| Hotline: 0983.970.780

Làng hàu bên dòng Nhật Lệ

Thứ Ba 09/03/2010 , 10:28 (GMT+7)

Vào mùa hàu (từ tháng 9 âm lịch đến ra Tết), ngư dân ở làng Phú Bình (bây giờ gọi là tiểu khu của thị trấn Quán Hàu) vào mùa... lặn sông.

Sông Nhật Lệ uốn mình chảy từ nguồn về đến địa phận Quán Hàu (Quảng Ninh, Quảng Bình) thì “làm mình làm mẩy” rẽ đôi tạo thành cồn Hàu. Điều đặc biệt ở cồn Hàu là nơi đây tập trung sinh sống của loài nhuyễn thể hàu. Hàu nhiều như trấu dưới đáy sông.

Hàu sống và sinh sản bám trên các dải đá vôi nằm tập trung giữa lòng sông. Vào mùa hàu (từ tháng 9 âm lịch đến ra Tết), ngư dân ở làng Phú Bình (bây giờ gọi là tiểu khu của thị trấn Quán Hàu) vào mùa... lặn sông.

Đánh cược với tính mạng

Trên con đò nhỏ chòng chành, chất đầy ngư cụ của anh Nguyễn Quốc Đạt (sinh năm 1976, thị trấn Quán Hàu, Quảng Ninh, Quảng Bình), tôi vừa chớm ngồi lên thanh ngang giữa đò thì anh đã nhắc: “Cẩn thận nghe ông. Chớ ông mà tủm một phát xuống sông là tôi không chịu trách nhiệm được đâu”. Nói rồi, anh Đạt thả cào xuống sông, chị vợ hạ tay ga cho máy chạy chậm lại. Dụng cụ làm cào cũng rất đơn giản. Kiếm cây tre dài chừng 4-5m, phần đầu gốc gắn vào một chiếc vợt sắt và khi thả xuống cào sát mặt đá để trốc hàu vào vợt.

Chừng 5-7 phút thì “cất” cào một lần, mỗi lần cũng được 1-2 ký. Chị vợ vừa giúp chống chạy thuyền, vừa chồm hỗm ngồi chọn những con hàu còn nhỏ thì ném trả xuống sông đợi cho nó lớn thêm chút nữa. Tranh thủ lúc ghìm tay cào, anh Đạt nói át cả tiếng máy: “Cũng mười mấy năm trong nghề mới sắm được đò máy nên đỡ ra đôi chút. Chứ trước đây thì phải lặn tay bo, ớn lắm. Mưa gió chi cũng lặn. Có khi chuột rút tay chân cứng ngắc, muốn trôi ra biển làm mồi cho cá rỉa rồi đó chớ... Mùa hàu trúng vào mùa đông nên muốn lặn sâu cạy hàu rất khó khăn, nguy hiểm, có khi phải đổi bằng tính mạng. Hai vợ chồng tui mò cả ngày cũng chỉ được 2 - 3kg”.

Cách thuyền anh Đạt không xa là thợ lặn Thành. Thành còn trẻ, chừng đôi mươi, nhưng cũng có thâm niên lặn hàu từ hồi còn mang quần thủng đít. Đồ nghề lặn hàu cũng đơn giản chỉ với túi đựng làm bằng lưới và cây dao cạy, nhà nào có điều kiện thì trang bị thêm kính và áo lặn. Mỗi thợ lặn có cái phao làm bằng xăm xe ô tô tải bơm hơi căng lên. Một sợi dây thừng buộc phao với lưng. Thành buông tay ùm xuống hút sâu dưới làn nước ngắt lạnh. Chừng hơn phút, đã thấy ngoi lên thở phì một phát như bắn súng rồi ném hai con hàu vô lòng phao. Trên phao cũng chừng được gần 5 ký hàu. “Em lặn từ sáng đến trưa là được chừng đó đó” - Thành cho biết.

Cũng là dân lặn hàu chuyên nghiệp gần 30 năm, anh Trần Văn Chiến biết rõ mối nguy hiểm luôn rình rập dưới lòng sông. “Càng xuống sâu, sức nước càng mạnh, đã ba lần tui bị dòng nước cuốn đi, nhưng may mắn thoát nạn. Cũng muốn bỏ cái nghề giỡn mặt hà bá này, nhưng nghĩ đến ba đứa nhỏ ở nhà thì bỏ sao được. Vợ chồng tôi bươn chải để con cái được học hành đàng hoàng. Thằng út nhà tôi cũng sắp đến tuổi đi học rồi”, anh Chiến giãi bày. Vừa ngoi lên sau gần năm giờ ngâm mình trong làn nước lạnh buốt, anh Thành kéo lê chiếc phao và đóng hàu lên bờ. Áo quần ướt sũng, nước da tái nhợt và co rúm lại vì lạnh.

