| Hotline: 0983.970.780

Lâm nghiệp Nghệ An tiếp đà bay cao

Thứ Năm 25/11/2021 , 08:45 (GMT+7)

Nhờ sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ngành, sự nhập cuộc các thế hệ người làm lâm nghiệp, ngành lâm nghiệp Nghệ An vẫn phát triển không ngừng giữa muôn vàn thách thức.

Đảm bảo hài hoà giữa bảo tồn và phát triển bền vững

Chiếm gần ¾ tổng diện tích tự nhiên, Nghệ An là tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước. Xác định “vốn quý trời ban” đóng vai trò to lớn trong đời sống xã hội nên cấp ủy, chính quyền và ngành lâm nghiệp tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để các chủ trương lớn về nghề rừng thực sự hòa vào nhịp sống.

Tài nguyên rừng Nghệ An đang là nguồn cung cấp nguyên liệu dồi dào cho các ngành sản xuất hàng hoá các loại và là nguồn cung ứng các Dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) rất tiềm năng trên địa bàn. Nghề rừng cũng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời góp phần quan trọng cho công cuộc xoá đói giảm nghèo, ổn định xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Không chỉ lớn về quy mô, tài nguyên rừng Nghệ An còn cho thấy đặc tính phong phú và đa dạng sinh học cao. Nổi bật là Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An lớn nhất khu vực Đông Nam Á được UNESSCO công nhận, là nơi lưu giữ nhiều tài nguyên đa dạng sinh học quý giá và nhiều di tích lịch sử, phong tục, tập quán, ngành nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực… mang đậm nét văn hoá đặc trưng vùng miền.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Việt Khánh.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Việt Khánh.

Thời gian qua, ngành lâm nghiệp Nghệ An đã đạt nhiều kết quả thông qua các thành tựu quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Qua rà soát thực độ che phủ rừng ngày càng tăng, khả năng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ môi trường được cải thiện; tài nguyên rừng trực tiếp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc miền núi, người làm nghề rừng. Những yếu tố trên giúp cơ cấu kinh tế nội ngành có bước chuyển dịch tích cực, từng bước hình thành các vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ lâm sản.

Biết tận dụng lợi thế về tài nguyên, nắm bắt cơ hội hội nhập, chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình đã tạo lập cho lâm nghiệp Nghệ An bệ phóng vững chắc, qua đó có được bước đột phá quan trọng. Điều này được thể hiện rõ trong năm 2021 - năm đầu tiên của kế hoạch quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2025, dẫu đối diện với nhiều thách thức nhưng các chỉ tiêu vẫn cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Thực hiện các chỉ tiêu UBND tỉnh giao, năm 2021 ngành lâm nghiệp địa phương đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: Bảo vệ tốt diện tích 964.474ha/964.660ha rừng hiện có, đạt 99,98% KH; trồng được 17.259 ha/18.000 ha KH, đạt 95,89% KH; chăm sóc rừng 54.000 ha/54.000 ha, đạt 100% KH; khoanh nuôi rừng 76.000/76.000 ha, đạt 100% KH; khai thác 2.587,77 tấn nhựa thông, 10.267 m3 cây phân tán; nguồn thu DVMTR đến nay đã vượt kế hoạch năm, đạt 121 tỷ đồng, tương ứng với 105% KH.

Giữa muôn trùng khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, những thành quả có được là minh chứng cho sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành lâm nghiệp. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời đại mới, vừa đóng góp tương xứng với tiềm năng lại hoàn thành mục tiêu phát triển KT-XH, hội nhập đầy đủ theo xu thế quản trị rừng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, nhất thiết Nghệ An cần tiếp tục phát triển theo hướng đảm bảo hài hoà giữa bảo tồn và phát triển rừng bền vững, phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia và đặc điểm 3 vùng sinh đặc thù thái của tỉnh.

Định hướng phát triển 3 vùng sinh thái đặc thù sẽ mở ra cơ hội lớn cho lâm nghiệp Nghệ An: Ảnh: VK.

Định hướng phát triển 3 vùng sinh thái đặc thù sẽ mở ra cơ hội lớn cho lâm nghiệp Nghệ An: Ảnh: VK.

Mỗi vùng có ưu thế riêng, nếu khai phá tốt sẽ tạo nên thế kiềng ba chân vững chắc trong quá trình phát triển bền vững. Để cụ thể hóa mục tiêu, thay vì đầu tư dàn trải lâm nghiệp Nghệ An cần phân vùng chi tiết, xác định các hoạt động trọng tâm từng vùng để xắn tay vào việc. Đối với vùng núi cao, phải ưu tiên bảo vệ tốt diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn; bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng cung cấp DVMTR, du lịch cộng đồng và cung cấp các sản phẩm bản địa đặc hữu, đảm bảo an dân gắn với an ninh vùng biên giới.

Vùng trung du - núi thấp là trọng tâm, trọng điểm để phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng cung cấp hàng hóa, hình thành các sản phẩm chủ lực như ván sợi, than sinh học, gỗ ghép thanh và các sản phẩm đồ gỗ gia dụng nhằm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường. Vùng đồng bằng - ven biển cần tập trung công tác bảo vệ rừng cảnh quan, đảm bảo an ninh môi trường cho phát triển đô thị gắn với du lịch tâm linh và văn hóa lịch sử.

Lâm nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến và thương mại lâm sản

Những năm gần đây công nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An phát triển một cách mạnh mẽ nhờ sự nhập cuộc của nhiều doanh nghiệp có uy tín. Ngoài ra, phải kể đến hàng ngàn cơ sở chế biến vừa và nhỏ, các làng nghề thủ công Mỹ nghệ, Công ty TNHH phân bố trên khắp 21 huyện, thị.

Tuy nhiên, để đưa công nghiệp chế biến lâm sản phát triển một cách đồng bộ nhằm tạo ra các sản phẩm có đủ sức cạnh tranh trên thị trường cần từng bước hiện đại hoá máy móc, giảm các khâu trung gian và tạo vùng nguyên liệu tập trung. Mặt khác, tỉnh cần hình thành cụm công nghiệp chế biến lâm sản có diện tích tập trung đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư; hình thành chợ đầu mối về nguyên liệu gỗ theo chức năng chợ xuất nhập khẩu gỗ hoặc sàn giao dịch gỗ nhằm cung ứng dồi dào nguyên liệu đầu vào.

Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là kết tinh cho quá trình nỗ lực không ngơi nghỉ của tỉnh Nghệ An. Ảnh: VK.

Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là kết tinh cho quá trình nỗ lực không ngơi nghỉ của tỉnh Nghệ An. Ảnh: VK.

Quyết tâm lớn của tỉnh Nghệ An thể hiện bằng việc xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây được kỳ vọng là bệ phóng phát huy hết những thế mạnh của tỉnh cũng như toàn vùng Bắc Trung Bộ để phát triển bền vững và tái cơ cấu lại ngành lâm nghiệp, hứa hẹn đưa hoạt động sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp công nghệ cao, trồng rừng cao sản, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ thành ngành kinh tế động lực trong sản xuất và xuất khẩu của vùng.

DVMTR lan tỏa mạnh mẽ thúc đẩy xã hội hóa nghề rừng

Tổng quan trong bức tranh lâm nghiệp Nghệ An, chính sách chi trả Dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là mảng màu khá tươi sáng. Theo dõi xuyên suốt quá trình hơn 10 năm, thấy rằng thành quả hôm nay không đến một cách ngẫu nhiên.

Ngày 16/11/2011 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An được thành lập, làm cơ quan điều phối triển khai thực hiện chính sách về chi trả DVMTR. Chủ trương lớn có tính thực tiễn cao tức thì hòa vào nhịp sống, là tiền đề làm thay đổi nhận thức cho cả 3 bên: Cơ quan quản lý, bên sử dụng và bên cung ứng DVMTR, góp phần quan trọng giảm thiểu gánh nặng cho ngân sách Nhà nước đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Người dân miền tây xứ Nghệ hưởng lợi lớn từ chính sách chi trả DVMTR. Ảnh: Việt Khánh.

Người dân miền tây xứ Nghệ hưởng lợi lớn từ chính sách chi trả DVMTR. Ảnh: Việt Khánh.

Nhiều chuyên gia có chung nhận định, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR 10 năm qua tại Nghệ An đã từng bước nâng cao nhận thức người dân, chủ rừng, chính quyền địa phương. Hiểu rõ lợi ích từ thực tiễn bảo vệ rừng gắn với cung ứng DVMTR, nay đồng bào vùng cao xứ Nghệ đã nêu cao ý thức giữ rừng, coi đó là tài sản quý của gia đình, của cộng đồng thôn/bản. Người dân có rừng coi cán bộ lâm nghiệp là những người bạn, là lực lượng hỗ trợ đáng tin cậy để cùng giữ gìn vốn quý. Sâu xa hơn, chính sách đã tạo động lực lan tỏa, hình thành mối quan hệ kinh tế, gắn kết chặt chẽ bên cung ứng với bên sử dụng, cùng hưởng lợi từ DVMTR.

Tài nguyên rừng quý giá hơn vàng nhưng công tác bảo vệ và phát triển cũng lắm gian truân, nhất là với một tỉnh lắm nguyên rừng nhưng lại thiếu ngân sách triển khai như Nghệ An. Dẫu khó nhưng với tiềm năng, lợi thế lớn về tài nguyên, nhân lực, kết hợp với quyết tâm của chính quyền và sự hưởng ứng của người dân, tin rằng ngành lâm nghiệp Nghệ An sẽ tiếp đà bay cao.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.