| Hotline: 0983.970.780

Lá chắn thép điều tiết mặn, ngọt chống biến đổi khí hậu

Thứ Tư 22/12/2021 , 17:42 (GMT+7)

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé được ví như là “lá chắn thép” giúp bảo vệ đời sống dân sinh, sản xuất nông nghiệp trước thiên tai và biến đổi khí hậu.

Hoàn thành vượt tiến độ

Giữa tháng 6/2021, cửa van bằng thép nặng hơn 200 tấn được cẩu từ đất liền ra giữa sông lắp đặt thành công vào khoang của cống Cái Lớn. Đây là cửa van cuối cùng trong tổng số 11 cửa van của công trình này. Những tháng tiếp theo là thời gian hiệu chỉnh, vận hành thử nghiệm… để chuẩn bị bàn giao, đưa công trình vào vận hành trước mùa khô 2021-2022. Cống Cái Bé với 2 cửa van tương tự, đã được lắp đặt thành công từ đầu năm 2021 và đưa vào vận hành, phát huy hiệu quả trước một mùa khô.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé được ví như là 'lá chắn thép' giúp bảo vệ đời sống dân sinh, sản xuất nông nghiệp trước thiên tai và biến đổi khí hậu. Ảnh: Đào Trung Chánh.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé được ví như là “lá chắn thép” giúp bảo vệ đời sống dân sinh, sản xuất nông nghiệp trước thiên tai và biến đổi khí hậu. Ảnh: Đào Trung Chánh.

Cống Cái Lớn - Cái Bé là siêu công trình thủy lợi lớn nhất khu vực ĐBSCL, được triển khai thực hiện tại xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Công trình cống Cái Lớn có tổng chiều rộng thông nước là 455 m, gồm 11 khoang, mỗi khoang rộng 40 m và khoang âu thuyền rộng 15 m. Cống Cái Bé tổng chiều rộng thông nước 85 m, gồm 2 khoang, mỗi khoang rộng 35 m và 1  khoang âu thuyền rộng 15m. Cửa van cống và van âu thuyền bằng thép, vận hành bằng hệ thống xi lanh thủy lực.

Ngoài ra, hệ thống cống còn kết hợp với cầu giao thông, đường đê nối giữa cống Cái Lớn - Cái  Bé và nối với tuyến quốc lộ hiện hữu, tạo thành vùng bảo vệ an toàn, kiên cố. Vùng hưởng lợi của dự án trải rộng trên địa bàn liên tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau… với diện tích tự nhiên là 384.120 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 346.241 ha.

Ông Hà Đức Hạnh, Phó Giám đốc Ban quản lý Đầu tư Xây dựng Thủy lợi 10 (Bộ NN-PTNT) cho biết, công trình cống Cái Bé đã được đẩy nhanh tiến độ thi công, từ đầu năm 2021 đã lắp xong cửa van và đến tháng 2 là đã đưa vào vận hành, phát huy hiệu quả ngay từ đầu mùa khô. Đến tháng 6/2021, gói thầu của dự án này đã hoàn thành, đủ điều kiện để bàn giao đưa vào khai thác vận hành. Còn cống Cái Lớn hoàn thành lắp đặt tất cả các cửa van từ tháng 6/2021 và đến nay đã hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc cần thực hiện.

Phát huy hiệu quả công trình

Dự kiến đến đầu tháng 12 tới, sẽ tiến hành bàn giao toàn bộ công trình cống Cái Lớn - Cái Bé cho đơn vị được Bộ NN-PTNT giao nhiệm vụ tiếp nhận, vận hành khai thác hiệu quả công trình. Hiện quy trình vận hành siêu công trình thủy lợi này đã được thông qua, để phát huy hiệu quả công trình từ đầu mùa khô 2021-2022.

Trong quá trình vận hành, sẽ mời các địa phương trong vùng dự án cùng tham gia, đánh giá để hiệu chỉnh cho phù hợp. Từ đó, sẽ thống nhất đưa ra quy trình vận hành chính thức, góp phần tăng tính hiệu quả của công trình trong kiểm soát nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài nhiệm vụ thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé còn góp phần hiệu quả trong phòng chống thiên tai, giảm ngập lụt trong vùng dự án. Ảnh: Đào Trung Chánh.

Ngoài nhiệm vụ thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé còn góp phần hiệu quả trong phòng chống thiên tai, giảm ngập lụt trong vùng dự án. Ảnh: Đào Trung Chánh.

Công trình cống Cái Lớn - Cái Bé là lá chắn thép khi kết hợp với tuyến đê biển Tây, tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng… Từ đó, giúp quản lý, kiểm soát nguồn nước hiệu quả, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn, lợ, ngọt lợ luân phiên.

Đến kiểm tra công trình trước khi đưa vào vận hành, PGS.TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đánh giá hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được đầu tư tại ĐBSCL. Đến nay, công trình đã hoàn thành vượt tiến độ, đảm bảo cả về kỹ thuật, mỹ thuật, sớm đưa vào vận hành, phát huy hiệu quả đầu tư. Đây là công trình thủy lợi sẽ giúp chúng ta kiểm soát tốt nguồn nước ngọt, mặn, lợ hoặc luân phiên, phục vụ hiệu quả cho việc canh tác cây trồng nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

“Ngoài nhiệm vụ thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé còn góp phần hiệu quả trong phòng chống thiên tai, giảm ngập lụt trong vùng dự án. Trong trường hợp khi xảy ra bão, mưa lớn, công trình sẽ là lá chắn thép giúp ngăn chặn, giảm ảnh hưởng của nước biển dâng, hạn chế sạt lở bờ sông và thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp”, PGS.TS Trần Bá Hoằng đánh giá.

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng trong quý I/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố hoạt động kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.