| Hotline: 0983.970.780

Làng quê đang méo mó: [Bài IV] 355 ngày ở phố và 10 ngày ở quê

Thứ Sáu 15/11/2019 , 09:05 (GMT+7)

Một số vùng, lao động cả năm chỉ ở quê khoảng 10 ngày vào dịp ma chay, cưới xin, lễ tết, còn tha phương 355 ngày để kiếm tiền về xây những căn nhà to gấp vài chục lần chỗ ở tạm bợ trên phố. Chúng quanh năm cửa đóng im ỉm và phủ lấm bụi mờ…

Hình mẫu của miền Bắc hơn 40 năm trước

Nhà nghiên cứu sử Mai Kim Phúc nhớ lại, hồi đó khi ông mới tốt nghiệp đại học được điều về Nam Ninh (Nam Trực và Trực Ninh) tỉnh Nam Định làm công tác văn hóa cho huyện điểm của cả miền Bắc khi ấy. Một ủy viên trung ương là Tạ Hồng Thanh trước đó đã được điều về làm Bí thư.

Huyện lại chọn xã Đồng Sơn làm điểm cho công cuộc cơ giới hóa toàn quốc, chỉnh trang xóm làng bởi đây là địa phương nhiều đất nông nghiệp nhất, hơn 1.000 ha, địa hình bằng phẳng thuận lợi cho cả tưới lẫn tiêu.

Mọi nguồn lực được đổ về như thác lũ, nào là máy cày, máy bừa, máy gặt đập…khiến cho dân làng vội vã bán trâu, bán cày. Một số công trình cổ bị dỡ đi để dành chỗ cho một trại lợn tập thể cả ngàn con. Người sống trong bốn cái trại ngoài đồng được di vào trong làng còn người chết dưới các cồn đống rải rác ngoài đồng cũng được di về nghĩa trang tập trung của thôn.

22-11-20_nh_46
Phó Thủ tướng Võ Chí Công về thăm trạm máy kéo ở Đồng Sơn năm 1977 (Ảnh tư liệu).

Trên cái sa bàn đắp nổi để ở Ủy ban xã, một con đường lớn xẻ đôi thôn Tây Lạc, hai bên là những dãy nhà mái ngói thay cho mái tranh, tường gạch thay cho tường đất. Những ngõ hẻm, đường cong đều được nắn thẳng hàng, ngay lối. Năm 1976 làng đã có điện thắp sáng ngoài đường hay trong chuồng lợn tập thể khi mà nhiều dân thành phố còn chưa biết đến cái bóng đèn điện nó tròn méo ra sao. Sớm chiều loa HTX phát rộn ràng khắp đầu thôn cuối xóm.

Một nhà báo trung ương về công tác đã cảm động quá mà nằn nì ông Chủ nhiệm HTX rằng: “Đêm nay tôi muốn ở lại để xem bóng đèn ở thôn ta nó sáng như thế nào”. Tổng Bí thư Lê Duẩn dịp Tết ấy có về thăm và nhận định: Tương lai của chúng ta đẹp lắm! Tôi mong rằng sắp tới nhà người dân nào ở đây cũng có ti vi, tủ lạnh...

Phải hơn 30 năm sau ước mơ nhà nhà có ti vi, tủ lạnh mới trở thành sự thực nhưng mô hình nông thôn kiểu mẫu ngày nào đã biến dạng đến mức không thể nhận ra. Máy móc hồi ấy phần vì không hợp với khí hậu nhiệt đới, phần vì kiểu quản lý cha chung không ai khóc nên sau mấy năm đã nằm hoen gỉ trong kho. Do trâu bò đã bị bán hết thành ra dân làng phải è cổ dùng cuốc để cuốc ruộng nên họ mới nói nhại phong trào cơ giới hóa toàn quốc thành phong trào cơ giới hóa toàn cuốc.
 

Quê nhuốm bụi, phố chật chội

Anh Đoàn Văn Trường - Chủ tịch xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực bảo hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng khá hoàn thiện ngày nay cùng với 3 cái hồ rất đẹp của thôn Tây Lạc là di sản hồi đó để lại. Nhưng tất cả chỉ có thế. Đường làng so với hồi ấy còn ngoằn ngoèo hơn, nhỏ hẹp hơn và nhà cửa thì lộn xộn về kiến trúc.

Một góc làng Tây Lạc.

Chừng 20 năm trở lại đây thế hệ con cháu đã phát triển phở Cồ cổ truyền của cha ông từ nghề phụ thành nghề chính. Số đăng ký hộ khẩu của Đồng Sơn hơn 17.000 người nhưng đợt điều tra dân số và nhà ở mới đây chỉ 10.000 có mặt. Lý do là đội quân 7.000 lao động của xã đã bung ra ngoài để mở quán hoặc nấu phở thuê.

>>Làng quê đang méo mó: [Bài III] Làng phố và phố làng

>>Làng quê đang méo mó: [Bài II] Những làng quê như bị… hun chuột

>>Làng quê đang méo mó: [Bài I] Những căn nhà kiểu container

Tính khiêm tốn nhất mỗi người thu nhập 10 triệu/tháng cũng đem lại doanh thu ngót 100 tỉ cho Đồng Sơn khiến cho “GDP” của người dân nơi đây cao vút 44 triệu/năm còn tỷ lệ hộ nghèo đẩy xuống chỉ còn 0,7%.

Có tiền cộng với việc đi khắp các phố phường trong cả nước để hành nghề nấu phở mà văn hóa đô thị đã du nhập về xóm làng một cách rất tự nhiên. 80-90% dân làng xây những ngôi nhà ống, nhà tầng giống như trên phố; ti vi, tủ lạnh gần như 100% có; điều hòa chừng 70% có.

Anh Trường tổng kết: Dân ở quê khoảng 10 ngày trong năm vào dịp ma chay, giỗ chạp, cưới xin còn Tết cũng chỉ dám nghỉ có 2 - 3 ngày thôi bởi dịp đó tiêu thụ phở rất mạnh. 355 ngày ở ngoại tỉnh khiến cho nhiều ngôi nhà đồ sộ của làng lúc nào cũng phủ lấm bụi mờ.

Tôi nhờ anh ước tính điều kiện nhà ở tại quê và chỗ ở tại nơi bán hàng của những người nấu phở và đây là kết quả: Nhà ở quê mỗi gia đình khoảng 100m2 còn 40% chỗ ở của người bán phở trên phố rộng khoảng 5m2 được lắp thêm cái gác xép; 30% có diện tích ở vào dạng trung bình; 30% kinh tế khá hơn, có điều kiện mua đất, mua nhà riêng trên phố, sống khá thoải mái. Bởi vì chỉ sống khoảng 10 ngày ở quê nên anh Trường nhận định dân làng không cần phải xây nhà rộng quá, rất lãng phí bởi càng đóng cửa lâu càng xuống cấp mạnh...

Những con ngõ nhỏ ngoằn nghèo trong làng Tây Lạc.

Tôi đến thăm nhà Chu Văn Hoan ở thôn Thượng Đồng đúng dịp hiếm hoi anh về quê, cho người sửa sang đám cây cảnh đang bị phá tán trông như những cây phôi ở ngoài đồng. Căn nhà ba tầng đồ sộ mỗi sàn 230m2 dựng trên khuôn viên đất 6.000m2 năm 2010 xây mất hơn 3 tỉ giờ đây chỉ có mình mẹ già ở, không mấy khi bà bước chân lên đến tầng ba.

Mấy người con làm đủ nghề thỉnh thoảng đáo về quê thăm một chốc lát rồi đi. Tôi hỏi anh Hoan nếu như thời gian có thể quay trở lại thì có làm nhà to thế không, anh cười: “Đúng là nó quá to và lãng phí! Giá như khi xưa tôi chỉ xây hai tầng thì vừa đẹp”.

Một người thợ sửa cây cho nhà anh Hoan.

Gần đó là công trình của anh Nguyễn Văn Chiến mới soán ngôi căn nhà xây đắt tiền nhất của xã. Nó được thiết kế ngoại thất dạng mái vòm kiểu Âu còn bên trong nội thất cầu kỳ tân cổ điển. Người làng nhẩm tính giá trị không dưới 5-6 tỉ đồng nhưng nó lại không có cửa sổ ở hai bên vì đã xây hết diện tích đất để gia tăng thêm độ hoành tráng. Kẹp sát tòa nhà to như một lâu đài ấy là hai căn nhà ống của người thân anh Chiến, gầy mỏng và khiêm nhường.

Căn nhà mới xây của anh Chiến.


Gia cảnh của một lão nông

Ông Đỗ Quang Vinh ở xã Hải Lý (Hải Hậu, Nam Định) đang nằm mơ màng trên giường bỗng giật mình khi nghe thấy giọng con trai gọi: “Bố sao lại đeo cả kính mà đi ngủ thế kia?” bởi nó đang ở trong Nam kia mà? Thì ra là anh con trai đang mở điện thoại để theo dõi căn nhà của mình từ xa qua camera.

Vốn là người nông dân nghèo, tần tảo cả đời nuôi đàn con, không bao giờ ông lại dám nghĩ rằng con mình lại có thể xây một cái nhà to và hoành tráng nhất xã thế này. Nó kiểu biệt thự Pháp cao 3 tầng với mỗi sàn rộng chừng 150m3 nội thất bên trong đỏ rực một sắc gỗ quý. Riêng công làm gỗ theo ông Vinh đã khoảng 900 triệu chưa kể tiền gỗ gần 2 tỉ khiến cho tổng giá trị của căn nhà đội lên chừng 7-8 tỉ chưa kể đồ đạc.

Ông bà có 4 người con trai thì 3 người Nam tiến, 1 người ở quê. Căn nhà này là của người con tên Cường làm nghề tiệc cưới, một năm thường về quê 2-3 lần dịp Tết, hè hay Noel khiến cho ông thường xuyên phải ra trông. Nhiều đêm hàng xóm nghe thấy những thanh âm não nề vọng sang bảo rằng nhà… có ma, rằng đất ấy ngày xưa lắm cốt ông chỉ cười giải thích chẳng qua đó là tiếng gió thổi qua những cánh cửa chưa kịp làm chốt.

Ông Vinh trông nhà cho người con trai.

Còn theo anh Vũ Viết Văn cựu Chủ tịch xã cũng tương tự như ở Đồng Sơn, Hải Lý có một đội quân khoảng 1.000 người đi làm nghề bán phở, bánh mì, cháo lòng tứ xứ mà tập trung nhất ở trong Nam. Nguồn tiền gửi về khiến cho những ngôi nhà mới xây mỗi lúc một to, một cầu kỳ hơn, trị giá trung bình khoảng 1,5 tỉ đồng mỗi cái biến nhiều xóm như phố trong làng.

Đường mở ra đến đâu nhà bám theo đến đấy, chủ yếu là dạng ống, tường nhà nọ chạm vào tường nhà kia, bậc cửa, mái nhà nào xây sau thường cao hơn nhà xây trước khoảng 5-7cm. Xưa hầu như gia đình nào cũng có ao theo đúng đặc trưng làng biển nhưng giờ hầu như đã lấp hết để xây nhà. Bởi thế mà tiếng là gần biển nhưng đường thôn sau mỗi trận mưa to dễ bị ngập úng vì hết chỗ chứa nước.

Những căn nhà cũ của làng Tây Lạc.

Lý giải về chuyện cảnh quan, kiến trúc của quê mình thay đổi, anh Văn bảo: Kinh tế phát triển cộng với dân số tăng nhanh, tỷ lệ sinh con thứ ba phổ biến. Năm 1999 khi tôi bắt đầu làm Chủ tịch có 9.500 khẩu mà giờ đã trên 11.000 khẩu. Một mảnh đất giờ phải chia 3-4 đứa con thì chỉ có làm theo kiểu nhà ống mới đủ”.

Đón xem bài V: Nông thôn đang thiếu sự kiểm soát

  • Làng Nủ trước ngày khánh thành
    Phóng sự 14/12/2024 - 21:19

    40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.

  • Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’
    Phóng sự 14/12/2024 - 10:15

    Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.

  • Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh
    Phóng sự 12/12/2024 - 10:57

    YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.

  • Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao
    Phóng sự 06/12/2024 - 14:00

    Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.

  • Lãng du - những ấn tượng khó phai
    Phóng sự 06/12/2024 - 10:18

    Miền núi phía Bắc luôn níu chân du khách, từ cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, cho đến những sản vật đặc trưng, cùng sự nồng hậu của người dân địa phương.

  • Cây vàng trên Mỏ Vàng
    Phóng sự 06/12/2024 - 06:00

    Trời còn đẫm sương đêm, ông Đặng Nho Hưng (thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng) đã thức giấc, mượn người lên đồi dọn thân củi quế chuẩn bị cho một mùa mới...

  • Đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng
    Phóng sự 05/12/2024 - 15:15

    Ở Sa Pa (Lào Cai) có một cộng đồng người Dao đỏ đắm đuối với cây thuốc bản địa, đắm đuối với bài thuốc cha ông. Họ kiên trì đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng...

  • Sâm Lai Châu trên đỉnh Pusilung
    Phóng sự 05/12/2024 - 14:00

    Dự hội nghị định hướng phát triển sâm Việt Nam do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì, ông Ngô Tân Hưng càng quyết tâm xây dựng thương hiệu Sâm Việt Nam thành ngành hàng.

  • Vùng xanh ngát dưới chân đèo Pha Đin
    Phóng sự 05/12/2024 - 06:00

    Mấy chục năm về trước, xã Phổng Lái thiếu nước sinh hoạt, người dân hầu như sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến quy mô hàng hóa.

  • Canh giữ linh hồn của rừng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:53

    Người ta gọi hổ là chúa tể của rừng xanh, còn tiếng hót của vượn chính là linh hồn của rừng.

  • 'Cá thần' dưới chân thác Trăng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:50

    Từng vài lần ăn cá dầm xanh ở Hòa Bình hay còn có tên cá bỗng ở Tuyên Quang, 'cá thần' ở Thanh Hóa, tôi ấn tượng về sự thơm, ngon, ngọt đậm của nó.

  • Đem hoa quả xứ người lên đất dốc
    Phóng sự 04/12/2024 - 13:45

    Thuở ban đầu, Sơn La chỉ toàn ngô, sắn và cây lâm nghiệp, tìm đỏ mắt không thấy bơ, nhãn, chứ đừng nói đề huề như bây giờ.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.