| Hotline: 0983.970.780

Lạc xuân nguy cơ 'vỡ thời vụ' do mưa, rét

Thứ Năm 24/02/2022 , 11:30 (GMT+7)

HÀ TĨNH Rét đậm kèm mưa liên tục từ sau Tết Nhâm Dần đến nay khiến việc gieo trỉa lạc xuân ở Hà Tĩnh có nguy cơ 'vỡ thời vụ'. Lạc đã gieo phát triển rất kém.

Một số bệnh đã có dấu hiệu phát sinh trên diện tích lạc đã gieo. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Một số bệnh đã có dấu hiệu phát sinh trên diện tích lạc đã gieo. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Vụ lạc xuân năm 2022, toàn tỉnh Hà Tĩnh có kế hoạch gieo trỉa 10.384 ha lạc. Tuy nhiên đến nay chỉ mới triển khai được gần 60% kế hoạch. Nguyên nhân do vào thời điểm chính vụ lại gặp mưa rét kéo dài đã gây khó khăn cho nhiều địa phương.

Tranh thủ những khoảng thời tiết tạnh ráo trước và sau Tết, nông dân Lộc Hà đã tiến hành gieo trỉa được 900 ha lạc xuân, đạt 90%. Tuy nhiên, theo ghi nhận, một số diện tích lạc đã xuống giống bị chết, số sống được thì vàng lá, cây còi cọc, chỉ ở những vùng đất cát khô bà con tranh thủ xuống giống từ trước Tết Nhâm Dần là cây đã phát triển tương đối tốt.

Cán bộ chuyên môn Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây lạc. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Cán bộ chuyên môn Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây lạc. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tuyết ở Tổ dân phố Xuân Khánh, Thị trấn Lộc Hà (huyện Lộc Hà) làm 6 sào lạc xuân. Tranh thủ thời tiết tạnh ráo, ông đang tập trung làm cỏ, trỉa dắm, xới xáo lại đất cho cây lạc. Ông Tuyết thông tin: "Các đợt rét dồn dập từ sau Tết Nhâm Dần đến nay luôn kèm mưa dày hạt nên nhiều diện tích ở vùng thấp, trũng bị ngập nước, thối rễ rồi chết dần. Chúng tôi đang mong thời tiết ấm hơn để tập trung trỉa dắm cho lạc”.

Chị Nguyễn Thị Thảo ở thôn Bắc Sơn, xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà chia sẻ: “ Gia đình có diện tích 4 sào làm lạc xuân nhưng hiện do mưa rét kéo dài liên tục nên chỉ mới gieo được 2 sào, còn 2 sào nữa chỉ trông trời tạnh ráo, ấm lên để gieo trỉa cho xong”.

Chị Thảo cũng đang lo lắng vì số diện tích lạc đã gieo của gia đình nảy mầm không đều (chỉ đạt được khoảng 75%), chị phải dặm trỉa lại rất nhiều mặc dù lịch thời vụ đã “sát nút”.

Nhiều diện tích lạc nảy mầm không đều, phát triển kém, cây còi cọc, vàng lá do rét đậm. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Nhiều diện tích lạc nảy mầm không đều, phát triển kém, cây còi cọc, vàng lá do rét đậm. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Ông Phan Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KH-KT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà cho biết: “Số diện tích lạc chưa gieo trỉa của địa phương chủ yếu tập trung ở vùng trũng, thấp của các xã Thạch Châu, Hồng Lộc, Bình An, Thị trấn Lộc Hà. Ngành chuyên môn đã có hướng dẫn đến từng thôn, tổ dân phố thường xuyên thăm đồng, nhanh chóng rút hết nước ra khỏi khu vực gieo trỉa. Đồng thời, khi thời tiết tạnh ráo, cần tập trung xới nhẹ, phá vỡ lớp váng, lớp đất mặt (vùng tán cây) giúp đất thông thoáng, sớm cải tạo lại bộ rễ; chưa vội bón phân, đạm, kali vì sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các loại nấm phát triển; chủ động ủ giống để sẵn sàng dặm trỉa lại số diện tích bị chết khi thời tiết ấm lên”.

Tại huyện Cẩm Xuyên, mặc dù là một trong những địa phương có diện tích lạc xuân tương đối lớn (gần 900 ha) nhưng do thời tiết mưa ẩm kéo dài, nhiều diện tích lại nằm ở những vùng thấp trũng, khó thoát nước nên tiến độ gieo trỉa chậm lại. Với tình trạng này, địa phương khó có thể hoàn thành được đúng lịch thời vụ mà ngành chuyên môn khuyến cáo.

