| Hotline: 0983.970.780

Làm đường lâm nghiệp giúp nâng cao giá trị rừng trồng

Thứ Sáu 25/11/2022 , 11:27 (GMT+7)

Trong năm 2022, tỉnh Bắc Kạn tiến hành xây dựng 183 tuyến đường lâm nghiệp, có tổng chiều dài 445km với số vốn vào khoảng 200 tỷ đồng.

gỗ 5

Thiếu đường vận chuyển khiến giá trị gỗ rừng của bà con Bắc Kạn thiệt hại khoảng 20 - 30 triệu đồng/ha. Ảnh: Toán Nguyễn.

Thiệt 20 - 30 triệu đồng/ha vì thiếu đường

Tỉnh Bắc Kạn có diện tích rừng trồng lên tới 102.000ha là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước trồng rừng sản xuất. Từ sau những năm 2000 đến nay, kinh tế lâm nghiệp đã đem lại thu nhập cao, trở thành cây xóa đói, giảm nghèo của người dân.

Trồng rừng trở thành phong trào mạnh mẽ ở tỉnh miền núi này, nhà nhà có rừng, người người trồng rừng. Tuy nhiên, do địa hình chia cắt nên việc vận chuyển cây giống, cũng như khai thác gỗ sau thu hoạch của người dân rất khó khăn. Thiếu đường vận chuyển khiến người trồng rừng ở Bắc Kạn phải bỏ ra nhiều công sức, tốn kém việc thuê vận chuyển gỗ ra ngoài bán.

Sau 7 - 8 năm, bình quân 1ha rừng sản xuất sẽ cho thu hoạch khoảng 100 triệu đồng, nhưng lại phải trừ đi khoảng 20 - 30 triệu đồng chi phí khai thác và vận chuyển. Trong trường hợp này, người trồng rừng cũng dễ bị ép giá khi người thu mua viện vào lý do như vậy.

Ví dụ như tại thôn Lủng Mít, xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm, có 99 hộ tham gia trồng rừng đã đến tuổi khai thác. Nhưng vì không có đường lâm nghiệp để vận chuyển, cho nên hầu hết người dân chỉ bán gỗ tại chân đồi rừng với giá trung bình chỉ hơn 200.000 đồng/m3.

Bí thư Chi bộ thôn Lủng Mít, xã Bằng Thành (huyện Pác Nặm) Dương Văn Tu chia sẻ: "Chúng tôi bán rẻ như vậy, nhưng khi tư thương thu mua chở ra bán tại xã Bộc Bố (trung tâm huyện Pác Nặm) giá đã vào khoảng 600.000 đồng/m3. Người dân bị ép giá vì không có nhân lực, máy móc để có thể tự khai thác và chở gỗ đi bán. Chúng tôi luôn mong mỏi được Nhà nước đầu tư hệ thống đường lâm nghiệp, giúp bà con thuận lợi sản xuất, xe tải vào được tận chân đồi được thì gỗ bán ra cũng cao hơn 2 - 3 lần hiện nay."

Không riêng gì ở huyện Pác Nặm, mà phần lớn diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đều rơi vào tình trạng thiếu đường lâm nghiệp. Điều này khiến cho việc canh tác như trồng, chăm sóc gặp khó khăn trong việc vận chuyển cây giống, phân bón. Nhiều diện tích rừng đến tuổi khai thác khó bán, mà bán giá cũng thấp hơn nhiều so với các khu vực có đường giao thông thuận tiện.

2ff6d92e40779929c066

Ô tô có thể đi lại giúp việc vận chuyển gỗ của bà con được thuận lợi. Ảnh: Toán Nguyễn.

Vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng

Hiện nay, diện tích rừng trồng đến tuổi khai thác trên toàn tỉnh Bắc Kạn vào khoảng 50.000ha. Nếu như mỗi ha người dân thiệt khoảng 20 triệu đồng phí vận chuyển, ước tính tổng số tiền bị thiệt đã lên đến còn số cả nghìn tỷ đồng.

Theo tính toán của ngành nông nghiệp Bắc Kạn, để đáp ứng cho hơn 100.000ha rừng trồng sản xuất, cần đầu tư xây dựng 1.655km đường lâm nghiệp. Tuy nhiên, đến năm 2021, toàn tỉnh Bắc Kạn mới đầu tư xây dựng mới được hơn 300km đường lâm nghiệp, phục vụ hơn 15.000ha rừng trồng sản xuất. Ngoài ra, còn những tuyến đường khác do một số người dân tự bỏ tiền đầu tư mở đường lâm nghiệp để phục vụ cho gia đình mình.

Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn cũng lồng ghép nguồn lực của các chương trình, dự án để mở các tuyến đường lâm nghiệp. Vì vậy, đã đã xây dựng các tuyến đường lâm nghiệp vào các thôn, bản vùng sâu, vùng xa từ nguồn vốn Chương trình 30a, 3PAD, nguồn vốn kết dư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… Tuy nhiên, việc đầu tư này mang tính manh mún, nhỏ lẻ, không đồng bộ, thiếu quy hoạch bài bản và chỉ đáp ứng được một nhỏ nhu cầu của người dân.

