| Hotline: 0983.970.780

Làng bưng trống

Thứ Bảy 02/01/2010 , 08:15 (GMT+7)

Vào những ngày cuối năm, làng trống Bình An, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ (Long An) nhộn nhịp suốt ngày đêm. Các nghệ nhân đang dốc sức kịp cho những chuyến giao hàng mùa cận Tết...

Vào những ngày cuối năm, làng trống Bình An, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ (Long An) nhộn nhịp suốt ngày đêm. Các nghệ nhân đang dốc sức kịp cho những chuyến giao hàng mùa cận Tết... 

Dẫn chúng tôi đến thăm các cơ sở làm trống, anh Nguyễn Tấn Thành, Chủ tịch HND xã Bình Lãng hào hứng khoe: “Làng trống đến nay có gần 30 cơ sở làm trống gia truyền rất danh tiếng như Năm Mến, Ba Khía, Út Lương, Hai Phú...nhưng nổi tiếng nhất vẫn là nghệ nhân Năm Mến, hậu duệ 5 đời của cụ tổ Nguyễn Văn Ty, người đầu tiên khai sinh nghề trống cách đây gần 200 năm”. 

Công đoạn bào mặt trống sắp hoàn thành

 

Tò mò quá chúng tôi gõ cửa nhà ông Năm Mến chuyên sản xuất các loại “trống đặt hàng” nổi tiếng nhất ở ấp Bình An đúng lúc ông đang tiếp đoàn khách từ xa đến mua trống Tết. Cơ sở đang ngổn ngang trống lớn, trống nhỏ…có những cái đang làm dở, cái thì đã “thành phẩm” chờ giao hàng. Ông Năm Mến tâm sự: “Làm trống không khó, nhưng nghề này muốn để lại tiếng thơm cho đời sau thì đòi hỏi nghệ nhân phải dồn cả trí lực, làm bằng cả con tim và khối óc. Tất cả các công đoạn đều phải tỉ mỉ, kỳ công mới mong có được chiếc trống đẹp, bền và cho âm thanh chuẩn”.

Theo lời Năm Mến kể, ông bắt đầu nối “nghiệp trống” của cha ông từ khi mới 16 tuổi, và là đời thứ 4. Đó là chưa kể những người con trai ông đang tiếp tục nối nghiệp đời thứ 5. Thời xưa, ông cố Nguyễn Văn Ty làm ghe chài chuyên đi mua bán nước mắm từ Long An sang các tỉnh miền Tây. Trong quá trình lang bạt kiếm sống, ông Ty phát hiện trên sông có nhiều người làm thịt trâu, họ chỉ ăn thịt còn da vứt đầy sông. Thấy vậy, ông vớt da trâu về phơi khô rồi mày mò làm trống.

Danh tiếng trống Bình An còn vang xa khi có mặt ở hầu hết các lễ hội triển lãm trong nước, quốc tế. Như tại đại hội Lân sư rồng quốc tế 2008, đa số các đoàn lân tham gia đều sử dụng trống của “lò” nghệ nhân Năm Mến. Giá mỗi cái trung bình từ 200 ngàn đồng đến hơn 20 triệu đồng (tùy lớn nhỏ), trừ chi phí cơ sở sản xuất còn lời 10-20%. Riêng thợ làm trống được trả công 50.000đ/ngày, cao hơn so với một số nghề khác.

Nếu trước đây làm trống chỉ nhằm mục đích giải trí cho vui, thì những đời hậu duệ ông Ty bắt đầu làm trống để bán. Những người thợ trống sáng chế ra phương pháp dùng giàn chò, giàn giáo và cắt da trâu để làm dây, công cụ bịt trống; thân trống được làm bằng gỗ sao độ bền cao. Trống được sơn màu đỏ và thiết kế mẫu mã khá đẹp, bắt mắt nên làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Theo anh Nguyễn Văn An (con trai ông Năm Mến) cũng là một trong những nghệ nhân trẻ, rất giỏi tay nghề của làng, thì để có tiếng trống ấm, vang xa, bền...tất cả đều phụ thuộc vào loại da trâu bịt trống và gỗ làm thân trống.

