng đất lại đổ ụp xuống nước. Ảnh: Trần Trung.

Khi những chiếc sà lan hay tàu hàng chạy qua, nước lại dềnh lên tạo thành nhiều làn sóng dồn vào hai bên bờ kênh khiến những mảng đất lại đổ ụp xuống nước. Ảnh: Trần Trung.

Mới khoảng 7h sáng, cảnh tàu thuyền sôi động nối đuôi nhau ngược xuôi, tiếng máy nổ bành bạch vang vọng trên dòng kênh Chợ Gạo. Mỗi khi có những chiếc sà lan hay tàu hàng chạy qua, nước lại dềnh lên tạo thành nhiều làn sóng dồn vào hai bên bờ kênh nghe oằm oặp, khiến những mảng đất lại đổ ụp xuống nước.

Chạy dọc tuyến kênh bên phía Quơn Long và Tân Thuận Bình, chúng tôi chứng kiến nhiều điểm vẫn đang sạt lở nghiêm trọng, những mảng đất đá vừa vỡ toác đang còn treo chênh vênh, gốc cây trơ đất bám chìa ra phía mặt nước trực chờ những con sóng cuốn trôi. Ở những “điểm nóng” đang sạt lở ngoặm sâu vào tới mép đường lộ rải nhựa khiến ngành chức năng địa phương đã phải cắm cây và buộc rào dây chắn tạm cảnh báo nguy hiểm. Những chiếc xe cu be được huy động tới gần điểm sạt lở để sẵn sàng “làm nhiệm vụ” cấp tốc khi có sự cố xảy ra.  

Anh Trần Văn Lập ngồi lặng lẽ bên bờ kênh nhìn ra dòng ghe tàu đang xuôi ngược ngóng chờ dự án giai đoạn 2 tiếp tục triển khai để giúp gia đình ông và nhiều hộ dân sống ven kênh Chợ Gạo này ổn định cuộc sống. Ảnh: Trần Trung.

Anh Trần Văn Lập ngồi lặng lẽ bên bờ kênh nhìn ra dòng ghe tàu đang xuôi ngược ngóng chờ dự án giai đoạn 2 tiếp tục triển khai để giúp gia đình ông và nhiều hộ dân sống ven kênh Chợ Gạo này ổn định cuộc sống. Ảnh: Trần Trung.

Ngồi lặng lẽ bên bờ kênh nhìn ra dòng ghe tàu đang xuôi ngược, nghe chúng tôi hỏi về tình trạng sạt lở, anh Trần Văn Lập, ấp Tân Bình 2B, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo chẳng ngại bộc bạch: “Tôi là người dân sống ở đây từ nhỏ nên tôi chứng kiến nhiều năm qua sạt lở ven kênh Chợ Gạo vẫn diễn ra như cơm bữa. Nguy hiểm nhất là khi sạt lở về đêm dễ xảy ra tai nạn và giao thông đi lại rất khó khăn; việc sản xuất kinh doanh của bà con địa phương cũng vô cùng hạn chế !”.

Theo khẳng định của anh Lập, tình trạng sạt lở trên tuyến kênh này chủ yếu do quá tải, lưu lượng sà lan, tàu thuyền vận chuyển hàng hóa dày đặc suốt ngày đêm. Nếu không sớm khắc phục, nâng cấp cho những đoạn kênh còn lại thì chẳng bao lâu nữa “hà bá” cũng sẽ “nuốt chửng” hết hai bên bờ kênh.

Người dân sống ven kênh Chợ Gạo phản ảnh về tình trạng luôn bị nước ập vào nhà gây ngập úng khiến bà con phải kê cao các vật dụng trong nhà tránh bị hư hỏng, thiệt hại. Ảnh: Trần Trung.

Người dân sống ven kênh Chợ Gạo phản ảnh về tình trạng luôn bị nước ập vào nhà gây ngập úng khiến bà con phải kê cao các vật dụng trong nhà tránh bị hư hỏng, thiệt hại. Ảnh: Trần Trung.

Tương tự, bà Võ Thị Sáu, ấp Bình Hưng, xã Bình Phan cũng bày tỏ: “Việc sạt lở kênh đã diễn ra cả chục năm qua, nhưng gần đây bà con mới nghe thông báo chuẩn bị đền bù giải tỏa để làm dự án giai đoạn 2. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền địa phương và Nhà nước sớm triển khai dự án để việc đi lại của bà con được thuận lợi, an toàn và yên tâm định cư làm ăn. Mùa mưa lại sắp tới rồi, bờ kênh sẽ càng sạt lở nghiêm trọng hơn rất nguy hiểm..!”.

Gia đình bà Sáu sống bằng nghề buôn bán tạp hóa từ ngày xưa cho thu nhập ổn định, nhưng từ khi tuyến kênh bị xuống cấp sạt lở nghiêm trọng, gia đình bà vừa bị mất dần đất vì nước xói vào “ăn” hết cả đường đi, vườn tược, vừa buôn bán bị ế ẩm nên bà đành phải bỏ nghề đi làm mướn kiếm nguồn thu nhập tạm.     

