| Hotline: 0983.970.780

Lặng lẽ Pha Đin

Thứ Tư 16/03/2011 , 09:16 (GMT+7)

Truyền thuyết về đèo Pha Đin có một cuộc chiến. Hiện tại, ở nơi cao hơn 1.600 mét so với mực nước biển này những cuộc chiến vẫn tiếp tục âm thầm.

Truyền thuyết về đèo Pha Đin có một cuộc chiến. Hiện tại, ở nơi cao hơn 1.600 mét so với mực nước biển này những cuộc chiến vẫn tiếp tục âm thầm. 

>> Sống ở đỉnh trời

Nơi không dành cho phái yếu 

Tên gọi đèo Pha Đin có nguyên gốc xuất xứ từ tiếng Thái là Phạ Đin. Phạ nghĩa là trời, Đin là đất. Đèo mang hàm nghĩa nơi đây là điểm tiếp giáp giữa trời và đất. Cũng là nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Sơn La và Lai Châu cũ (Điện Biên bây giờ).

Chính vì độ cao vào loại bậc nhất Tây Bắc mà Pha Đin trở thành nơi các  cơ quan viễn thông, trạm phát sóng chọn xây dựng trạm phát. Đây cũng là đỉnh đèo duy nhất ở những nơi tôi đi qua có…cán bộ. Những cán bộ của cơ quan phát sóng năm tháng  sống lặng lẽ trên đỉnh đèo gọi nơi giao thoa giữa trời và đất này là chỗ “không dành cho đàn bà”.

Đỉnh Pha Đin có ba cơ quan đóng ở ba ngọn núi khác nhau và chỉ có những người đàn ông mới dám lên đấy công tác thật. Trạm phát sóng của VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam), Trạm viba của Bưu chính viễn thông và một trạm viba của quân đội. Vẻn vẹn có 6 người.

Sống lâu nhất ở đây là một người có khuôn mặt như chính cái tên của ông: Phạm Văn Dị. Để gặp được ông Dị phải leo qua một đồi thông lên tít tận đỉnh trời chẳng khác nào một khu rừng già với những gốc đào rừng một người ôm. Ông Dị bảo rằng tôi là khách lạ đầu tiên lên đây kể từ dịp Tết khi một khách đi du lịch bị mất hết đồ đạc lên xin ngủ nhờ. Bất kể là nhà báo hay khách đi lạc ông đều quý như nhau bởi đơn giản là “thèm người để nói chuyện lắm”. 

Quê ông Dị mãi tận Thái Bình. Từ nhỏ mặt đã bị dị tật nên bỏ xứ lên Điện Biên sinh sống. Dần dần ông được nhận vào làm ở ngành viễn thông. Hơn mười năm nay một mình ông lầm lũi lên đỉnh đèo làm bạn với mấy chiếc máy phát. Công việc nặng nhất của người đàn ông này là đóng bật cầu dao điện. Có lẽ chính sự buồn tẻ ấy đã biến ông thành một pho sử sống về đỉnh Pha Đin. “Thuở mới lên đây chỉ một mình nên sợ lắm. Đường sá đi lại không có. Người dân tộc đi rừng thấy tôi họ cứ trố mắt nhìn. Cũng là người Nhà nước hẳn hoi nhưng cuộc sống chẳng khác mấy so với người rừng. Hết việc làm lại lang thang vào các bản nằm rải rác ở lưng đèo tìm mấy cụ trưởng bản nghe kể chuyện về cái nơi mình sẽ gắn bó này”.

Ông Dị bảo, đèo Pha Đin từng xẩy ra những cuộc chiến. Ông nghe dân bản địa kể rằng người Lai Châu cũ (nay là Điện Biên) và Sơn La từ xa xưa còn lưu truyền câu chuyện kể về cuộc bàn thảo tìm cách vạch định ranh giới của hai địa phương bằng một cuộc đua ngựa vượt dốc Pha Đin. Người và ngựa của cả hai phía đều đồng thời xuất phát từ dốc đèo. Hai dũng sĩ và hai con tuấn mã đều có sức mạnh và ý chí như nhau nên khoảng cách mà họ đi được cho tới địa điểm gặp nhau trên đèo không chênh lệch bao nhiêu. Tuy vậy, phần ngựa Lai Châu phi nhanh hơn nên phần đèo thuộc về Lai Châu dài hơn một chút so với phía Sơn La. Một truyền thuyết khác cũng kể lại rằng: Xưa trên đỉnh Phạ Đin có một nàng con gái xinh đẹp tuyệt trần. Nàng bị tranh chấp bởi hai lãnh chúa trong vùng. Một cuộc chiến diễn ra để tranh giành người đẹp, cuối cùng hai lãnh chúa đi về hai hướng và hết lương thực nên chọn đỉnh đèo làm mốc phân chia không bao giờ được xâm phạm lẫn nhau.

Chuyện xưa chỉ nghe kể nên “pho sử Dị” chẳng dám chắc. Nhưng có những chuyện ông dám chắc thì hẳn bất cứ ai nghe cũng thấy buồn. Ông dẫn tôi đi xa hơn lên phía đồi thông. Hai ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên được phát hiện trong một lần công nhân làm đường mấy năm trước. Cách đó chừng một cây về phía dốc đèo là tấm bia ghi lại một sự kiện lịch sử. Lễ tết ông lại lên nhang khói và trò chuyện với vong linh người đã khuất. Trong kháng chiến chống Pháp đèo Pha Đin trở thành một biểu tượng của tinh thần gan dạ với hơn 8.000 thanh niên xung phong "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Năm 1954, suốt 48 ngày đêm tướng Đờ Cát đã cho máy bay oanh tạc đường số 6, đèo Pha Đin là nơi hứng chịu nhiều nhất lượng bom đạn đổ xuống. Ông bảo với tôi rằng xung quanh đồi thông thỉnh thoảng vẫn đào được bom. Năm 2007, công nhân đào đường còn phát hiện cả một quả bom nặng gần 5 tạ nằm ngay trên đỉnh đèo. “Và chẳng biết trong lớp đất đá này còn bao nhiêu người ngã xuống chưa được tìm thấy. Nếu họ lên trò chuyện với tôi cho đỡ buồn thì hay biết mấy”. Ông Dị nói xong rồi nhìn sang mấy tảng đá bên cạnh khiến tôi thấy lành lạnh ở sống lưng.

Nhà ông ở Điện Biên. Mỗi tháng được về nhà một ngày để thăm gia đình và chuẩn bị lương thực. Một lần về như thế ông phải cõng tất tần tật cho một tháng. Gạo, thịt, mỳ tôm lên chất vào tủ. Chỉ thỉnh thoảng mới cải thiện được bữa ăn tươi thì phải vào rừng hái rau hoặc xuống chân đèo mua của dân bản. Lâu lắm gia đình hoặc cơ quan mới có người lên thăm. Phần vì bận rộn mưu sinh, phần nữa họ sợ con đèo dài đằng đẵng và độ dốc chẳng khác nào lên trời từ đỉnh đèo lên nơi ông sống. Thành thử bạn với ông là một con mèo. Chỉ có điều là con mèo ấy bao năm không lớn nổi vì thời tiết ở đây khắc nghiệt quá. Đào rừng cũng trốn rét đến cuối tháng Giêng mới bắt đầu hé nụ ra hoa.   

Ngôi trường chẳng có lớp 2 

Đỉnh đèo Pha Đin cũng có một trường học. Trường của dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các bản Pa Khôm và Huổi Ái (xã Mường É, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La). Thú thật, đây là ngôi trường kỳ lạ nhất mà tôi từng thấy. Đó là trường tiểu học hẳn hoi nhưng chẳng hiểu vì sao lại không có lớp 2. Thầy giáo Giàng Khứ giải thích: Cả trường có chưa đầy 30 học sinh độc toàn người Mông. Có lớp 1,3,4,5 nhưng chẳng có lớp 2 vì không “chiêu sinh” được. Mỗi lớp còn lại ở đây chỉ dăm bảy học sinh và chẳng lớp nào cùng độ tuổi. Có đứa hơn chục tuổi rồi vẫn mới bắt đầu vào lớp 1. Có đứa em học lớp trên còn anh học lớp dưới. Lại có đứa vừa đi học vừa địu theo em… 

Nói về sự hoang vu trên đỉnh Pha Đin, một trong tứ đại đèo của Tây Bắc, ông Dị kể rằng: 5 năm trước có một tên cướp khét tiếng ở Thuận Châu (Sơn La) bị truy nã bèn lên đây để trốn. Rất nhiều tổ công tác, các chuyên án thành lập vây bắt. Phải mất một thời gian nếm mật nằm gai phục kích, đến lúc có tin báo bắt được nhưng lại ở đâu tận dưới Nam Định.

Hôm tôi đến là một buổi “lên đèo học chữ” bình thường. Các thầy cô giáo đều có nhà dưới xã phải dậy sớm hơn giờ đến lớp vài tiếng đồng hồ để vòng qua các bản gọi học sinh. Thầy Khứ cứ xoa xoa tay khen học sinh của mình thích đến lớp. Và cũng chính thầy phải nói ra rằng chúng đến lớp không phải do ham học mà để tránh những buổi lên nương. Lớp học bị bao phủ bởi mây mù đến mức thấy cô cứ đứng giảng, học sinh ở dưới làm gì cũng không biết vì hai bên chẳng thấy mặt nhau.

Có lẽ vì thế mà cho đến nay, chỉ có duy nhất thầy Khứ là người Mông ở đỉnh đèo này học cao thành “người có lương Nhà nước”. “Hầu hết học sinh ở trường đều là con hộ nghèo. Đi học được cấp sách vở hẳn hoi nhưng có lẽ nương rẫy và những bữa đói bữa no đã chiếm hết tâm trí chúng”- Thầy Khứ có phần ngán ngẩm.

Giờ giải lao giữa buổi học tôi để ý đến đám học sinh. Chúng quây nhau lại chơi trò nhảy dây vận động cho đỡ lạnh. Chẳng biết đấy là sáng kiến của ai nhưng nhảy xong rồi đứa nào đứa nấy vẫn cứ tái xạm. Chắc chắn đấy không phải là những đứa trẻ sức khỏe yếu. Vì nếu yếu thì không thể đến ngôi trường lạnh bậc nhất Tây Bắc này chỉ với manh áo phong phanh. Tôi thử theo gót chúng về nhà sau giờ tan học. Bản Pa Khôm nằm cheo leo phía sau ngọn núi cao nhất ở đỉnh đèo. Mấy chục hộ đồng bào Mông sống ở đây chỉ dựa vào củ sắn trên nương, cành củi trong rừng. Họ dùng chung một mó nước mãi tận trên đỉnh núi. Mỗi lần muốn lấy nước lại phải xếp hàng. Dễ hiểu vì sao họ không muốn con cái đến trường.

Cả thầy lẫn trò ở ngôi trường kỳ lạ này đang bắt tay một cuộc chiến. Cuộc chiến xóa mù chữ giữa bốn bề mây phủ. Khó khăn là tất yếu, chẳng biết những lần đi gọi học sinh của thầy Khứ và đồng nghiệp có đem lại hiệu quả gì không.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm