| Hotline: 0983.970.780

Phát triển cây dược liệu, khoanh nuôi cây đặc sản

Thứ Năm 23/02/2017 , 15:05 (GMT+7)

Trong những năm qua, tỉnh Bình Định đặc biệt quan tâm đến phát triển cây dược liệu và khoanh nuôi, bảo tồn cây đặc sản...

Trong những năm qua, tỉnh Bình Định đặc biệt quan tâm đến phát triển cây dược liệu và khoanh nuôi, bảo tồn cây đặc sản để giúp người dân sống cạnh rừng, nhất là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

11-16-49_duoc_lieu-3
13 loại cây dược liệu quý được trồng thử nghiệm tại xã An Toàn đang sinh trưởng phát triển tốt
 

Những dự án phát triển cây dược liệu và khoanh nuôi, bảo tồn cây đặc sản được thực hiện tập trung tại xã vùng cao An Toàn thuộc huyện miền núi An Lão.

Địa hình đặc thù của xã An Toàn có độ cao phổ biến từ 700 - 1.000m so với mặt nước biển. Diện tích đất nông nghiệp ở đây chiếm quá nhỏ so với tổng diện tích tự nhiên, chỉ 0,7%; đồng bào dân tộc thiểu số ở đây chủ yếu canh tác lúa nước, lúa nương và làm rẫy bắp, rẫy mì.

Đất nông nghiệp đã ít, lại canh tác trên đất có độ dốc cao và phụ thuộc nước trời nên năng suất cho kém, mùa vụ bấp bênh, đời sống người dân còn lắm cơ cực. Trong khi đó, diện tích đất lâm nghiệp được quy họach sản xuất hơn 2.000ha, có thể trồng các loài cây phù hợp để tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, trồng cây gì thì từ trước đến nay vẫn chưa có định hướng.

Theo ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn, thời tiết khí hậu ở đây có đặc điểm là vùng chuyển tiếp khí hậu Nam Trung bộ và Tây Nguyên, biên độ ngày và đêm thấp, độ ẩm không khí cao ổn định.

“Đặc biệt, tại vùng rừng núi An Toàn có một số loài cây bản địa đang sinh trưởng, phát triển rất tốt. Nếu khai thác tiềm năng, lợi thế về đặc điểm đất đai và thời tiết khí hậu của địa phương để trồng các loại cây phù hợp, có giá trị kinh tế cao sẽ mở ra hướng sản xuất mới, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo”, ông Nam cho biết.

Để lấp “lổ hổng” nói trên, trong những năm qua, Cty Dược và trang thiết bị y tế Bình Định đã khảo sát, so sánh, đánh giá điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thời tiết tại xã An Toàn so với đặc tính sinh học của các cây dược liệu đang có và du nhập từ vùng khác. Sau khi xác định đối tượng cây phù hợp đã lập dự án trồng cây dược liệu tại xã An Toàn.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Cty đã tiến hành trồng thử nghiệm 13 loại cây dược liệu quý như: Bạch quả, Ba kích, Ngũ vị tử, Ðộc hoạt, Ðương quy, Ðẳng sâm, Thiên môn, Cúc hoa vàng, Xuyên khung, Giảo cổ lam, Gối hạc... trên diện tích 6.000m2 tại thôn 3, xã An Toàn. Cty đã áp dụng quy trình kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân vô cơ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ trong quá trình chăm sóc nhằm tạo ra những sản phẩm sạch, có giá trị dược liệu, hiệu quả kinh tế cao.

11-16-49_duoc_lieu-1
Ảnh: Dương Lam
 

Mô hình trồng thử nghiệm 13 loại cây dược liệu quý của Cty Dược và trang thiết bị y tế Bình Định đã cho kết quả khả quan, hầu hết đều sinh trưởng phát triển tốt, đặc biệt là 2 loại cây Đẳng sâm và Đương quy. Chiều cao cây trung bình đạt 25 - 30cm, cành lá phát triển sum xuê, rễ củ hình thành lớn dần. Đặc biệt, các loại cây dược liệu kháng được các loại sâu bệnh hại, khả năng cho năng suất cao. Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu không khó, có thể chuyển giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện.

“Chúng tôi hy vọng cây dược liệu sẽ là cây xóa đói giảm nghèo cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại xã An Toàn, đồng thời cung cấp nguồn nguyên liệu dược liệu ổn định cho công ty trong thời gian đến”, ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, hy vọng.

Ngoài ra, huyện An Lão còn đang khoanh nuôi và bảo vệ 1,5ha cây chè đặc sản mọc tự nhiên trong rừng tại khu vực thôn 3, xã An Toàn. Qua khảo sát, rừng An Toàn có khoảng 1.000ha cây chè tự nhiên cần được khoanh nuôi, bảo vệ, triển vọng tạo được thương hiệu riêng cho sản phẩm chè An Lão. Ở các xã An Toàn, An Vinh, An Dũng, An Hưng, An Quang, An Nghĩa còn có khoảng 2.000ha mây đông đặc, huyện cũng đã tổ chức khoanh nuôi 125ha mây từ những năm trước, đây là sản phẩm dưới tán rừng đem lại thu nhập đáng kể cho người dân.

Cũng theo ông Đỗ Tùng Lâm, tại tiểu khu 39 thuộc xã An Quang và tại xã An Toàn đang tồn tại gần 500ha rừng sim. “Huyện đã lập đề án bảo tồn rừng sim trình UBND tỉnh và tỉnh đã đồng ý cho khoanh nuôi, tái sinh 320ha rừng sim tại tiểu khu 39 thuộc xã An Quang”, ông Lâm nói.

“Từ nay đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, huyện An Lão sẽ xây dựng thương hiệu sản phẩm “Sim An Lão” trong lộ trình phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với du lịch. Đặc biệt, cây sim trên địa bàn huyện An Lão cho trái to, mọng và hương vị rất ngon”, ông Đỗ Tùng Lâm cho hay.

Xem thêm
Lợn dự án chết ở Gia Lai do dịch tả lợn châu Phi

Ngày 17/11, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai cho biết, nguyên nhân lợn chết bất thường ở thị trấn Ia Ly là do bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Bắt giữ xe khách chở 1,2 tấn nội tạng lên Điện Biên tiêu thụ

1,2 tấn nội tạng chứa trong 9 thùng xốp được chủ xe khách chở từ huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội lên Điện Biên đã bị bắt giữ tại Hòa Bình.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).