| Hotline: 0983.970.780

Làn sóng trồng cây che phủ - cây trồng ‘sám hối’ ở Mỹ

Thứ Tư 12/01/2022 , 07:19 (GMT+7)

Nước Mỹ đặt mục tiêu tăng gấp đôi diện tích cây che phủ của đất nước lên 30 triệu mẫu Anh vào năm 2030 theo một chương trình bảo tồn mới của Bộ Nông nghiệp.

Phần lớn diện tích trồng cây che phủ ở Mỹ được trồng đến nay mới để theo đuổi các mục tiêu tăng độ phì nhiêu của đất hoặc quản lý nước. Ảnh: Reuters

Phần lớn diện tích trồng cây che phủ ở Mỹ được trồng đến nay mới để theo đuổi các mục tiêu tăng độ phì nhiêu của đất hoặc quản lý nước. Ảnh: Reuters

Theo Cơ quan Dịch vụ Bảo tồn Tài nguyên Thiên nhiên (NRCS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), định chế này sẽ chi 38 triệu USD hỗ trợ nông dân ở 11 bang trồng cây che phủ để bảo vệ tài nguyên đất vào thời điểm những cánh in đồng thường bị bỏ hoang. Chiến dịch này được phát động và triển khai trên quy mô cả nước nhằm tăng cường sức khỏe của đất, hạn chế xói mòn đất và thu giữ carbon, chống biến đổi khí hậu.

Khoản đầu tư trên sẽ được thực hiện cùng với các đối tác chính gồm Hội đồng đậu tương, Hội đồng những người trồng ngô và Ủy ban Thịt lợn quốc gia Mỹ, dưới sự chủ trì của chính quyền đương kim Tổng thống Joe Biden.

Kể từ khi chuyển giao chính phủ tại Nhà Trắng, hoạt động trồng cây che phủ đã nhanh chóng mở rộng khi một số công ty nông nghiệp lớn triển khai các chương trình canh tác carbon, trả tiền cho nông dân áp dụng các phương pháp canh tác thân thiện với môi trường hơn.

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack vào cuối tuần trước đã công bố Sáng kiến ​​Cây trồng Che phủ, thuộc Chương trình Khuyến khích Chất lượng Môi trường, tại hội nghị thường niên của Liên đoàn Trang trại Mỹ ở Atlanta.

Kết quả điều tra mới nhất của Bộ Nông nghiệp cho thấy, có 15,4 triệu mẫu (1 mẫu tương đương 0,4ha) cây che phủ đã được trồng vào năm 2017, chiếm một phần không đáng kể trong tổng diện tích đất nông nghiệp.

Theo các chuyên gia môi trường, với chương trình mới phát động thì nông dân và chủ trang trại ở các bang Arkansas, California, Colorado, Georgia, Iowa, Michigan, Mississippi, Ohio, Pennsylvania, Nam Carolina và Nam Dakota sẽ đủ điều kiện để nhận các ưu đãi theo chương trình mà USDA nhắm tới trong những năm tới. Đặc biệt diện tích cây trồng che phủ, bảo vệ đất nông nghiệp trái vụ sẽ được mở rộng thêm khi nông dân Mỹ ngày càng quan tâm đến tương lai một nền carbon thấp.

Nông dân Dave Gruenbaum ở bang Ohio đã tăng diện tích trồng cây che phủ của mình lên 1.700 mẫu trong hai năm qua cho biết rất ngạc nhiên về cách đất đang thay đổi và khả năng chịu hạn cũng tốt hơn. Ảnh: RT

Nông dân Dave Gruenbaum ở bang Ohio đã tăng diện tích trồng cây che phủ của mình lên 1.700 mẫu trong hai năm qua cho biết rất ngạc nhiên về cách đất đang thay đổi và khả năng chịu hạn cũng tốt hơn. Ảnh: RT

Nông dân Jack McCormick ở bang Illinois đã trồng 350 mẫu lúa mạch và củ cải vào mùa thu năm ngoái, như một phần của cây trồng vụ nghịch mà ông không có ý định thu hoạch. Thay vào đó, số cây trồng sẽ bị tiêu hủy cùng với cỏ dại vào vụ xuân, trước khi ông McCormick xuống giống đậu nành trên cùng diện tích.

Lúa mạch và củ cải sẽ không được sử dụng làm thực phẩm, nhưng tập đoàn hóa chất nông nghiệp Bayer AG (BAYGn.DE) sẽ chi trả tiền đền bù môi trường cho ông McCormick để trồng chúng vì cái gọi là cây che phủ sẽ tạo ra các khoản tín dụng bù đắp carbon cho nhà sản xuất hạt giống và hóa chất.