Trên khoảng sông rộng chưa đầy 50 m2 có hơn 20 hộ gia đình với 5 con đò nhỏ tham gia “đội quân” cạy hàu. Hầu hết họ đều mắc phải các chứng bệnh như: đau mắt đỏ, cảm lạnh, bệnh ngoài da… nhưng gánh nặng “gạo tiền” không cho họ ngừng nghỉ. Vài năm trở lại đây, khi nghề mò hàu phát triển, đội quân cạy hàu ngày càng đông đảo. Trong đó phần lớn vẫn là phụ nữ và trẻ em. “Vào những năm nước sông lên cao, chảy xiết, có ngư dân lặn hàu bị nước cuốn ra biển...”, một thợ lặn hàu kể lại.

Đem hàu đổi chữ cho con

Ở làng Phú Bình này hàu đã hòa quyện trong đời sống người dân. Cho dù trời rét hay không thì người dân vẫn lặn hàu và cặm cụi bóc tách từng con hàu cho vào tô, chậu để kịp buổi chợ chiều. Làng Phú Bình còn nghèo nhưng không một đứa trẻ nào thất học, tất cả cũng nhờ hàu.

Chị Lê Thị Quyên (ở tiểu khu 3) đang mải miết ngồi tách hàu bên vệ đường, dưới tán cây trứng cá để phục vụ “tươi” ngay cho khách hàng. Vừa làm, chị vừa tâm sự: “Hàu có cạnh sắc nhọn, lại bám chặt vào đá nên để lấy được hàu đã khó, nhưng khi tách hàu cũng không kém vất vả. Phải dùng dao thép sắc tì mạnh vào miệng con hàu rồi khéo léo tách hai vỏ ra và cào nhẹ ruột hàu cho vào tô. Chỉ sơ hở một tý là có khi đứt lìa cả ngón tay”. Nói rồi, chị Quyên cười vui: "Bốn đứa con tui đều ăn học trưởng thành từ hàu đó chú. Hằng ngày khi sáng sớm các cháu đến trường tui đều bớt một ít hàu đem nấu cháo, chia cho mỗi đứa một bát. Trưa về hàu tui lại nấu canh, xào nấu cải thiện. Người làng tui vẫn nói, không có hàu thì người làng sống bằng gì?".

Lặn mãi với dòng sông rồi sợ hàu cũng hết, nên mới đây UBND thị trấn Quán Hàu thành lập một dự án nuôi hàu. Hai anh Nguyễn Văn Tòng và Lê Hoàng Sơn xung phong thử nghiệm. Được giao 4ha mặt nước, hai anh mạnh dạn đầu tư 10 triệu đồng tiến hành thả đá, cắm cọc chăng dây xung quanh, gom lốp xe cũ buộc lại với nhau thả xuống cho hàu bám. Kết quả nuôi hàu thật mỹ mãn, chỉ sau vài tháng hàu tự nhiên đã bám đầy các cọc và sinh sôi nảy nở rất nhanh.

Ông Lê Bá Trưng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: "Đây là mô hình mới và có hiệu quả. Chúng tôi đã nghiệm thu dự án bước đầu. Trên cơ sở đó sẽ đề nghị với cấp trên có chính sách hỗ trợ vốn cho bà con thực hiện. Năm trước, Hội Nông dân tổ chức hội chợ ẩm thực ở Hà Nội, món cháo hàu của nông dân Quán Hàu được trao giải vàng".

Thấy tôi có vẻ muốn tìm hiểu về hàu, anh Lê Thành (tiểu khu 1) giúp chèo thuyền chở ra sông để “đi một vòng cho biết” như lời anh nói. Anh Thành cũng cho hay: “Hàu gắn bó với người dân nơi đây từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến ngày tạ thế. Khi sinh ra, con trẻ được dùng ruột con hàu tươi để chườm lưỡi. Trẻ em lớn lên, trừ những buổi đến trường các em lại ra bờ sông gắn bó với hàu.

Đến tuổi dựng vợ gả chồng, các đôi uyên ương lại đưa nhau ra bờ sông Nhật Lệ, nhiều đôi dùng vỏ hàu khắc tên chung hai đứa rồi ném xuống sông tìm sự minh chứng của cồn Hàu. Nhưng hàu còn có công năng đặc biệt khác nữa chú có biết không?". Thấy vẻ mặt lơ ngơ của tôi, anh Thành cười lớn: “Nhiều mụ vợ khi thấy chồng đi ăn nhậu về chân nọ vẹo lên chân kia là biết tới bến rồi thì cấp tốc nấu cho chồng bát cháo hàu để làm nhẹ bớt cơn say”.

Nhìn những mái đầu lên tám, lên chín đã bắt đầu tập lặn hàu thật động lòng trắc ẩn. Nhiều em ngồi tỉ mẩn cạy từng con hàu cho vào rổ để mẹ kịp buổi chợ chiều rồi mới tới trường. Vất vả là vậy nhưng khi hỏi về việc học, các em đều cười hồn nhiên và quyết tâm đến trường.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm