Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), nghề dâu tằm có những lúc thăng trầm do sự cạnh tranh của thị trường tơ lụa thế giới, giá các loại nông sản khác luôn biến động, thu nhập của người trồng dâu, nuôi tằm có lúc không cạnh tranh được với những loại cây trồng khác như chè, cà phê. Mặt khác, năng suất giống dâu, chất lượng dâu cùng với giống tằm cũ cho năng suất không cao.
Trước năm 1975, tại Bảo Lộc đã có Trung tâm Nghiên cứu tằm thuộc Công ty Nông nghiệp Lâm Đồng và sau năm 1975 tiếp tục phát triển nghề dâu tằm. Đến những năm 1985 - 1995, Bảo Lộc được xem là "thủ phủ" ngành dâu tằm và đây là nơi tập trung các chuyên gia đầu ngành về dâu tằm, các chuyên gia về nông nghiệp.
Diện tích trồng dâu thời điểm này vào khoảng 2.000ha và nghề trồng dâu nuôi tằm giải quyết việc làm cho hàng nghìn người. Hiện nay, nghề dâu tằm Bảo Lộc đang được cải thiện, việc sản xuất, kinh doanh tơ lụa đã có tăng trưởng ổn định, góp phần vào phát triển chung của Thành phố.
Theo Phòng kinh tế TP Bảo Lộc, hiện nay địa phương có khoảng 750ha dâu, bao gồm của người dân, doanh nghiệp và Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng. Hầu hết diện tích dâu của địa phương đã được chuyển sang các giống chất lượng cao, kháng bệnh tốt như S7CB với năng suất 30 - 35 tấn/ha, năng suất này cao gấp đôi so với giống dâu thường trước đây.
Ông Nguyễn Văn Nhâm, Trưởng Phòng kinh tế TP Bảo Lộc cho biết, để nâng cao chất lượng kén tằm, gia tăng giá trị, người dân và doanh nghiệp tại địa phương đã đưa các giống tằm mới như lưỡng hệ LTQ, TN1278 vào sản xuất. “Với diện tích dâu hiện nay, nhu cầu trứng giống tiêu thụ tại TP Bảo Lộc khoảng 32.000 - 33.000 hộp trứng tằm, tương đương khoảng 1.400 - 1.485 tấn kén (khoảng 192.857kg tơ)”, ông Nguyễn Văn Nhâm cho biết.
Hiện nay, TP Bảo Lộc có khoảng 30 doanh nghiệp tổ chức sản xuất và kinh doanh tơ tằm. Trong đó 11 doanh nghiệp ươm tơ, 10 doanh nghiệp dệt, 5 doanh nghiệp kinh doanh tơ lụa, 3 doanh nghiệp sản xuất trứng giống tằm và 1 doanh nghiệp kinh doanh trứng giống tằm. Theo thống kê, sản lượng tơ của TP Bảo Lộc khoảng 1.000 tấn/năm, khoảng 5 triệu mét vải lụa các loại.
Cũng theo ông Nhâm, các sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc hiện đa dạng về chủng loại, trong đó gồm tơ xe các loại từ tơ cấp A đến tơ cấp 5A; vải lụa tơ tằm các loại như lụa Satin dùng may áo kimono, lụa Yozu dùng may khăn choàng đầu cho các vị nguyên thủ khối Ả Rập, Ấn Độ; các loại vải lụa Habutae, lụa CDC, lụa GGT, lụa Jacquarol… dùng may áo dài, quần áo cao cấp, hàng trang trí nội thất xe hơi, nội thất nhà... Sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc có chất lượng tốt, được khẳng định từ trước đến nay bao gồm thị trường trong và ngoài nước.
Hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất dâu tằm tơ, TP Bảo Lộc cũng phát triển mạnh các cửa hàng giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm tơ lụa. Đối với thị trường quốc tế, sản phẩm tơ lụa của Bảo Lộc hiện đã được xuất khẩu qua các quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Pháp, Thái Lan, Lào, Campuchia, Bangladesh, Afghanistan, Ý.
Để ngành lụa tơ tằm phát triển bền vững, thời gian qua, chính quyền địa phương đã thực hiện các chương trình về hỗ trợ khuyến nông lẫn khuyến công. Trong đó, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ kinh phí cho nông dân mua giống dâu phát triển mô hình. Ở lĩnh vực khuyến công, địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư không thu lãi trong thời gian từ 3 – 5 năm.
Để đảm bảo phát triển ngành tơ lụa, UBND TP Bảo Lộc cũng tổ chức xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Tơ lụa Bảo Lộc” và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 276882/QĐ-SHTT ngày 27/02/2017. Đến nay, UBND TP Bảo Lộc đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Tơ lụa Bảo Lộc” cho 14 doanh nghiệp.
Hàng năm, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt nguồn kinh phí hỗ trợ xúc tiến thương mại thông qua Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư của tỉnh Lâm Đồng. Chương trình được triển khai tại các tỉnh thành trong cả nước và nước ngoài. UBND TP Bảo Lộc cũng hỗ trợ các đơn vị sản xuất ươm tơ dệt lụa tham gia các chương trình quảng bá sản phẩm thông qua các sự kiện, lễ hội trong nước.
Xác định dâu tằm là lĩnh vực có thế mạnh của địa phương, từ nay đến năm 2025, Bảo Lộc sẽ tiếp tục mở rộng, phát triển diện tích cây dâu, tập trung chuyển đổi 90% giống mới với năng suất từ 30 - 40 tấn/ha. Đồng thời áp dụng các chính sách đầu tư, hỗ trợ nhằm khôi phục và phát triển ngành trồng dâu nuôi tằm, tăng cường đầu tư chuyển giao khoa học kỹ thuật và đưa công nghệ nuôi tằm mới vào sản xuất.
Địa phương này cũng hướng đến mở rộng liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm và ươm tơ dệt lụa. Đồng thời hợp tác nhằm chủ động về trứng giống tằm, tạo ổn định trong sản xuất nguyên liệu kén tằm chất lượng cao cung ứng cho công nghiệp chế biến.