Có được một chiếc trống hoàn chỉnh, phải trải qua cả chục công đoạn từ căng, bào da trâu, chọn gỗ, đốt than để uốn cong, đến ghép từng thanh gỗ thành thùng trống, bịt trống...Anh An cho biết thêm, để làm xong một chiếc trống lân loại trung, người thợ phải mất hơn nửa tháng. Tuy nhiên, ở làng trống này mỗi gia đình đều có bí quyết riêng: “Chẳng hạn, đi mua da trâu phải chờ ngày nắng tốt, đem da tươi về phơi khoảng 10 nắng cho khô hoàn toàn tiếng trống mới ấm, vang xa. Da trâu càng già thì trống càng bền và âm thanh càng hay”. Còn riêng khâu ghép những tấm ván gỗ thành thùng trống, ở làng trống không ai qua được nghệ nhân Năm Mến, trống của ông khi thả xuống sông vẫn không có một giọt nước nào lọt vào.

Bất cứ ai khi đến làng trống Bình An, nhất là vào “thời vụ” cận Tết này chỉ nghe duy nhất một thứ âm thanh đặc trưng tùng tùng...tung tung...liên tục dội ra từ các cơ sở làm trống. Theo các nghệ nhân, trước khi một chiếc trống hoàn thành, người thợ phải thử tiếng trống để biết âm thanh ra sao mà điều chỉnh độ căng mặt trống. Người dân quanh làng cũng chẳng ai thấy phiền hà gì với cái âm thanh ấy, thậm chí nếu ngày nào vắng tiếng trống, họ như thấy thiếu “món” gì đó!

Nhiều thế hệ người dân ấp Bình An gắn bó với “nghiệp trống”, họ đã tự xây dựng thương hiệu làng trống nổi danh từ khắp trong và ngoài nước. Tuy nghề làm trống không giàu, nhưng hầu hết những nghệ nhân ở Bình An đều tự nhủ lòng phải cố giữ gìn nghề truyền thống, để tiếng trống của làng mãi mãi vang xa.

Ông Năm Mến bộc bạch: “Nghề trống làm quanh năm nhưng bước vào dịp cuối năm bận rộn nhất, bởi thường khách hàng đặt làm trước cả tháng, số lượng nhiều khiến các cơ sở làm trống phải lo “khởi động” sớm”. Vào thời vụ Tết, người thợ phải làm ngày đêm mới kịp giao trống cho khách. Do vậy, làng trống Bình An vẫn luôn “đón Tết sớm, ăn Tết trễ” là thế. Theo các nghệ nhân, đến nay làng trống Bình An đã chế tác được gần 20 loại trống. Trung bình mỗi năm làng trống cho “ra lò” khoảng gần 200.000 trống các loại, có cơ sở làm cả chục ngàn cái.

Để tồn tại, các cơ sở sản xuất trống ở Bình An liên tục thay đổi mẫu mã. Nghệ nhân Nguyễn Văn Ba có trên 30 năm làm trống cho biết: “Hầu hết các công đoạn vẫn làm thủ công nhưng chất lượng không ngừng nâng lên, bởi đây là yếu tố sống còn của làng nghề”. Ông Năm Mến giải thích thêm: Tùy theo từng loại trống mà có cách làm da và bịt khác nhau, như trống lân thì làm da dày và bịt thẳng để kêu bong tiếng; trống nhạc lễ thiết kế khi đánh lên nghe tiếng âm dương, cao thấp…mỗi loại đều có tiếng kêu riêng biệt. Hầu hết trống ở các đình, chùa, trường học, đoàn lân...khắp các tỉnh thành phía Nam đều…“Made in Bình An”.

Đến nay, không dừng lại ở thị trường trong nước, trống Bình An còn xuất ngoại đi Úc, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Anh, Campuchia, Hàn Quốc… Ông Năm Mến lạc quan: “Gần chục năm trở lại đây, chúng tôi đưa trống xuất ngoại được nhiều nước đánh giá cao. Từ đó đến nay, các cơ sở vẫn xuất trống sang “tây” đều đặn, giá thành chỉ cao hơn trong nước chút đỉnh nhưng cái chính là khách hàng nước ngoài rất khó tính đã giúp chúng tôi nâng cao tay nghề”. 

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm