Giai đoạn ủ rơm |
Tại đây, đã hình thành chợ rơm Bông Súng, Tân Hòa. Nhiều địa phương như xã Định Hòa, Tân Hòa, Tân Thành, Vĩnh Thới… là những nơi có diện tích trồng nhiều nhất, đặc biệt là từ năm 1980 đến nay.
Hiện nay có hai loại mô hình chất nấm rơm: Mô hình chất nấm ngoài trời và mô hình chất nấm trong nhà. Mỗi mô hình đều có ưu điểm riêng. Gần đây nhiều người thích chọn mô hình chất trong nhà nhằm chủ động đối phó với thời tiết, khí hậu diễn ra bất thường.
Riêng tại ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, đa số bà con lại chọn mô hình truyền thống chất nấm ngoài trời vì nơi đây diện tích mặt bằng rộng, gần bờ sông, dễ vận chuyển rơm nguyên liệu.
Anh Nguyễn Văn Đạt, 47 tuổi, người trồng nấm rơm lâu năm nhất ở đây cho biết, ấp Tân Thuận có gần 70% hộ dân trồng nấm rơm và tham gia các công đoạn trồng. Hộ ít nhất trồng một ghe rơm, hộ nhiều nhất là 5 ghe. Thường một ghe rơm nguyên liệu mua với giá từ 20 - 25 triệu đồng (tùy thời điểm).
Chất nấm rơm ngoài trời |
Rơm sau khi mua về đem ủ độ 20 ngày sau đó mới chất thành giồng. Công đoạn chất nấm là công đoạn quan trọng nhất, đòi hỏi người chất (làm giồng, rải meo) phải đúng kỹ thuật. Nếu meo không chất lượng hoặc thời tiết bất lợi sẽ ảnh hưởng đến năng suất.
Thường sau 10 - 12 ngày kể từ khi chất rơm sẽ bắt đầu thu hoạch nấm và thu hoạch liên tục từ 10 - 15 ngày mới chấm dứt. Thu hoạch xong, sẽ bắt đầu chất lại đóng mới, cứ thế mà xoay vòng, hết ghe nầy đến ghe khác.
Anh Đạt thường xuyên chất từ 3 - 4 ghe rơm, mỗi tháng sau khi trừ hết các chi phí còn lời trên 20 triệu đồng. Nếu chất nhiều hơn tiền lời sẽ tăng lên. Tuy nhiên, nếu nguồn rơm nguyên liệu không tốt, meo thiếu chất lượng hoặc gặp lúc thời tiết bất lợi như mưa bão, năng suất có thể thấp hơn thậm chí bị thất thu.
Công đoạn lên giồng, rải meo |
Công việc chất nấm rơm tuy đơn giản nhưng đòi hỏi phải mất nhiều công sức. Từ khâu bốc vác đến ủ rơm, đảo rơm, chất nấm, rải meo, tưới nước, nhổ nấm cho đến tiêu thụ cần 10 - 15 lao động thường xuyên. Công lao đông hiện nay là 200.000 đồng/ngày đối với thanh niên và 150.000 đồng/ngày đối với phụ nữ.
Trồng nấm rơm là một mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất hộ gia đình, ít vốn, nguyên liệu dễ tìm, có thể trồng ngoài trời, dưới tán cây, vườn nhà, miễn đủ ánh sáng và thông thoáng là được. Nấm rơm hiện được coi là mặt hàng mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể, giúp cho nhiều gia đình vươn lên khá giả.
Người trồng nấm rơm luôn thu nhập ổn định, giá một ký nấm tươi thường dao động từ 33.000 - 35.000 đồng. Anh Út Bảy, một thương lái chuyên thu gom nấm giao cho các cửa hàng cho biết mỗi ngày anh đến tận nơi thu mua từ 500kg đến 1 tấn nấm nhưng không đủ hàng. Do nhu cầu tiêu thụ trong nước và chế biến xuất khẩu tăng mạnh nên nguồn nấm không đủ cung cho thị trường.
Thu hoạch nấm rơm |
Điều khiến bà con tự tin và phấn khởi nữa là Trung tâm Khuyến nông Đồng Tháp phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Lai Vung tổ chức hội thảo “Các giải pháp nâng cao năng suất và tiêu thụ nấm rơm” giúp cho người dân ngày càng yên tâm, không lo đầu ra. |