Gia đình ông Nguyễn Văn Lỏng xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), được xem là điển hình của việc giảm nghèo vươn lên khá giả ở vùng miền núi.
Trước đây, gia đình ông thuộc diện nghèo khó của địa phương. Thu nhập thấp lại đông con, nên cuộc sống còn thiếu thốn đủ bề. Để phát triển kinh tế gia đình, hai vợ chồng ông bàn với nhau phải khai hoang đất đồi để xây dựng trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt.
Những ngày đầu lập nghiệp với bao khó khăn, vất vả trên vùng đất đồi hoang vu, nhưng vợ chồng ông Lỏng vẫn không nản chí. Với đồng vốn ít ỏi không đủ để thuê nhân công nên ngày này qua tháng khác, hai vợ chồng ông cần mẫn cuốc đất khai hoang để trồng các loại cây ăn quả, như chanh, chuối, đu đủ…Dần dần, thu nhập từ các loại rau, quả đã cho gia đình ông có đồng tiền mua gạo, mua thức ăn hàng ngày.
Khi cuộc sống không còn thiếu ăn, gia đình ông bắt tay vào trồng rừng. Những vạt rừng keo, tràm đầu tiên bén rễ trên vùng đồi. “Xác định trồng keo sẽ mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình, vì vậy tôi dồn hết công sức và tâm huyết vào đó”, ông Lỏng nhớ lại.
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ban đầu ông trồng một vài ha keo để ổn định cuộc sống. Thời gian sau đó, thấy được hiệu quả từ mô hình này, ông đã quyết định vay thêm vốn để mở rộng quy mô trồng rừng.
Lúc đầu chỉ với vài ha, nhưng đến nay gia đình ông Lỏng đã trồng được 20 ha keo tràm. Thu nhập từ rừng trồng mỗi năm cho gia đình hơn 100 triệu đồng.
Dưới bàn tay của người lính chịu thương, chịu khó, mảnh đất khô cằn, sỏi đá đã được phủ xanh bởi hàng trăm gốc cam, chanh, thanh long…
“Mùa nào thức nấy, hầu như quanh năm, lúc nào gia đình tôi cũng có trái cây để bán. Trong hơn 1 ha đất, tôi trồng đan xen các loại cây, như vải, nhãn, dâu tằm, mãng cầu… Nhưng với số lượng nhiều và đem lại thu nhập ổn định nhất vẫn là cây cam, bưởi và thanh long”- ông Lỏng chia sẻ.
Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, ông Lỏng dành nhiều thời gian đi học hỏi thực tế tại các mô hình trong và ngoài tỉnh, nghiên cứu thêm sách báo để thử sức với những loại cây trồng, vật nuôi mới. Hiện tại, ông đang trồng thử nghiệm cây dứa mật trong vườn xen lẫn các loại cây ăn quả khác.
Không chỉ tập trung vào trồng trọt, ông Lỏng và vợ còn tích cực học hỏi kỹ thuật để phát triển mô hình chăn nuôi lợn. Ban đầu, ông chỉ nuôi thử nghiệm một vài con lợn nái để bán giống cho người dân trên địa bàn. Nhưng sau nhận thấy hiệu quả, ông đã mở rộng quy mô chuồng trại nuôi hơn chục con lợn nái.
Cùng với nuôi lợn, gia đình ông còn nuôi đàn gà, ngan, vịt và đàn bò. Từ hai bàn tay trắng nhưng với sự nỗ lực không ngừng, ông Lỏng đã thành công trong chăn nuôi, trồng trọt, làm giàu trên vùng đất khó. Mỗi năm, gia đình ông có thu nhập trên 200 triệu đồng.
Khi được hỏi về kinh nghiệm phát triển kinh tế để vượt lên nghèo đói, vươn lên làm giàu, ông Lỏng cho hay, ngoài sự cần cù, chịu khó thì người nông dân cần phải đổi mới tư duy, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi, đưa những giống cây mới vào sản xuất.
“Yếu tố quan trọng nữa là phải biết áp dụng đúng khoa học kỹ thuật thì mới đem lại hiệu quả kinh tế cao", ông Lỏng nói.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Trường Xuân, ông Lỏng còn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện từng gia đình. Đồng thời, ông còn chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ các hội viên cùng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Ông Lỏng tâm sự: “Trước đây, khi gia đình mình gặp cảnh khốn khó thì cũng có nhiều người giúp đỡ. Nay kinh tế đã khá vững vàng thì mình phải tạo điều kiện cho những người đang khó khăn cùng vươn lên. Mong cho ai cũng thoát nghèo, ổn định cuộc sống lâu dài”.