| Hotline: 0983.970.780

Lâm Đồng dựng lại 'con đường tơ lụa'

Thứ Tư 10/05/2023 , 10:18 (GMT+7)

Để đưa ngành dâu tằm tơ trở lại ‘thời vàng son’, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã bắt tay vào cuộc ‘cách mạng’ quy mô lớn.

LTS: Giai đoạn hoàng kim những năm 90 của thế kỷ trước, ngành dâu tằm tơ nước ta đã đóng góp quan trọng vào kinh tế đất nước. Tuy nhiên trước nhiều sóng gió của thị trường, ngành này đã trải qua giai đoạn dài tụt dốc. Những năm gần đây, tín hiệu vui khi ngành dâu tằm tơ đang dần “hồi sinh”, lấy lại vị thế…

Tìm hạt nhân mới trong sản xuất

Nói về ngành dâu tằm tơ, TS Lê Quang Tú, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam chia sẻ, ở nước ta, nghề dâu tằm tơ có thời hoàng kim vào những năm 90 của thế kỷ trước. Thời ấy, diện tích dâu của cả nước đạt đến 38 nghìn ha, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do những tác động tiêu cực từ thị trường nên ngành tơ tằm đã bước vào giai đoạn suy giảm.

Mãi đến những năm gần đây, ngành tơ tằm đã được các cơ quan chức năng quan tâm, được người dân, doanh nghiệp tập trung đầu tư và đã có được sự phát triển mạnh mẽ. Minh chứng là năng suất, sản lượng kén tằm được nâng cao và Việt Nam thuộc trong TOP 3 thế giới về sản lượng tơ tằm, chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Ngành dau tằm tơ ở Lâm Đồng đang dần lấy lại được đà phát triển sau giai đoạn dài suy giảm. Ảnh: Minh Hậu.

Ngành dau tằm tơ ở Lâm Đồng đang dần lấy lại được đà phát triển sau giai đoạn dài suy giảm. Ảnh: Minh Hậu.

Theo TS Tú, đối với tỉnh Lâm Đồng, lĩnh vực sản xuất dâu tằm đã hình thành trước năm 1975 và thời gian này, tại Bảo Lộc đã có Trung tâm Nghiên cứu tằm (thuộc Công ty Nông nghiệp Lâm Đồng) đóng chân, hoạt động. Đến những năm 1985 - 1995, nghề dâu tằm ở Bảo Lộc đã phát triển mạnh mẽ và nơi đây được mệnh danh là “thủ phủ” dâu tằm của Lâm Đồng.

Thời bấy giờ, Bảo Lộc là nơi tập trung các chuyên gia đầu ngành về dâu tằm, các chuyên gia về nông nghiệp và diện tích trồng dâu tại địa phương đã cán mốc 2.000ha, nghề dâu tằm góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn người.

Hiện nay, tổng diện tích dâu ở TP Bảo Lộc vào khoảng 750ha và địa phương đang nỗ lực vực dậy nghề “vang bóng một thời” này.

Nói về sự lụi tàn của nghề dâu tằm tơ một thời, ông Nguyễn Văn Nhâm, Trưởng Phòng Kinh tế TP Bảo Lộc chia sẻ: “Lĩnh vực sản xuất tơ tằm của địa phương có những lúc thăng trầm do sự cạnh tranh của thị trường tơ lụa thế giới. Ngoài ra, giá các loại nông sản khác luôn biến động và thu nhập của người trồng dâu, nuôi tằm có lúc không đạt như những loại cây trồng khác như chè, cà phê. Mặt khác, năng suất giống dâu, chất lượng dâu cùng với giống tằm cũ không cho năng suất cao đã khiến diện tích suy giảm...".

Những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã có những thay đổi trong chỉ đạo sản xuất, đặc biệt thực hiện đề án phát triển bền vững ngành tơ tằm. Ảnh: Minh Quý.

Những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã có những thay đổi trong chỉ đạo sản xuất, đặc biệt thực hiện đề án phát triển bền vững ngành tơ tằm. Ảnh: Minh Quý.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cũng thừa nhận, ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng có lịch sử phát triển lâu đời và từng rơi vào giai đoạn đầy khó khăn. Tuy nhiên, xác định đây là ngành mà địa phương có lợi thế về đất đai, khí hậu cũng như trình độ sản xuất nên tỉnh đã tập trung vào cuộc chuyển đổi, vực lại thời hoàng kim.

“Chúng tôi đã có những "cách mạng", thay đổi trong chỉ đạo sản xuất lẫn định hướng phát triển. Trước đây, ở địa phương, doanh nghiệp dâu tằm tơ của nhà nước là chủ đạo trong sản xuất, còn hiện nay đã thay đổi. Địa phương hiện có đề án về dâu tằm, lấy các doanh nghiệp ngoài nhà nước, hộ sản xuất làm hạt nhân, đặc biệt thu hút đầu tư nước ngoài để giải quyết đầu ra cho sản phẩm”, ông Nguyễn Văn Châu nói và cho biết thêm, với cách làm này, giá sản phẩm dâu tằm được thu mua ở mức cao và đã giúp người dân cải thiện thu nhập. Khi nguồn thu được đảm bảo, đời sống kinh tế ổn định, đã giúp người nuôi tằm tập trung phát triển ngành nghề.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, diện tích dâu toàn tỉnh đã đạt được khoảng 10 nghìn ha. Diện tích này mỗi năm tiếp tục tăng từ 8 - 10%. Đặc biệt, nghề trồng dâu, nuôi tằm đã có sự lan toả mạnh mẽ, len lỏi vào cuộc sống ở các vùng sâu, vùng xa, giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.

Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng có 200 cơ sở ươm tằm con, 150 cơ sở thu mua kén, 32 cơ sở ươm tơ, 10 cơ sở dệt lụa sản xuất trung bình 5,5 triệu mét lụa/năm. Ảnh: Minh Hậu.

Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng có 200 cơ sở ươm tằm con, 150 cơ sở thu mua kén, 32 cơ sở ươm tơ, 10 cơ sở dệt lụa sản xuất trung bình 5,5 triệu mét lụa/năm. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng nói: “Cách đây 20 năm, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số không biết trồng dâu nuôi tằm nhưng hiện nay họ đã tiếp cận và phát triển tốt. Hàng nghìn hộ dân ở các huyện Đam Rông, Lâm Hà, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đạ Huoai… đã tiếp cận được kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm và sống khoẻ với nghề”.

Chuyển mình trên những chuỗi tơ

Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản tỉnh Lâm Đồng đánh giá, ngành dâu tằm tơ của tỉnh Lâm Đồng có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và sản xuất nông nghiệp. Đây là ngành nghề góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.

Để ngành dâu tằm tơ phát triển theo hướng sản xuất hiệu quả, bền vững, đặc biệt hướng đến Lâm Đồng là trung tâm sản xuất dâu tằm tơ của cả nước, năm 2019, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ giai đoạn 2019 – 2023.

Đến nay, đề án dâu tằm đã đạt được những kết quả khả quan. Trong đó, diện tích dâu từ 6.770ha vào năm 2018 đã tăng lên 10.000ha, đặc biệt các giống dâu cũ năng suất, chất lượng kém được thay thế bằng giống mới năng suất cao, đáp ứng nhu cầu nuôi tằm trên địa bàn tỉnh. Phương thức canh tác dâu truyền thống cũng dần được người dân quan tâm, chuyển qua sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao để đảm bảo hiệu quả trong nuôi tằm.

Nghề trồng dâu nuôi tằm đã tạo sinh kế bền vững cho người dân nhiều địa phương ở Lâm Đồng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Minh Quý.

Nghề trồng dâu nuôi tằm đã tạo sinh kế bền vững cho người dân nhiều địa phương ở Lâm Đồng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Minh Quý.

Cùng với việc mở rộng diện tích dâu năng suất, chất lượng, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đỗng cũng thực hiện hàng loạt các giải pháp để vực dậy ngành dâu tằm. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh này đã tổ chức hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư công nghệ. Trong đó bao gồm hỗ trợ nông dân trong việc chuyển đổi, phát triển mô hình ứng dụng công nghệ tự động, cơ giới hoá trong sản xuất dâu; hỗ trợ nông dân nuôi tằm trên sàn sắt, khay trượt, né gỗ… Cùng với đó, ngành nông nghiệp cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đầu tư công nghệ, máy móc vào ươm tơ, dệt lụa.

“Tỉnh cũng tổ chức xây dựng các chuỗi liên kết từ người trồng dâu nuôi tằm cho đến các cơ sở ươm tơ, dệt lụa để nâng cao giá trị, sản xuất ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng thị trường xuất khẩu”, ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản tỉnh Lâm Đồng nói và cho biết thêm, hiện nay, các chuỗi liên kết giá trị ngành tằm tơ được xây dựng bao gồm một chuỗi ở 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên; một chuỗi ở TP Bảo Lộc và 2 chuỗi ở huyện Lâm Hà.

Theo ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, để nâng cao giá trị cho ngành dâu tằm tơ, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng cũng ban hành đề án kết nối giữa nông nghiệp với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Diện tích dâu tằm của Lâm Đồng liên tục tăng cao trở lại những năm gần đây. Ảnh: Minh Hậu.

Diện tích dâu tằm của Lâm Đồng liên tục tăng cao trở lại những năm gần đây. Ảnh: Minh Hậu.

“Đây là đề án xác định hướng đi, kết hợp giữa nông nghiệp với công nghiệp một cách hiệu quả từ đồng ruộng đến nhà máy, chế biến ra sản phẩm và đưa ra thị trường. Cùng với đó, địa phương cũng đang triển khai xây dựng, đưa các sản phẩm dệt, vải lụa… thành sản phẩm OCOP để nâng cao vị thế, quảng bá và mở rộng thị trường cho ngành tơ tằm”, ông Nuyễn Văn Châu chia sẻ.

Đến nay, việc vực dậy “thời vàng son” của ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng đã đạt được kết quả khả quan. Diện tích dâu của toàn tỉnh đạt 10 nghìn ha, sản lượng dâu trên 250 nghìn tấn/năm với 15 nghìn hộ tham gia sản xuất.

Hiện nay, nhu cầu trứng giống tằm của tỉnh Lâm Đồng khoảng 350 nghìn đến 400 nghìn hộp/năm, sản lượng kén khoảng 15 nghìn tấn/năm, chiếm 80% kén của cả nước. Địa phương hiện có 200 cơ sở ươm tằm con, 150 cơ sở thu mua kén, 32 cơ sở ươm tơ, 10 cơ sở dệt lụa sản xuất trung bình 5,5 triệu mét lụa/năm.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Mùa vàng trên cánh đồng sạ cụm

QUẢNG BÌNH Mô hình gieo sạ lúa bằng máy tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hàm Hòa trong vụ đông xuân 2023 - 2024 với diện tích trên 10ha cho hiệu quả lớn…

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm