| Hotline: 0983.970.780

Lần đầu giới thiệu mô hình truy xuất nguồn gốc điện tử từng trái thanh long

Thứ Năm 17/08/2023 , 09:58 (GMT+7)

Lần đầu tiên UNDP và Bộ NN-PTNT giới thiệu mô hình truy xuất nguồn gốc điện tử để theo dõi xuất xứ và 'dấu chân các-bon' của từng trái thanh long.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung phát biểu tại Hội nghị 'Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững'. Ảnh: Bảo Thắng. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung phát biểu tại Hội nghị “Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững”. Ảnh: Bảo Thắng. 

Sáng 17/8, Bộ NN-PTNT phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức hội nghị “Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững”. 

Chương trình được tổ chức trong khuôn khổ dự án "Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp các-bon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện NDC của Việt Nam", nhằm thúc đẩy các giải pháp đổi mới sáng tạo về công nghệ số trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Từ đó, hỗ trợ thực hiện các cam kết Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam trong ngành nông nghiệp.

Tại Việt Nam, cơ sở hạ tầng số ở khu vực nông thôn vẫn cần được cải thiện. Quy mô ứng dụng chuyển đổi số vẫn cần được mở rộng và đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương. Nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế, diện tích canh tác nhỏ; doanh nghiệp nông nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho chuyển đổi số. Vì vậy, chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần có sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương, doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh rằng “chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả hệ thống, của ngành, doanh nghiệp, khoa học công nghệ và đặc biệt là người nông dân; Chuyển đổi số chính là phương thức quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất”.

Ông cũng nói thêm rằng Bộ đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp - là đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, an toàn thông tin của Bộ NN-PTNT, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thống nhất tổ chức triển khai hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử trong Bộ và ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, chia sẻ: "Chúng tôi tự hào được hợp tác với Bộ NN-PTNT trong việc đầu tư vào một số giải pháp sáng tạo nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh và bền vững trong ngành nông nghiệp. Chúng tôi rất vui khi hệ thống truy xuất nguồn gốc các-bon được số hóa đã được thiết lập cho hai mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là thanh long và tôm".

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, tin tưởng rằng việc sử dụng công nghệ có thể giúp thúc đẩy các hoạt động kinh doanh thông minh phù hợp với khí hậu và tăng sinh kế bền vững của nông dân địa phương. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, tin tưởng rằng việc sử dụng công nghệ có thể giúp thúc đẩy các hoạt động kinh doanh thông minh phù hợp với khí hậu và tăng sinh kế bền vững của nông dân địa phương. Ảnh: Bảo Thắng.

Dự án “Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp các-bon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện NDC của Việt Nam” (NDC Nông nghiệp) do Bộ NN-PTNT và UNDP phối hợp thực hiện với tỉnh Bình Thuận và tỉnh Bạc Liêu từ năm 2019 đến 2023. Với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Đức, Tây Ban Nha và Liên minh châu Âu, dự án nhằm mục đích khuyến khích sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân trong việc tài trợ, hỗ trợ và thực hiện các biện pháp giảm thiểu và thích ứng có cơ sở kỹ thuật, khả thi về mặt tài chính, có cảnh báo về rủi ro để hỗ trợ các mục tiêu NDC của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tại Hội nghị, lần đầu tiên UNDP và Bộ NN-PTNT giới thiệu mô hình về một hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử để theo dõi xuất xứ và "dấu chân các-bon" của từng trái thanh long được sản xuất tại Bình Thuận.

Với hệ thống này, người tiêu dùng trong nước và quốc tế khi mua hoặc nhập khẩu thanh long từ vùng sản xuất trọng điểm Bình Thuận, Việt Nam, giờ đây có thể quét mã QR để truy xuất nguồn gốc trái cây và mức độ thực hành “xanh” hoặc thân thiện với môi trường được áp dụng để sản xuất ra trái cây này một cách minh bạch nhất.

Trong bối cảnh chuyển đổi xanh trong nông nghiệp, đây là một công cụ quan trọng để các nhà sản xuất và doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam theo dõi và quản lý mức độ phát thải khí nhà kính của chuỗi cung ứng và tránh những rào cản không cần thiết khi xuất khẩu sang các thị trường giá trị cao, thường là nơi đang tiến tới áp dụng cơ chế điều chỉnh các-bon qua biên giới.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đóng góp tham luận tại hội nghị với các nội dung về tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, khai thác các nền tảng kỹ thuật số để giám sát và theo dõi "dấu chân các-bon" trong các lĩnh vực xuất khẩu quan trọng, thúc đẩy chuỗi cung ứng phát thải các-bon thấp, thân thiện môi trường cho các sản phẩm như thanh long và tôm;

Triển khai các hệ thống kỹ thuật số để tăng cường quản lý sản xuất lúa, thiết lập kiến trúc dữ liệu nền tảng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đồng thời củng cố sự phối hợp giữa các đơn vị địa phương và Trung ương trong cuộc cách mạng kỹ thuật số để bảo vệ các hoạt động nông nghiệp xanh và bền vững.

Trong đó, một số mô hình nông nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi số phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững được nhấn mạnh.

Để nhiệm vụ chuyển đổi số được thực hiện một cách đồng bộ, thuận lợi, Thứ trưởng Hoàng Trung gợi mở một số giải pháp, định hướng tại Hội thảo. 

Một là, nâng cao nhận thức của các địa phương, doanh nghiệp và nhất là người nông dân về vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp. 

Hai là, nâng cấp và tiến tới xây dựng hạ tầng công nghệ số hiện đại và đồng bộ với chi phí cạnh tranh. 

Ba là, đẩy nhanh xây dựng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp, nhất là dữ liệu đất đai, cây, con, vùng trồng, người trồng, số lượng sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp, số hóa văn bản điều hành của Bộ; Xây dựng và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu của ngành, xây dựng bản đồ số nông nghiệp trên nền tảng dữ liệu lớn đồng bộ để kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở; xây dựng phần mềm quản lý, giám sát, đánh giá, phân loại sản phẩm nông nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, môi trường, thời tiết… cung cấp cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân, doanh nghiệp số hóa các quy trình sản xuất, tiến tới tích hợp, minh bạch sản phẩm bằng hệ thống quét mã QR. 

Bốn là, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân. 

Năm là, xây dựng và hoàn thiện chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp phù hợp và kịp thời, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp đúng trọng tâm và hiệu quả. 

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...

Bình luận mới nhất