Từ nhu cầu thực tế này, tỉnh Bắc Kạn đã quy hoạch hệ thống đường lâm nghiệp đến 2030 xây dựng được 1.208km đường lâm nghiệp ở tất cả các huyện, thành phố, với tổng số vốn cần phải đầu tư là hơn 600 tỷ đồng.

Quy hoạch đường lâm nghiệp cũng gắn kết với mạng lưới giao thông quốc gia, từ đường tỉnh, đường huyện, đường xã và sự liên kết giữa các vùng. Không chỉ là kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, mà có nhiệm vụ chính là phục vụ việc vận chuyển vật tư nông nghiệp, các loại nông sản, kết hợp giao thông nông thôn góp tăng giá trị sản xuất của người dân tăng lên.

d495755aec03355d6c12

Đẩy nhanh tiến độ các dự án đường lâm nghiệp là việc làm cần thiết để phục vụ sản xuất của người dân Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú.

Trong năm 2022, tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành đầu tư 200 tỷ đồng xây dựng 183 tuyến đường lâm nghiệp trên địa bàn 73 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh với tổng chiều dài các tuyến là 445km. Toàn bộ hệ thống đường lâm nghiệp cơ bản sẽ được thiết kế theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại C.

Trong đó, giai đoạn 2021-2024 xây dựng hơn 374km, giai đoạn 2023-2025 tiếp tục thực hiện xây dựng hơn 70km còn lại. Đơn vị được giao thực hiện dự án là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và PTNT Bắc Kạn.

Trong quá trình triển khai xây dựng, dự án cũng đã gặp những vướng mắc liên quan tới giải phóng mặt bằng (GPMB) do ý thức của một số ít người dân chưa cao. Có tình trạng đồng ý và ký vào biên bản đồng thuận hiến đất làm đường lâm nghiệp, nhưng sau lại cản trở không cho đơn vị thi công làm và đòi phải đền bù. Những lý do rất oái oăm như: “hôm đó ký do say rượu đã đồng ý hiến đất, nay không cho nữa” hay như “ký rồi, nhưng về vợ bảo không được”…)

Có vướng mắc khác trong quá trình thi công đó là vướng đá, đơn vị thi công được động việc làm trước, chứ không đợi đến lúc được phê duyệt điều chỉnh kinh phí rồi mới làm. Song song với đó, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và PTNT Bắc Kạn phối hợp với nhà thầu để làm thủ tục bổ sung dự toán sau. Các đơn vị thi công các gói thầu cơ bản là doanh nghiệp ở địa phương, nên chia sẻ với những khó khăn của Chủ đầu tư nói riêng và với tỉnh Bắc Kạn nói chung.

1 (1)

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và PTNT Bắc Kạn đứng đầu tỷ lệ giải ngân của tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông Đinh Huy Hoàng, Phó Giám đốc Phụ trách Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và PTNT Bắc Kạn chia sẻ: "Do dự án không có các chi phí giải phóng mặt bằng nên khi gặp phải vướng mắc, chúng tôi về tận địa bàn, gặp trưởng thôn và người có uy tín đến tuyên truyền, vận động người dân, để người dân hiểu được làm đường lâm nghiệp là phục vụ cho chính họ, người có đất rừng mà đường đi qua sẽ được hưởng lợi trước tiên. Phần lớn người dân sau khi được gặp gỡ, tuyên truyền đã hiểu được chính sách hỗ trợ làm đường lâm nghiệp của Nhà nước sẽ góp phần làm tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp của gia đình nói riêng và địa phương nói chung."

Cũng theo ông Hoàng, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và PTNT Bắc Kạn mới được thành lập, được chuyển làm chủ đầu tư các dự án từ 01/05/2022, vì vậy việc triển khai các dự án trong năm tiến hành chậm hơn các đơn vị khác.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình lâm nghiệp và giải ngân tiến độ, hàng ngày yêu cầu các cán bộ theo dõi các dự án phải báo cáo tình hình thực hiện. Qua đó, lãnh đạo Ban nắm bắt sự việc, nếu vướng mắc ở đâu giải quyết ở đó, về cơ sở gặp người dân, trưởng thôn trước, sau đó mới đến chính quyền địa phương.

Để giải ngân kịp thời, đúng tiến độ dự án, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và PTNT Bắc Kạn đã chủ động phối hợp với các Sở, ngành, Kho bạc Nhà nước tỉnh Bắc Kạn để công việc được hiệu quả hơn, chứ không để bị động trong công việc.  

Nhờ những nỗ lực của tập thể Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và PTNT Bắc Kạn, các gói làm đường sản xuất lâm nghiệp đang triển khai thi công 08/08 huyện, thành phố trong tỉnh đến nay đạt tiến độ theo kế hoạch và tỷ lệ giải ngân của đơn vị này cũng đứng đầu tỉnh Bắc Kạn. Cụ thể, nguồn vốn được giao trong năm 2022 là 97 tỷ đồng, đã giải ngân 82,163 tỷ  đồng, đạt tỷ lệ 85%; dự kiến đến ngày 30/11/2022 giải ngân 88,062 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 90,8%; hết năm 2022 sẽ giải ngân đạt 100%.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.