Chỉ những diện tích lạc gieo sớm trước Tết Nhâm Dần cây mới phát triển xanh tốt. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Chỉ những diện tích lạc gieo sớm trước Tết Nhâm Dần cây mới phát triển xanh tốt. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Bà Trần Thị Vân (xã Cẩm Lạc, Cẩm Xuyên) cho biết : “Năm nay, gia đình tính làm 3 sào lạc nhưng đất ướt quá nên tôi chỉ mới gieo trỉa được hơn 1 sào. Tôi đang ý định chuyển sang trồng đậu ngắn ngày chứ giờ chờ hết đợt mưa rét, rồi phải để đất khô ráo thì phải thêm cả tuần nữa, sẽ chậm thời vụ”.

Đến thời điểm này, chỉ còn hơn 1 tuần nữa là khung lịch thời vụ gieo trỉa lạc xuân khép lại nhưng toàn tỉnh Hà Tĩnh chỉ mới đạt hơn 6.000 ha/10.384ha (chưa đến 60% kế hoạch). Rất nhiều địa phương có diện tích xuống giống thấp như: TP Hà Tĩnh (2%), huyện Cẩm Xuyên (22,3%), Thị xã Kỳ Anh (21,1%), huyện Hương Khê (38%), huyện Hương Sơn (30%)…

Kỹ sư Hồ Thị Thủy, Trưởng phòng BVTV (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) Hà Tĩnh cho biết: Bên cạnh những bất lợi do thời tiết gây khó khăn cho việc gieo trỉa lạc theo lịch thời vụ, các diện tích lạc xuân đã gieo trước trước Tết Nhâm Dần, cây lạc đã phát triển tốt, ở mức từ 2 - 4 lá nhưng đã xuất hiện sâu bệnh như: Sâu xanh, sâu khoang, mật độ trung bình từ 5 đến 7 con/m2.

Một số diện tích người dân phải cày đất để gieo lại do lạc không mọc được mầm. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Một số diện tích người dân phải cày đất để gieo lại do lạc không mọc được mầm. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Cùng với đó, bệnh gỉ sắt, bệnh lở cổ rễ cũng phát sinh gây hại. Vì thế, để phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, bà con cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời diễn biến sâu bệnh, xác định tuổi sâu, mật độ, mức độ gây hại, chỉ số bệnh để xác định thời điểm, loại thuốc phun thuốc phòng trừ nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

“Trước tình trạng mưa rét kéo dài, ngành chuyên môn đã tính toán thêm thời gian gieo trỉa lạc xuân 2022 đến 10/3. Tuy nhiên, đối với những địa phương đã quá chậm so với lịch thời vụ thì nên hướng dẫn, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây ngắn ngày như rau, đậu xanh, đậu đen…”, Trưởng phòng BVTV (Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh) Hồ Thị Thủy cho biết thêm.

Xem thêm
Giống vịt Huba siêu đẻ, siêu thịt

Giống vịt Huba được đánh giá cao nhờ năng suất trứng vượt trội, tốc độ tăng trưởng nhanh và thịt thơm ngon, kỳ vọng là hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi gia cầm.

Tiêu hủy hàng nghìn con vịt dương tính virus cúm gia cầm

Hopn 3.400 con vịt bơ lai (vịt supe lai vịt bầu) 46 ngày tuổi dương tính virus cúm gia cầm A/H5N1 được lực lượng chức năng tại Quảng Trị tiêu hủy.

Những mầm xanh vươn lên từ vùng đất khắc nghiệt

SƠN LA Từ nương rẫy bạc màu, chị Hường vươn lên với mô hình ươm cây giống trong nhà màng, mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vân Hồ.

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Lan toả cánh đồng ‘không dấu chân’

QUẢNG BÌNH Từ mô hình đưa thiết bị bay vào gieo sạ, bón phân ban đầu, huyện Lệ Thủy đã mở rộng diện tích cánh đồng ‘không dấu chân’.

Ngành thủy sản cần bình tĩnh, chủ động tối ưu chuỗi giá trị

Người dân, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần tránh tâm lý lo sợ dẫn đến tình trạng thu hoạch ồ ạt thủy sản nuôi hoặc hạn chế sản xuất, xuống giống...

Cơn mưa dập tắt đám cháy rừng trên núi

Sơn La Vụ cháy xảy ra chiều 5/4, ở khu vực núi cao, dốc đứng, địa hình hiểm trở, nhiều đá lăn nên việc tiếp cận hiện trường, chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất