| Hotline: 0983.970.780

Làm gì để đối phó ung thư phổi?

Chủ Nhật 19/08/2018 , 07:30 (GMT+7)

Ung thư phổi (UTP) là bệnh ác tính, thường gặp ở cả nam và nữ. Nó đang là gánh nặng cho toàn xã hội, bởi tỷ lệ tử vong đứng hàng đầu.

Vì đa phần khi có triệu chứng lâm sàng là bệnh ở giai đoạn tiến xa, không có cơ may điều trị triệt để, rất ít trường hợp UTP phát hiện ở giai đoạn sớm. Vậy làm sao phát hiện bệnh giai đoạn sớm và việc tầm soát ung thư phổi như thế nào, KTGĐ đã trò chuyện với Thầy thuốc ưu tú - BS CKII Trần Đình Thanh (Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn) để độc giả hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

14-47-32_bc_si_thnh
Thầy thuốc ưu tú - BS CKII Trần Đình Thanh - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Thưa BS, những nguyên nhân nào có thể dẫn đến UTP?

Trước tiên, khói thuốc lá là yếu tố hàng đầu (người tiếp xúc trực tiếp với khói thuốc và người hút thuốc lá thụ động), khoa học đã chứng minh, điếu thuốc lá như một nhà máy hóa học tổng hợp mà trong khói thuốc có hơn 40 chất là tác nhân sinh ung thư. Tiếp đến là hít khí radon, amiăng, không khí ô nhiễm, tiền căn xạ trị vào phổi (tia X). Và gần đây, người ta cho rằng, UTP có tính di truyền, tức là trong gia đình có người từng bị UTP thì những người còn lại đều có nguy cơ mắc bệnh.

Những người nào có nguy cơ bị UTP thưa BS?

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, đối với những người từ 50 tuổi trở lên, không hút thuốc hoặc hút thuốc ít, hoặc từng hút thuốc nhưng đã ngưng trên 15 năm thì có nguy cơ trung bình. Còn đối với những người từ 50 tuổi, hút thuốc trung bình 30 gói/năm (PA=30; PA: số gói thuốc hút trong 1 ngày nhân với số năm hút thuốc) nghĩa là hút 1 gói/ ngày trong vòng 30 năm hoặc 2 gói/ngày trong vòng 15 năm đều có nguy cơ mắc UTP cao.

Những dấu hiệu nào để nhận biết bị UTP?

Những dấu hiệu thường gặp như ho khan, dai dẳng, ho ra máu, đau ngực… (là những dấu hiệu cũng phổ biến trong bệnh đường hô hấp); hơn 70% trường hợp UTP có ho kèm một số triệu chứng khác như khó thở, ho ra máu, viêm phổi tái diễn nhiều lần, đau ngực. Đôi khi bệnh nhân bị khàn tiếng, do khối bướu xâm lấn trực tiếp dây thần kinh quặt ngược (là dây thần kinh điều khiển dây thanh âm) hay do các hạch bạch huyết ở trung thất bị di căn xâm lấn và làm liệt dây thanh âm.

Những bệnh nhân có bướu ở đỉnh phổi xâm lấn thành ngực và đám rối thần kinh cánh tay khiến bệnh nhân có biểu hiện đau cánh tay, đau vai kèm dị cảm da, lâu ngày gây xệ vai. Một số bệnh nhân có u đỉnh phổi xâm lấn hệ thần kinh giao cảm, gây sụp mi, đồng tử co lại, lõm mắt và không bài tiết mồ hôi ở phía mặt cùng bên tổn thương.

Bên cạnh đó sụt cân cũng là một dấu hiệu thường gặp, kết hợp với các triệu chứng khác khi bệnh tiến xa.

Những bệnh nhân UTP giai đoạn trễ (bệnh tiến xa) thường có biểu hiện khó thở do bướu lớn chèn ép, hoặc có biểu hiện tràn dịch, tràn khí màng phổi. Hay kèm khàn tiếng và có hạch ở vùng cổ. Một số bệnh nhân có biểu hiện di căn não, gây yếu liệt tay, chân hay gây co giật. Đôi khi bệnh nhân bị phù mặt và 2 tay do bướu chèn ép tĩnh mạch trung tâm trong lồng ngực mà thầy thuốc hay gọi là phù áo khoác.

UTP có thể phát hiện sớm được không?

Các bệnh nhân UTP ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng gì. Để phát hiện bệnh sớm thì cần phải tầm soát những người có nguy cơ bị UTP khi chưa có triệu chứng gì. Hiện nay, các nhóm có nguy cơ UTP đã được xác định, các phương tiện tầm soát UTP cũng có sẵn, do vậy việc phát hiện bệnh sớm là khả thi.

14-47-32_hinh_2_-_utp
Khói thuốc & bệnh ung thư phổi

Làm gì để tầm soát UTP?

Có 3 loại cận lâm sàng thường thực hiện để tầm soát UTP là chụp X-quang phổi, xét nghiệm tìm tế bào ung thư từ chất đờm, chụp cắt lớp điện toán ngực liều thấp (CT scan). Tuy nhiên, việc tầm soát hữu hiệu nhất là chụp cắt lớp điện toán với liều thấp. Việc tầm soát UTP chỉ nhằm vào các đối tượng có nguy cơ. Bên cạnh những thuận lợi từ việc tầm soát và phát hiện sớm UTP để tăng khả năng điều trị khỏi, giảm nguy cơ tử vong, thì việc chụp X-quang cũng làm tăng nguy cơ phơi nhiễm chất phóng xạ, có khả năng dẫn đến ung thư. Chính vì vậy, người có nguy cơ cao nên chụp CT ngực liều thấp mỗi năm 1 lần, người có nguy cơ trung bình thì chụp CT ngực liều thấp 2 năm 1 lần.

Làm gì để phòng ngừa UTP?

Tỷ lệ mắc UTP ở người hút thuốc lá cao gấp 10 lần so với những người không hút, do đó, việc đầu tiên là bỏ thuốc lá, tránh hút thuốc chủ động, cũng như tránh xa những làn khói thuốc xung quanh. Tập thể dục thường xuyên có thể hữu ích trong phòng ngừa UTP, ngay cả những hoạt động đơn giản như làm vườn, đi bộ,… Nên ăn bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả tươi, các loại rau nhiều màu sắc như súp lơ, rau chân vịt, táo, cà chua, cam,… những thực phẩm này không chỉ phòng bệnh hiệu quả mà còn rất tốt cho những bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường,… Đối với những công nhân làm việc trong môi trường có nguy cơ rò rỉ hóa chất, cần phải áp dụng các biện pháp bảo hộ hiệu quả, tránh hoặc giảm tối thiểu việc tiếp xúc với những yếu tố độc hại gây ung thư.

Xin cảm ơn bác sĩ!

(Kiến thức gia đình số 33)

Xem thêm
Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

8 lợi ích sức khỏe tuyệt vời của quả xoài

Xoài là loại cây quen thuộc với người Việt, thường được trồng làm bóng mát trong gia đình và khu dân cư. Quả xoài được yêu thích bởi hương thơm và vị ngọt đặc trưng.