Dấu ấn huyện trung du
Sáng 1/10, UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ công bố huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tham dự buổi lễ.
Theo ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, thời điểm khởi động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Tây Sơn có xuất phát điểm rất thấp. Số tiêu chí đạt bình quân của mỗi xã chỉ từ 7-8 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người khoảng 15,8 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên 15%, hạ tầng nông thôn phát triển chưa đồng bộ.
Thêm vào đó, trên địa bàn huyện còn có 1 xã đặc biệt khó khăn với hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là miền núi xã Vĩnh An. Các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện còn ít, thiếu bền vững; quy mô sản xuất và phương thức làm ăn của các hộ dân còn nhỏ lẻ, manh mún… Sau hơn 13 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện Tây Sơn đã có những bước phát triển về kinh tế, xã hội vượt bậc, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.
“Đến cuối năm 2023, tổng giá trị sản phẩm của huyện Tây Sơn đạt trên 7.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm theo giá trị sản phẩm đạt 6,3%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại-dịch vụ chiếm gần 74%; thu ngân sách của huyện hàng năm đều đạt và vượt dự toán tỉnh giao. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người ở huyện Tây Sơn hiện đạt hơn 47 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2011. Tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện giảm còn 3,6%, giảm gần 13% so với năm 2011”, ông Phan Chí Hùng cho hay.
Cũng theo ông Hùng, tổng vốn huy động trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của huyện Tây Sơn là 17.200 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 3.493 tỷ đồng, chiếm 20%; vốn tín dụng 437 tỷ đồng; vốn huy động đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp 90 tỷ đồng; vốn huy động đóng góp tự nguyện của người dân 380 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp 10.300 tỷ đồng; vốn đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất trong nhân dân 2.500 tỷ đồng.
Hệ thống thủy lợi được quan tâm đầu tư, nâng cấp, đặc biệt là công trình đập dâng và hệ thống kênh tưới được kiên cố hóa bằng bê tông xi măng, đảm bảo tưới, tiêu chủ động trên 98% diện tích sản xuất. Hệ thống điện được đầu tư phù hợp với quy hoạch, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội của huyện.
“Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Tây Sơn đã triển khai thực hiện có hiệu quả đề án phát triển sản xuất nông nghiệp huyện Tây Sơn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gia tăng xây dựng liên kết chuỗi, tăng sức cạnh tranh, giá trị sản phẩm nông nghiệp, gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP”, ông Phan Chí Hùng chia sẻ.
Làm thực chất, hiệu quả đi vào chiều sâu
Trên địa bàn huyện Tây Sơn hiện có 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích theo quy hoạch được phê duyệt là 472ha. Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đạt trên 81%, giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động địa phương. Tây Sơn không ngừng đẩy mạnh thu hút đầu tư, gia tăng giá trị sản xuất và tỷ trọng của ngành công nghiệp, xây dựng trên địa bàn. Một số doanh nghiệp lớn đã triển khai đầu tư và đi vào sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của huyện.
Theo nhận định của chính quyền huyện Tây Sơn, qua quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện được nâng lên rõ rệt, tạo sự đồng thuận cao. Người dân đồng tình hưởng ứng, tự nguyện đóng góp tiền của, công sức, đất đai để xây dựng nông thôn mới. Đến nay, trên địa bàn huyện Tây Sơn có 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, riêng thị trấn Phú Phong được công nhận đô thị văn minh, được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, ghi nhận công tác huy động, lồng ghép các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới của huyện Tây Sơn đạt kết quả cao, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững. Nhiều mô hình xây dựng nông thôn mới được tổ chức thực hiện có hiệu quả. Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp được quan tâm đổi mới theo hướng tăng cường liên kết và sản xuất theo chuỗi giá trị, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực nhằm tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Định tiếp tục phát huy những thành tưu đã đạt được; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và động viên mọi tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với trình độ phát triển, văn hóa và điều kiện cụ thể từng vùng của tỉnh; xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bình Định tập trung nguồn lực hỗ trợ đầu tư các xã, các huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi; hỗ trợ duy trì, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí, bảo đảm bền vững của các xã sau đạt chuẩn. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để tạo lập môi trường, cảnh quan nông thôn sáng-xanh-sạch-đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; an ninh trật tự được giữ vững.
Phó Thủ tướng kỳ vọng Bình Định vững bước trên lộ trình xây dựng nông thôn mới thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành, giám sát của cơ quan chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, góp phần thu hẹp khoảng cách thụ hưởng dịch vụ xã hội cơ bản với thành thị.
“Tôi tin tưởng với truyền thống cách mạng, quê hương anh hùng áo vải Tây Sơn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả to lớn hơn nữa, đóng góp xứng đáng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của cả nước”, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chia sẻ.