| Hotline: 0983.970.780

Tầm nhìn thủy lợi Bình Định

'Kỳ tích' thủy lợi vùng đất lúa

Thứ Hai 15/04/2024 , 06:00 (GMT+7)

Sau năm 1975, Bình Định gần như trắng hệ thống thủy lợi. Đến nay, tỉnh này đã xây dựng được 164 hồ chứa nước và 31 đập chính trên sông, đó là một kỳ tích.

Lo cái ăn cho dân

Sau năm 1975, chiến tranh đi qua, người dân Bình Định tha hương để tránh đạn bom nay lục tục quay về quê vỡ ruộng làm ăn để xây dựng cuộc sống. Thế nhưng khi ấy hệ thống thủy lợi chế độ cũ để lại hầu như không có gì, chỉ 1 vài con đập nhỏ trên sông. Trong khi Bình Định có tiềm năng thủy lợi rất lớn, với 4 hệ thống sông, tính từ phía Bắc vào là sông Lại Giang (thị xã Hoài Nhơn), sông La Tinh (huyện Phù Cát), sông Kôn (thị xã An Nhơn) và sông Hà Thanh (huyện Vân Canh). 4 hệ thống sông nói trên bắt nguồn từ những ngọn núi cao của dãy Trường Sơn chảy ra biển.

“Những ngày đầu giải phóng, do hệ thống thủy lợi của Bình Định chỉ có những bờ xe nước trên sông Lại Giang và mấy dập dâng trên sông La Tinh, sông Kôn và sông Hà Thanh dâng nước để đưa vào đồng ruộng, sông hết nước thì đồng ruộng đành chịu khô khát”, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định nói.

Không có hồ chứa nước, vào mùa mưa lũ, bao nhiêu nước tích tụ từ thượng nguồn đều trút hết ra biển, không giữ lại được giọt nào. Đến mùa nắng hạn, ruộng nương, cây trồng khô khát vì không có nước để tưới. Bình Định là vùng đất lúa mà nông dân lao đao, lúa ăn không đủ giáp hạt. Cũng phải thôi, ông bà xưa có nói: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Xưa kia, làm ruộng thì yếu tố nước tưới là cần thiết số 1. Không có nước tưới, vào thời điểm ấy, năng suất lúa cao nhất cũng chỉ 80-90kg/sào (500m2).

Hồ Núi Một nằm trên địa bàn xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) là hồ chứa nước lớn đầu tiên được xây dựng tại Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Hồ Núi Một nằm trên địa bàn xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) là hồ chứa nước lớn đầu tiên được xây dựng tại Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Trước thực trạng trên, chính quyền tỉnh Bình Định khi ấy thấy việc cần kíp phải xây dựng hệ thống thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu, nhiệm vụ chiến lược để bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn và phát triển các ngành kinh tế khác. Bên cạnh đó, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương nên Bình Định bắt tay ngay vào công tác xây dựng hệ thống thủy lợi.

“Vai trò của các công trình thủy lợi là tận dụng triệt để nguồn nước từ tự nhiên, đồng thời làm giảm tác hại của nó. Hồ chứa có nhiệm vụ tích trữ nước trong những mùa mưa lũ, đến mùa khô hạn cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, phục vụ nước sinh hoạt cho người dân, cung cấp nước cho ngành nuôi trồng thủy sản, ngành chăn nuôi và ổn định môi trường”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định chia sẻ.

Diện tích chủ động nước đã chiếm đến 85 - 90%

Theo ông Trần Châu, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, người cả đời tâm đắc với ngành thủy lợi, nét đặc thù của địa hình Bình Định là các lưu vực chia cắt mạnh, hầu hết là lưu vực nhỏ, độc lập, chỉ lưu vực hệ thống sông Kôn và sông Lại Giang là tương đối lớn.

Cuối thập niên 70 (thế kỷ 20), Bình Định xây dựng hồ chứa lớn đầu tiên là hồ Núi Một tại xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) có dung tích 110 triệu m3. Song song với xây dựng hồ Núi Một, Bình Định xây dựng 1 loạt hồ chứa nhỏ tại các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Ân, thị xã Hoài Nhơn. Mỗi hồ chứa nhỏ có dung tích chứa từ 1,5 - 10 triệu m3.

Những hồ chứa nhỏ chỉ phục vụ tưới được cho khoảng 200-300 ha/vụ diện tích sản xuất nông nghiệp; những hồ lớn tưới được khoảng 700 - 800 ha/vụ. Bên cạnh đó, Bình Định còn nỗ lực hoàn thiện hệ thống kênh mương sau hồ chứa và các đập dâng trên 4 hệ thống sông lớn để đưa nước vào ruộng.

Đập dâng Lại Giang nằm trên sông Lại Giang (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Đập dâng Lại Giang nằm trên sông Lại Giang (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

“Đến nay, trên địa bàn Bình Định đã có đến 164 hồ chứa lớn nhỏ, riêng Công ty TNHH KTCTTL của tỉnh quản lý 60 hồ chứa lớn. Nhờ đó, nếu sau năm 1975 đất sản xuất nông nghiệp chủ động nước tưới ở Bình Định chỉ chiếm 20 - 30% trong tổng diện tích canh tác thì hiện nay đã tăng đến 85 - 90%, nước tưới đảm bảo 2 - 3 vụ/năm, đồng ruộng không còn thiếu nước tưới như trước, năng suất tăng kịch trần, đạt 400 - 500kg/sào”, ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH KTCTTL Bình Định chia sẻ.

Khi bắt tay vào xây dựng hệ thống thủy lợi, Bình Định làm ngay các hồ chứa nhỏ để tạo nguồn nước tại chỗ phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, sau đó mới dần dần làm các hồ chứa lớn theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.