Mục đích của cây che phủ là phục hồi đất, giảm xói mòn và lưu giữ carbon- thủ phạm làm khí hậu ấm lên thông qua quá trình quang hợp. Lượng carbon bị “mắc kẹt” trong rễ và các thực vật khác còn lại trong đất được đo để tạo ra hệ thống tín chỉ carbon mà các công ty có thể trả tiền để bù đắp cho ô nhiễm môi trường.

Thực tiễn cho thấy ngành nông nghiệp Mỹ đang thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu. Theo đó nông dân không chỉ còn kiếm tiền một cách đơn thuần bằng cách bán cây trồng, hoa màu để làm lương thực- thực phẩm và thức ăn chăn nuôi nữa mà họ còn được trả công cho vai trò của cây trồng trong việc hạn chế lượng khí thải làm nóng Trái đất.

Ngày càng có nhiều nông dân trồng các loại cây che phủ, từ các loại cây họ hòa thảo như cỏ, lúa mạch đen và yến mạch đến các loại đậu và cải. Trong khi một số được chuyển đổi thành nhiên liệu sinh học hoặc làm thức ăn gia súc, còn lại hầu hết chúng không được thu hoạch vì giá trị lớn hơn- khi chúng được phân hủy trong đất.

Cây che phủ được coi là trụ cột của nền nông nghiệp tái sinh và chúng thường được các nhà môi trường đánh giá là một bước cải tiến so với nông nghiệp truyền thống. Đây là cách tiếp cận canh tác mới nhằm phục hồi sức khỏe của đất và hạn chế phát thải thông qua luân canh cây trồng, chăn thả gia súc, cắt giảm đầu vào hóa chất và các hoạt động thực hành khác.

Rob Myers, giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Tái sinh tại Đại học Missouri, ước tính diện tích cây trồng che phủ đã tăng lên 22 triệu mẫu vào năm 2021. Con số này tăng 43% so với năm 2017. "Có rất nhiều thứ thúc đẩy cây trồng che phủ, trong đó việc chi trả carbon là điều mới nhất. Chúng tôi đã thấy rằng nông dân đang rất quan tâm đến sức khỏe của đất", ông Myers nói, đồng thời ước tính rằng đến cuối thập kỷ này, sẽ có khoảng từ 40 triệu đến 50 triệu mẫu cây che phủ được trồng hàng năm.

Các chuyên gia cho biết, sự gia tăng này có thể sẽ tăng tốc khi các chương trình bảo vệ môi trường của cả hai khối chính phủ và tư nhân mở rộng. Theo đó việc mở rộng diện tích cây che phủ trong những năm tới có thể là một cơ hội cho các công ty hạt giống và phân bón.

Trong hai năm qua, một loạt các công ty bao gồm Bayer, Land O'Lakes (LNDLK.UL) và Cargill Inc (CARG.UL) đều đã khởi động các chương trình canh tác carbon để chi trả tiền cho người trồng cây che phủ để thu giữ carbon và giảm mật độ xới xáo đất. Vào năm 2021, công ty con của Land O'Lakes, Truterra, đã bỏ ra 4 triệu USD trả cho những nông dân đăng ký tham gia chương trình carbon vì đã góp phần lưu giữ được 200.000 tấn carbon trong đất.

Các chương trình bảo tồn của liên bang trong nhiều năm qua cũng bắt đầu trả tiền cho nông dân để tránh đụng tới những vùng đất nhạy cảm với môi trường như vùng ngập nước hoặc nơi sinh sống của động vật hoang dã. Theo Đạo luật Build Back Better (tạm hiểu là sám hối, phục hồi thiên nhiên) của Tổng thống Joe Biden đang nhắm mục tiêu khoảng 28 tỷ USD cho các chương trình này, bao gồm khoản thanh toán lên tới 5 tỷ USD cho nông dân và chủ đất để trồng cây che phủ, mặc dù số phận của dự luật hiện vẫn chưa rõ ràng.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nuôi lợn nông hộ có thêm phao nhờ vacxin ASF: Kết quả thực tiễn sẽ thuyết phục nông dân sử dụng vacxin

'Khi người nuôi lợn thấy vacxin AVAC ASF LIVE bảo hộ tốt, bản thân họ sẽ chủ động truyền kinh nghiệm đến những người xung quanh', TS Nguyễn Văn Điệp chia sẻ.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.