| Hotline: 0983.970.780

Làm sao giảm chi phí đầu vào trong sản xuất lúa

Thứ Bảy 19/11/2022 , 08:43 (GMT+7)

Phú Yên Hiện nay sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Phú Yên chưa thực sự hiệu quả, bởi chi phí đầu tư đầu vào tăng cao, vậy làm sao để nông dân sản xuất có lãi

Giảm mật độ gieo sạ

Chiều 18/11, Sở NN-PTNT Phú Yên tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất trồng trọt năm 2022 và triển khai vụ đông xuân 2022-2023.

Nông dân cần sử dụng giống lúa xác nhận gieo sạ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất để giảm chi phí đầu vào. Ảnh: KS.

Nông dân cần sử dụng giống lúa xác nhận gieo sạ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất để giảm chi phí đầu vào. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, năm nay lĩnh vực sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh giá phân bón, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao thì còn ảnh hưởng thời tiết cực đoan gây mưa dông, gió lớn đúng thời điểm lúa đang làm đòng, trỗ đến chuẩn bị thu hoạch. Điều này đã khiến nhiều diện tích lúa đông xuân 2021-2022 ở các cánh đồng lớn tại các huyện Tây Hòa, Phú Hòa, TX Đông Hòa bị đổ ngã, ngập úng, ảnh hưởng đến năng suất và được đánh giá cho năng suất thấp nhất trong những năm gần đây.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Phú Yên, vụ đông xuân 2021-2022, toàn tỉnh gieo sạ đạt 26.746 ha (tăng 0,5% so với năm 2021); năng suất 65,1 tạ/ha (giảm 16,4% so với năm 2021); sản lượng 174.167 tấn, giảm 15,9% so với năm 2021. Còn vụ hè thu 2022 gieo sạ đạt 24.933 ha; năng suất 69,3 tạ/ha, tăng 1,6% so với năm 2021; sản lượng 172.860 tấn.

Tỉnh Phú Yên sử dụng giống lúa xác nhận để sản xuất chưa đạt kỳ vọng đề ra. Ảnh: HH.

Tỉnh Phú Yên sử dụng giống lúa xác nhận để sản xuất chưa đạt kỳ vọng đề ra. Ảnh: HH.

Bên cạnh đó, năm 2022, bà con dùng giống lúa từ xác nhận trở lên để gieo sạ đạt gần 72%, tương đương gần 37.000 ha. Còn đối với diện tích giảm lượng giống gieo sạ đạt 51,7%, trong đó diện tích  gieo sạ từ 100 kg trở xuống chỉ chiếm 13,7%. Do đó ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên cho rằng, chưa đạt theo kỳ vọng.

Giải pháp giảm chi phí đầu vào

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, tỉnh có 3 cây trồng chủ lực gồm lúa, mía, sắn. Đối với những cây trồng này, nông dân không thể làm giàu được. Tuy nhiên nếu nông dân không sản xuất thì trồng cây gì. Còn nếu trồng, ngành chức năng cần triển khai các giải pháp làm sao giúp nông dân giảm chi phí đầu vào. Do đó, tại hội nghị này ông mong muốn thảo luận, đưa ra các giải pháp để giúp bà con nông dân.

Công ty TNHH ThaiBinh Seed –Miền Trung-Tây Nguyên đưa giống lúa chất lượng cao trên đồng đất tỉnh Phú Yên. Ảnh: HH.

Công ty TNHH ThaiBinh Seed –Miền Trung-Tây Nguyên đưa giống lúa chất lượng cao trên đồng đất tỉnh Phú Yên. Ảnh: HH.

Tại hội nghị, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, cho biết, để giảm chi phí đầu vào trong sản xuất lúa, việc áp dụng Drone (máy bay không người lái) là rất cần thiết. Bởi khi áp dụng Drone sẽ giải quyết bài toán thiếu hụt lao động, giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất và bảo vệ sức khỏe của nông dân…

Tại Phú Yên từ vụ Đông Xuân 2020-2021, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã triển khai Drone trên cây lúa trên địa bàn tỉnh này. Cho đến nay toàn tỉnh có gần 500 ha áp dụng và kế hoạch trong năm 2023, Cty phấn đấu đưa 1.000 ha lúa áp dụng phun Drone.

Còn ông Triệu Tấn Phú, Giám đốc Công ty TNHH ThaiBinh Seed –Miền Trung-Tây Nguyên (thuộc Tập đoàn ThaiBinh Seed) cho biết, thời gian qua, Công ty đã phối hợp các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên đưa nhiều giống lúa chất lượng của đơn vị phù hợp với chất đất trên địa bàn vào trình diễn như TBR1, TBR225, BC15, TBR97…Các mô hình đã giúp nông dân tiếp cận nhiều giống mới có năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện sản xuất tại Phú Yên. Đặc biệt giúp nông dân nâng cao chất lượng giống phục vụ sản xuất, giảm mật độ gieo sạ xuống còn 80 - 90kg/ha, từ đó làm lúa có lãi.

Trong thời tới để giúp bà con tiếp tục tiếp cận các giống lúa mới chất lượng cao, đặc biệt giống lúa TBR39 vừa đạt giải nhất gạo ngon Việt Nam, Công ty đã có kế hoạch xây dựng mô hình trình diễn giống lúa này tại Phú Yên…

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đưa Drone vào cánh đồng lúa ở Phú Yên. Ảnh: LT.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đưa Drone vào cánh đồng lúa ở Phú Yên. Ảnh: LT.

Trong khi đó, đại diện Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam, cho biết, để phát vùng lúa chất lượng cao, tỉnh cần quy hoạch vùng sản xuất để thuận lợi trong việc quản lý canh tác, cũng như áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Và, khi quy hoạch được vùng sản xuất như thế sẽ giúp việc canh tác, thu hoạch, vận chuyển, chế biến đồng bộ, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm việc đầu ra thuận lợi. Đối với Công ty hiện có nhiều giống lúa chất lượng cao, ngoài Đài Thơm 8, giống VN121 cho năng suất, chất lượng gạo ngon, đặc biệt chịu hạn tốt, rất phù hợp trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Ngoài ra, vào tháng 7/2022 tỉnh Phú Yên và Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, TP Cần Thơ đã ký kết bản ghi nhớ đầu tư cánh đồng lúa chất lượng cao, theo hướng hữu cơ phục vụ xuất khẩu tại các huyện Tây Hòa, Đông Hòa, Phú Hòa và thị xã Đông Hòa, với tổng diện tích 15.000 ha.

Theo đại diện Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, đến tháng 9/2022, tỉnh đã triển khai nôi dụng và đầu tháng 10, Công ty đã xây dựng dự án cho vùng lúa chất lượng cao này. Khi dự án đi vào hoạt động, Công ty sẽ đầu tư chi phí đầu vào cho nông dân, đầu tư cơ giới hóa đồng bộ, đầu tư khoa học công nghệ trong sản xuất, nhằm giảm chi phi sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Sau khi nghe các ý kiến, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho rằng, để giảm chi phí đầu vào trong sản xuất việc áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cũng như hình thành vùng sản xuất giống lúa chất lượng cao, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, thu mua, chế biến, phục vụ xuất khẩu là hướng đi bền vững.

Do đó, ông đề nghị các phòng nông nghiệp, kinh tế tham mưu địa phương có kế hoạch, chỉ đạo các HTX làm việc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời để áp dụng Drone. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con nông dân giảm mật độ gieo sạ, cũng như dùng giống lúa xác nhận để sản xuất. Phấn đấu làm sao các huyện đồng bằng phải đạt ít nhất từ 80-90% diện tích giảm lượng giống gieo sạ và sử dụng giống lúa xác nhận.

Đối với nhiều mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, lúa chất lượng, các giống lúa mới hiện nay triển khai trên địa bàn, lãnh đạo Sở NN-PTNT Phú Yên đánh giá, các địa phương triển khai rất thành công, định hướng tốt, song lại chưa có giải pháp để nhân rộng. Ngay cả 2 chương trình hỗ trợ trên cây lúa, đó là giảm lượng giống gieo sạ và sử dụng giống lúa xác nhận, nếu chúng ta không tiếp tục đẩy mạnh triển khai thì sẽ không lan tỏa.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.