| Hotline: 0983.970.780

Kỳ vọng cây dược liệu 'đẻ' ra tiền

Thứ Hai 24/07/2017 , 14:50 (GMT+7)

Huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đang tập trung chuyển đổi một số vùng canh tác kém hiệu quả sang trồng thâm canh cây dược liệu cho giá trị kinh tế cao, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Hợp tác sản xuất

Dự án trồng cây dược liệu thâm canh, sản xuất theo công nghệ cao và kết hợp tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Cam Vũ, xã Cam Thủy có quy mô 7ha, hiện đã trồng được 3,5ha cây ngưu tất và 1ha cây sinh địa. Dự án đầu tư cùng lúc nhiều hạng mục như nhà ở cho công nhân, kho bãi, máy móc, điện, nước tưới cho cây trồng.

10-42-34_co_c_gi_leo_n_xun
Cao cà gai leo An Xuân được bình chọn mặt hàng có chất lượng cao tại hội chợ nông sản huyện Cam Lộ

Ông Nguyễn Đức Đạm, chủ dự án cho biết quy trình trồng các loại cây dược liệu lấy củ được áp dụng mỗi năm thu hoạch 2 vụ, mỗi vụ khoảng 130 ngày. Hiện dự án đã ký hợp đồng với Cty Cổ phần Dược phẩm Việt Nam bao tiêu sản phẩm chế biến nên không lo đầu ra.

Dự án này đi vào hoạt động giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 nhân công địa phương với mức thu nhập khá. Nhân công được phân công công việc gần như chuyên môn hóa và được hợp đồng làm việc dài hạn với đầy đủ các chế độ theo quy định của pháp luật. Đây là dự án sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, thân thiện với môi trường. Vì thế, các nhân công phấn khởi, yên tâm gắn bó sản xuất.

Theo ông Tạ Phước, Phó Chủ tịch xã Cam Thủy, điểm nổi bật trong thực hiện dự án trồng cây dược liệu chính là người nông dân mạnh dạn cho DN thuê đất, hưởng tiền thuê đất, rồi lại được chính DN này thuê làm công nhân và được trả công xứng đáng với sức lao động của mình bỏ ra. Quá trình hợp tác sản xuất như vậy nông dân trở thành công nhân trên chính đồng ruộng của mình, có nguồn thu nhập cao hơn nhiều so với trước đây, vừa không phải phập phồng lo thiên tai, dịch hại, mất mùa..
 

Cây rừng làm nên thương hiệu cà gai leo

Tại xã Cam Tuyền thì hình thành vùng chuyên canh cây dược liệu cà gai leo. Với mong muốn cung cấp nguồn dược liệu an toàn, chất lượng cao đến người tiêu dùng, gia đình chị Lê Hồng Nhạn ở thị trấn Cam Lộ đã đầu tư trang trại trồng cây cà gai leo và sản xuất cao cà gai leo tại thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền. Mô hình mới này có quy trình kỹ thuật hiện đại, khép kín, từ xây dựng vùng nguyên liệu đến các công đoạn thu hoạch, nấu cao và đóng chai, nhãn mác với tên sản phẩm cao cà gai leo An Xuân.  

Khu vực trồng cà gai leo rộng 4ha, trước đây là rừng nghèo, hiệu quả kinh tế không cao. Trên mảnh đất ấy, chị Nhạn đầu tư 3 giếng khoan và cải tạo 2 hồ chứa nước tự nhiên nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho cà gai leo. Quy trình trồng cà gai leo được thực hiện một cách công phu. Đất sau khi được làm tơi xốp, lên luống và rải ống tưới nhỏ giọt theo công nghệ tưới thấm của Israel, giữa hai hàng cây được đặt 1 ống nước tưới. Đồng thời tất cả các luống đều trải màng phủ nông nghiệp để giữ ẩm cho đất, chống cỏ dại và côn trùng phá hoại. Việc bón phân chủ yếu là các loại phân vi sinh. Công tác phòng trừ sâu bệnh, diệt nấm hoàn toàn bằng chế phẩm sinh học nên sản phẩm làm ra đảm bảo sạch 100%.

Sau khi xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, cùng với việc đóng gói sản phẩm cây cà gai leo khô bán ra thị trường, gia đình chị Nhạn đã đầu tư dây chuyền sản xuất cao cà gai leo từ nguyên liệu tươi theo công nghệ hiện đại nhất ở miền Trung. Chị Nhạn cho biết nguyên liệu nấu cao cà gai leo được cắt, nhặt, rửa sạch và chế biến ngay trong thời gian không quá 6 giờ, không để qua ngày hôm sau. Vì vậy nguyên liệu của An Xuân hoàn toàn tránh được hiện tượng ê, thiu, nấm mốc, chất bảo quản độc hại. Nhà xưởng chế biến có hệ thống khu chiết xuất thoáng đãng, đảm bảo môi trường. Đặc biệt, công đoạn cô dược liệu được sử dụng nồi cô chân không với lượng nhiệt vừa phải nên sản phẩm có màu sắc, mùi vị đặc trưng, đồng thời đảm bảo giữ được dược chất của sản phẩm. Cao cà gai leo An Xuân đã được công nhận bảo hộ sản phẩm độc quyền, thực phẩm an toàn, chất lượng.

Cây cà gai leo được các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, đánh giá là cây tốt nhất hiện nay về tác dụng giải độc gan, chữa bệnh gan; đặc biệt là bệnh viêm gan B, men gan cao, xơ gan, gan nhiễm mỡ, suy giảm chức năng gan. Mô hình trồng cây cà gai leo và sản xuất cao cà gai leo An Xuân không những tạo ra sản phẩm dược liệu sạch được thị trường ưa chuộng mà còn tạo được công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động ở địa phương.

Trên đây là hai mô hình trồng cây dược liệu hiệu quả của huyện Cam Lộ. Để thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có yếu tố công nghệ cao trồng cây dược liệu, huyện đã quy hoạch diện tích đất tập trung khoảng 80ha tại xã Cam Thủy, thu hút mời gọi đầu tư, đưa DN về nông thôn. Đến nay đã có một số dự án đầu tư phát huy hợp tác sản xuất có hiệu quả.

Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, trồng cây dược liệu mang lại hiệu quả cao hơn nhiều cây trồng khác trên cùng diện tích đất. Trong quy hoạch, huyện đặc biệt chú ý vùng trồng cây dược liệu để phục vụ chế biến cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng với nhu cầu ngày càng tăng. Cam Lộ quyết tâm chuyển hướng sản xuất từ tăng trưởng dựa vào khối lượng sang dựa vào giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích; sản xuất theo nhu cầu thị trường và gắn chế biến và tiêu thụ nông sản để người nông dân luôn được hưởng lợi cao nhất.

 

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm