| Hotline: 0983.970.780

Làm gì để ngăn chặn buôn lậu heo qua biên giới?

Thứ Tư 16/08/2023 , 10:43 (GMT+7)

LONG AN Ông Phạm Đức Chinh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Long An, Thường trực Ban Chỉ đạo 389 trao đổi công tác kiểm tra, đấu tranh ngăn chặn heo nhập lậu qua biên giới.

Ông Phạm Đức Chinh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Long An, Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Phạm Đức Chinh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Long An, Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thưa ông, thời gian qua tình trạng nhập lậu heo từ biên giới nước bạn Campuchia vào địa bàn tỉnh Long An diễn ra như thế nào?

Theo báo cáo từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, tình hình hoạt động nhập lậu heo qua biên giới của tỉnh có thời điểm vẫn còn xảy ra và chủ yếu nổi lên trên đoạn biên giới thuộc địa bàn xã Hưng Điền của huyện Tân Hưng, số lượng heo nhập lậu nhỏ lẻ (từ 3-5 con), không thường xuyên. Các đoạn biên giới khác không xảy ra tình trạng nhập lậu heo.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động là các đối tượng lợi dụng đêm tối, địa hình thuận lợi, đoạn sông Cái Cỏ hẹp, có thể qua lại bằng xuồng, ghe bất kỳ khu vực nào và lợi dụng các khu vực vắng người qua lại. Từ đó, họ có điều kiện móc nối với phía Campuchia và thuê mướn cư dân biên giới, chia nhỏ heo lậu thành từng tốp 3-5 con để vận chuyển qua sông biên giới đưa về điểm tập kết, hợp thức hóa giấy tờ thành heo trong nước. Sau đó các đối tượng buôn lậu nhanh chóng sử dụng xe ô tô vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Quá trình vận chuyển đối tượng tổ chức cảnh giới chặt chẽ, nhằm tránh bị phát hiện bắt giữ.

Tính từ tháng 5 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh và các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh ngăn chặn nên tình hình nhập lậu heo qua địa bàn huyện Tân Hưng đã từng bước kéo giảm và đến đầu tháng 8 hoạt động này không còn xảy ra trên địa bàn.

Qua điều tra của ngành chức năng, hiện nay trên địa bàn huyện Tân Hưng có 2 cơ sở thu gom heo (1 điểm có trụ sở trên địa bàn xã Hưng Điền và 1 điểm có trụ sở trên địa bàn xã Hưng Thạnh). Hai điểm thu gom heo này cách biên giới Campuchia từ 3-20 km.

Hai điểm thu gom trên có tổng số 17 ô chuồng, công suất mỗi ô chuồng nuôi nhốt khoảng 70 con heo. Số lượng heo thu gom và xuất bán từ đầu năm 2023 đến thời điểm 12/7/2023 như sau: Cơ sở thu gom heo củ hộ ông Nguyễn Văn Cưỡng, số lượng nhập vào cơ sở 4.175 con, xuất bán cho các tỉnh 2.758 con, tiêu thụ trong tỉnh 1.408 con  và cơ sở thu gom heo của ông Trang Thái Hồ số lượng nhập vào 1.953 con, xuất bán cho các tỉnh khác là 1.811, tiêu thụ trong tỉnh chỉ có 133 con.

Qua thống kê, có thể nói, hai cơ sở thu gom heo nêu trên, nhập heo từ các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh (không có nguồn heo trong tỉnh).

Còn heo tại cơ sở thu gom một phần xuất bán cho thương lái vận chuyển đến các cơ sở giết mổ tại các huyện Tân Hưng, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng… phần còn lại cơ sở đăng ký kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh để vận chuyển heo sang các tỉnh khác tiêu thụ như: An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang... vị trí cơ sở thu gom xây dựng gần biên giới và có tuyến đường đi tắt qua huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) đến tỉnh An Giang khoảng 35-50km, qua Cai Lậy (Tiền Giang) khoảng 70-80km.

Lực lượng chức năng tỉnh Long An bắt giữ heo nhập lậu qua biên giới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Lực lượng chức năng tỉnh Long An bắt giữ heo nhập lậu qua biên giới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vậy Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An cùng các huyện biên giới, tập trung lực lượng, xử lý nghiêm dứt điểm tình trạng nhập lậu heo qua biên giới ra sao, thưa ông?

Thực hiện văn bản chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, văn bản đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 ban hành văn bản số 75/BCĐ-QLTT, ngày 25/7/2023, đề nghị các lực lượng Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 389 các huyện biên giới, tập trung lực lượng, xử lý nghiêm dứt điểm tình trạng nhập lậu heo qua biên giới.

Về kết quả bắt giữ, xử lý heo nhập lậu trái phép, từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng Biên phòng, Công an phát hiện, bắt giữ 5 vụ nhập lậu trâu, bò, heo. Thu giữ tiêu hủy 68 con heo, 26 con bò, xử phạt vi phạm hành chính 4 đối tượng với số tiền 27 triệu đồng, khởi tố 3 bị can.

Trong đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ xử lý 3 vụ/3 đối tượng, vận chuyển heo qua biên giới, tang vật thu giữ gồm 23 con heo, 5 con bò. Xử phạt vi phạm hành chính 3 đối tượng với số tiền 19 triệu đồng.

Đối với lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ 2 vụ nhập lậu trâu bò, heo, thu giữ tiêu hủy 45 con heo, 21 con bò, xử phạt vi phạm hành chính một đối tượng với số tiền 8 triệu đồng, khởi tố 3 bị can. Phối hợp lực lượng Biên phòng (Đồn Biên phòng Sông Trăng), bắt giữ 2 vụ, thu giữ 15 con heo, 5 con bò.

Các vụ việc cụ thể như sau: Vụ 1, ngày 22/12/2022 Phòng PC05 phối hợp đồn biên phòng Sông Trăng bắt 15 con heo, đối tượng bỏ chạy sang Campuchia không bắt được, đã tiêu hủy 15 con heo. Vụ 2, ngày 24/2/2023 Công an Vĩnh Hưng bắt 45 con heo, khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can, tiêu hủy 45 con heo. Vụ 3, ngày 25/4/2023 Phòng PC05 phối hợp đồn biên phòng Sông Trăng bắt 5 con bò, xử phạt hành chính 1 đối tượng 8 triệu đồng, tiêu hủy 5 con bò. Vụ 4, ngày 11/7/2023 Công an huyện Vĩnh Hưng bắt 21 con bò cùng 2 đối tượng đã bàn giao công an huyện Tân Hưng thụ lý theo thẩm quyền.

Ngoài ra, lực lượng Công an kiểm tra, phát hiện, xử lý 2 cá nhân (hộ kinh doanh) hoạt động giết mổ gia súc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường, đổ chất thải không đúng quy định. Đã tham mưu UBND tỉnh xử phạt 1 trường hợp với số tiền là 356,5 triệu đồng (1 trường hợp đang hoàn chỉnh hồ sơ tham mưu cấp có thẩm quyền xử phạt theo quy định).

Heo nhập lậu trái phép từ biên giới Campuchia vào địa bàn Long An được ngành chức năng bắt giữ mang đi tiêu hủy. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Heo nhập lậu trái phép từ biên giới Campuchia vào địa bàn Long An được ngành chức năng bắt giữ mang đi tiêu hủy. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia trên địa bàn tỉnh Long An có chiều dài khoảng 135km, vậy vấn đề phòng chống buôn lậu, nhất là heo có gặp những khó khăn gì?

Đoạn biên giới thuộc xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng dài, địa bàn rộng, sông biên giới hẹp (khoảng 10m), dân cư thưa thớt, hẻo lánh, ít người qua lại, lực lượng làm nhiệm vụ mỏng và là khu vực tiếp giáp với huyện Tân Hồng (Đồng Tháp). Do đó, thuận lợi cho các đối tượng hoạt động và ít nhiều gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ và điều động lực lượng chi viện bắt giữ các đối tượng nhập lậu heo qua biên giới. 

Các đối tượng lợi dụng chính sách phát triển chăn nuôi để hợp thức hóa các loại giấy tờ từ heo nhập lậu thành heo nội địa do đó quá trình kiểm tra, bắt giữ, xử lý gặp không ít khó khăn.

Đối với công tác quản lý các cơ sở thu gom, trạm chăn nuôi, thú y huyện xác định số lượng, nguồn gốc heo đầu vào trên cơ sở hồ sơ được tiếp nhận tại các cơ sở thu gom theo quy định (có giấy Chứng nhận Kiểm dịch ngoài tỉnh), khó phát hiện các trưởng hợp trà trộn, gian lận nếu cơ sở cố tình sai phạm. Việc vận chuyển để tiêu thụ heo trong địa bàn tỉnh theo quy định hiện nay không khai báo và thực hiện kiểm dịch, đây cũng là kẻ hở cho thương lái lợi dụng việc vận chuyển heo lậu.

Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia trên địa bàn tỉnh Long An có chiều dài khoảng 135km, nhiều khu vực có địa hình đất liền đất, rất nhiều đường mòn, lối mở thuận lợi cho các đối tượng lợi dụng hoạt động chăn thả gia súc tự do của người dân trên khu vực biên giới để nhập lậu trâu bò, gây khó khăn cho việc chứng minh hoạt động nhập lậu để xử lý theo quy định pháp luật.

Bộ đội Biên phòng Sông Trăng ở huyện Tân Hưng tăng cường siết chặt tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép heo và các loại gia súc, sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bộ đội Biên phòng Sông Trăng ở huyện Tân Hưng tăng cường siết chặt tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép heo và các loại gia súc, sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông có những kiến nghị gì đối với lãnh đạo cấp trên?

Thường trực Ban Chỉ đạo 389 kiến nghị UBND tỉnh Long An chỉ đạo UBND các huyện biên giới, tập trung lực lượng kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép heo và các loại gia súc, sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới. Cần có con số thống kê đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn, đặc biệt là địa bàn các xã có chung đường biên giới với Campuchia để kịp thời phát hiện sự biến động, tăng số lượng đột biến của đàn gia súc, gia cầm.

Chỉ đạo lực lượng Biên phòng, tăng cường tuần tra, kiểm soát các đường mòn, lối mở khu vực biên giới; tập trung lực lượng xử lý dứt điểm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT.

Chỉ đạo lực lượng Công an, xác lập chuyên án, đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu trâu, bò, heo để hợp thức hóa vào các điểm thu gom trên tuyến biên giới hoặc hợp thức hóa vào các đàn gia súc của người dân chặn nuôi hai bên biên giới.

Chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp các địa phương, thống kê số lượng đàn gia súc, gia cầm trên địa bản tỉnh, đặc biệt là số lượng đàn gia súc trên địa bàn các huyện biên giới, số tổ chức, cá nhân được phép nhập khẩu heo, các điểm cách ly tập trung lợn nhập khẩu... chia sẻ, thông tin với các lực lượng chức năng, để có giải pháp kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc đàn gia súc nếu có dấu hiệu vi phạm.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Chuyện của Madam Hương Coffee và cà phê đặc sản dưới tán rừng

QUẢNG TRỊ Cây cà phê từng khiến chị rơi vào cảnh trắng tay. Nhưng cũng nhờ trồng và chế biến cà phê đặc sản dưới tán rừng, chị đã tìm lại chính mình.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.