Nhiều nhà dân bị tình trạng sạt lở kênh Chợ Gạo trong nhiều năm qua mất đất vườn, nhà cửa, hiện đang sống trong tình cảnh tạm bợ, 'sống treo' trên đất nhà mình. Ảnh: Trần Trung.

Nhiều nhà dân bị tình trạng sạt lở kênh Chợ Gạo trong nhiều năm qua mất đất vườn, nhà cửa, hiện đang sống trong tình cảnh tạm bợ, "sống treo" trên đất nhà mình. Ảnh: Trần Trung.

Chỉ vào mảnh vườn của gia đình mình đã bị dòng kênh sạt lở "ăn mòn" vào sâu, bà Trương Thị Bắc (nhà kế bên) bức xúc nói: “Năm nay tôi đã 68 tuổi và cũng ngần ấy năm sống bên dòng kênh Chợ Gạo này, tôi chứng kiến sự thay đổi quá nhanh chóng. Ngày xưa từ con kênh nhỏ hiền hòa êm đềm nhưng do sạt lở riết khiến bây giờ kênh rộng chà bá thế này. Trước kia mặt lộ nằm tận ngoài gần giữa dòng kênh, nhưng đến nay bị lấn vào tận vườn đất nhà tôi mất cả chục mét rồi”.

Theo bà Bắc, do sạt lở kéo dài, gia đình bà cũng như nhiều hộ dân khác sống ven kênh chẳng trồng cấy được gì, hơn nữa mỗi năm chỉ có vài tháng nước ngọt, còn lại nước mặn từ kênh tràn vào khiến đời sống sinh hoạt rất khó khăn. “Đau nhất, có những hộ sống ven kênh Chợ Gạo khi sạt lở về đêm khiến cả nhà lẫn người ụp xuống kênh, người chết người bị thương rất đau lòng. Thậm chí con em học sinh đi học về bị rớt xuống kênh cũng thiệt mạng khiến bà con rất sợ hãi”, bà Bắc nhớ lại.   

Tình trạng sạt lở kênh Chợ Gạo nhiều năm qua khiến những gốc cây đến nay chỉ còn trơ gốc. Ảnh: Trần Trung.

Tình trạng sạt lở kênh Chợ Gạo nhiều năm qua khiến những gốc cây đến nay chỉ còn trơ gốc. Ảnh: Trần Trung.

Ghi nhận thực tế tại nhiều hộ dân xung quanh khu vực này cũng đang sống quay quắt tạm bợ qua ngày. Người dân cho biết, cứ tầm tháng 9, tháng 10 khi xả lũ nước lại tràn vào vườn, nhà gây ngập úng, có hộ đã nhiều lần tự gia cố bờ kè lui dần vào đất nhà mình tới cả chục mét, nhà cửa bị hư hỏng nặng. Tuy nhiên, bà con cũng chẳng dám sửa chữa hay xây cất lại vì nếu “đụng” đến là không được xem xét đền bù khiến bà con như đang “sống treo” trên đất nhà mình.

Do tình trạng sạt lở nghiêm trọng, nhiều hộ dân phải tự đóng kè chắn nhiều lần để phòng chống sạt lở mất đất, nhà cửa và bảo vệ tính mạng. Ảnh: Trần Trung.

Do tình trạng sạt lở nghiêm trọng, nhiều hộ dân phải tự đóng kè chắn nhiều lần để phòng chống sạt lở mất đất, nhà cửa và bảo vệ tính mạng. Ảnh: Trần Trung.

Chính quyền địa phương cũng đã xuống kè tạm cho dân ở để chờ chính sách giải quyết đền bù giải tỏa khi làm dự án. Tuy nhiên, đến nay những đoạn kè tạm này đã bị mục nát, đất đá lún sụt hết xuống dòng kênh, nguy cơ kéo theo cả nhà cửa cũng bị hà bá “nuốt” trôi bất cứ lúc nào. Trong khi đó, giai đoạn 2 của dự án vẫn... án binh bất động!

Theo UBND huyện Chợ Gạo, hiện có khoảng 600 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp trong dự án nâng cấp, mở rộng kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 đang bị “treo”. Không chỉ mất nhà, mất đất mà họ còn phải sống trong cảnh nợ nần do vay mượn mua đất, cất nhà ở chờ nhận tiền bồi thường để hoàn trả.

Tuy nhiên, đáng lo là một số hộ không có khả năng di dời hiện vẫn cố bám trụ trong những căn nhà tạm bợ có thể bị rơi xuống kênh bất cứ lúc nào. Dó đó, việc triển khai dự án khơi thông tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 được xem là rất cấp thiết.

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng trong quý I/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố hoạt động kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.