| Hotline: 0983.970.780

Diêm dân bớt cực nhờ nuôi xen thủy sản trên ruộng muối

Thứ Hai 22/05/2023 , 19:15 (GMT+7)

BẾN TRE Năm ngoái giá muối giảm nhưng trúng mùa tôm. Ngược lại năm nay nuôi tôm thất nhưng bù lại muối được giá nên nhiều diêm dân có thu nhập khá.

Thêm thu nhập nhờ kết hợp nuôi thủy sản

Niên vụ 2022 - 2023, muối ở tỉnh Bến Tre được giá, diêm dân có thu nhập khá. Thời điểm này đã cuối vụ, sản lượng muối khá nhiều. Tuy vậy, giá muối vẫn đạt khoảng 100.000 đồng/giạ (45kg), giảm khoảng 80.000 đồng/giạ so với thời điểm Tết Nguyên đán Quý Mão nhưng cao hơn khoảng 60.000 đồng/giạ so với tháng 10 năm ngoái.

Ở Bến Tre, nghề làm muối chủ yếu tập trung ở một số địa phương như Bảo Thạnh, Bảo Thuận, An Thủy, Tân Thủy (huyện Ba Tri) và rải rác một số xã của huyện Bình Đại. Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, vụ muối năm nay, diện tích làm muối của tỉnh đạt khoảng hơn 1.000ha, không thay đổi nhiều so với các năm trước.

Diêm dân Bến Tre thu hoạch muối niên vụ 2022 - 2023. Ảnh: Minh Đảm.

Diêm dân Bến Tre thu hoạch muối niên vụ 2022 - 2023. Ảnh: Minh Đảm.

Vụ muối ở Bến Tre thường bắt đầu vào tháng 10 (âm lịch) năm trước đến tháng 3 (âm lịch) năm sau. Khi thời tiết khô hạn, nắng nóng là dấu hiệu mùa muối bắt đầu. Nếu làm đủ cả vụ, năng suất muối có thể đạt từ 1.200 - 1.500 giạ/ha. Hết mùa muối, nông dân thả nuôi quảng canh tôm, cua. Mô hình kết hợp làm muối với thả nuôi thuỷ sản đã giúp diêm dân nâng cao thu nhập.

Ông Lê Văn Tiếp (ấp Tân Lập, xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại) có 8.000m2 đất muối kết hợp nuôi tôm. Năm ngoái giá muối giảm nhưng gia đình ông Tiếp trúng mùa tôm, thu được vài trăm triệu đồng. Ngược lại, năm nay nuôi tôm thất nhưng bù lại muối được giá nên gia đình ông Tiếp có thu nhập đủ trang trải cuộc sống.

Từ sau tháng giêng, khi vừa thu hoạch xong vụ tôm, ông Tiếp mới bồi bờ, dẫn nước vào sân làm muối. Những năm trước đây, 8.000m2 làm cả vụ ông có thể thu được 1.500 giạ muối. Hiện nay, do kết hợp nuôi thủy sản nên ông chỉ làm nửa vụ, dự kiến vụ muối này ông Tiếp thu hoạch khoảng 400 giạ muối. Nếu muối bán trong thời điểm này có thể cho thu vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, ông Tiếp cũng như nhiều diêm dân chưa vội bán muối mà cất vào kho dự trữ, chờ giá lên mới bán bởi muối bảo quản hơn một năm cũng không hư hại.

Từ đầu năm 2023 đến nay, giá muối luôn ở mức cao hơn mọi năm nên gia đình ông Tiếp cũng như diêm dân ở địa phương rất phấn khởi. “Năm nay, ai làm muối từ hồi tháng 10 năm ngoái thì có muối sớm bán có giá cao. So với tôm, nghề làm muối chắc ăn hơn", ông Tiếp nói.

Không dừng lại ở bán muối thô

Nghề làm muối ở Bến Tre thường có năng suất, chất lượng không bằng các địa phương khác. Bên cạnh đó, thu nhập từ nghề làm muối vẫn còn bấp bênh do biến động giá cả và thời tiết ngày càng thất thường. Do đó, giai đoạn 2021 - 2030, UBND tỉnh Bến Tre chủ trương duy trì diện tích sản xuất muối với quy mô hợp lý và xây dựng phát triển mô hình sản xuất muối sạch, liên kết tiêu thụ sản phẩm, kết hợp nuôi thủy sản quảng canh cải tiến và nuôi artemia ở từng phần đất phù hợp trong ruộng muối.

Tỉnh Bến Tre khuyến khích người dân làm muối chuyển đổi sản xuất. Ảnh: Minh Đảm.

Tỉnh Bến Tre khuyến khích người dân làm muối chuyển đổi sản xuất. Ảnh: Minh Đảm.

Đến năm 2030, diện tích quy hoạch vùng sản xuất muối tập trung của Bến Tre là 600ha ở huyện Ba Tri (xã Bảo Thạnh 500ha, xã Bảo Thuận 100ha), sản lượng muối đạt 32.400 tấn/năm. Riêng các địa phương có đất muối tại huyện Bình Đại, chủ trương của tỉnh Bến Tre là khuyến khích diêm dân chuyển đổi sang mục đích khác như nuôi trồng thuỷ sản để gia tăng giá trị kinh tế.

Tỉnh Bến Tre được Bộ NN-PTNT hỗ trợ đầu tư dự án muối trải bạt tại Ba Tri với kinh phí khoảng 60 tỷ đồng để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cánh đồng muối nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hạt muối. Bên cạnh đó, chương trình khuyến nông quốc gia cũng hỗ trợ dự án muối trải bạt với kinh phí 2 tỷ đồng.

Ông Võ Tiến Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết: “Theo định hướng chung, Bộ NN-PTNT giao cho Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thực hiện mô hình muối trải bạt. Nếu xác định còn duy trì diện tích như hiện nay thì phải hỗ trợ cho diêm dân thực hiện các mô hình, liên kết chuỗi, chứng nhận OCOP. Năm nay, nguồn vốn đối ứng của tỉnh cho mô hình này là trên 300 triệu đồng”.

Cũng theo ông Sỹ, giá muối cũng như giá nông sản nói chung không ổn định, có khi lên rất cao, có khi xuống rất thấp nên phải liên kết với doanh nghiệp, gia tăng giá trị bằng nhiều cách chứ không nên chỉ dừng ở mức bán thô. Hiện nay, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cũng đang hỗ trợ Hợp tác xã Bảo Thạnh chế biến, đa dạng sản phẩm từ muối. Song song đó, Chi cục cũng hoàn thiện một số nội dung để đánh giá chứng nhận sản phẩm OCOP cho một số sản phẩm chế biến từ muối cho một số chủ thể.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.