| Hotline: 0983.970.780

Cải tạo đất chiêm trũng trồng nho Hạ Đen, nườm nượp người mua

Thứ Sáu 28/04/2023 , 17:06 (GMT+7)

HÀ NAM Thuê thầu và cải tạo vùng đất chiêm trũng để trồng nho Hạ Đen không hạt, trang trại của anh Tuấn luôn nườm nượp khách tới mua, tham quan trải nghiệm, cung không đủ cầu...

Anh Trần Anh Tuấn (sinh năm 1982) ở thôn Tường Thụy 2, xã Trác Văn, thị xã Duy Tiên (Hà Nam) là người đầu tiên đưa nho Hạ Đen về trồng ở địa phương và đã gặt hái được thành công bước đầu.

"Khăn gói quả mướp" học trồng nho

Về thăm mô hình trồng cây nho Hạ Đen của vợ chồng anh Trần Anh Tuấn (sinh năm 1982) và chị Nguyễn Thị Thu Hà ở thôn Tường Thụy 2, xã Trác Văn, ấn tượng đầu tiên là hình ảnh hai vợ chồng đang cặm cụi kiểm tra “sức khỏe” từng cây nho, từng chùm quả nho lúc lỉu, căng mọng. 

Nhớ về những ngày đầu bén duyên khởi nghiệp với giống cây nho Hạ Đen, anh Tuấn tâm sự, trước đây, khi đang chạy xe tải đường dài, anh tình cờ nghe bạn bè nói chuyện giới thiệu ở tỉnh Lạng Sơn có trang trại trồng cây nho Hạ Đen đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Anh Tuấn bên trang trại nho trĩu quả của mình. Ảnh: VNTH.

Anh Tuấn bên trang trại nho trĩu quả của mình. Ảnh: VNTH.

Đây là giống nho có nhiều ưu điểm vượt trội như sinh trưởng khỏe, nhanh cho thu hoạch, thịt quả dày, giòn, có mùi thơm dịu, ngọt và đặc biệt là không có hạt. Sau khi tìm hiểu và nhận thấy cây trồng này phù hợp với đồng đất chiêm trũng ở địa phương, tháng 3/2019, anh bàn bạc với gia đình và quyết định vay vốn để đấu thầu 0,6ha đất của hàng xóm, đầu tư hệ thống nhà giàn, nilon, hệ thống tưới phun nước nhỏ giọt, cây giống... với tổng chi phí đầu tư ngót nghét 1,5 tỷ đồng.

“Đầu tư lớn, lại mới bắt tay vào nghề còn thiếu kinh nghiệm nên nếu sợ, băn khoăn lo lắng thì không dám làm. Gia đình không phản đối nhưng lâu lâu lại hỏi dò có ý chê, khuyên ngăn nên tôi cũng chạnh lòng lắm. Vợ chồng tôi phải chịu khó học hỏi từ trên mạng, sách báo rồi qua bạn bè, người thân quen, kinh nghiệm của những người thành công đi trước. Đến nay đã qua giai đoạn khó khăn, vợ chồng tôi cũng mừng lòng, gia đình phấn khởi”, anh Tuấn vui vẻ.

Nho Hạ Đen không hạt là loại cây khó tính với khí hậu tại miền Bắc nên anh Tuấn đã xác định rủi ro cao nhưng cũng có cơ hội lớn. Bởi tại miền Bắc, rất ít địa phương trồng được nho do độ ẩm cao. Trong khi nho là cây ưa nắng, nếu mưa và độ ẩm quá cao sẽ bị úng rễ, sâu bệnh và chết dần. Do đó, phải hiểu được đặc tính của cây và làm chủ được kỹ thuật, nhất là phải luôn theo sát từng giai đoạn sinh trưởng, bổ sung dinh dưỡng hợp lý để chủ động cho cây ra hoa, đậu quả.

Cây nho Hạ Đen không hạt trồng ở miền Bắc gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, song cũng có nhiều cơ hội về thị trường. Ảnh: VNTH.

Cây nho Hạ Đen không hạt trồng ở miền Bắc gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, song cũng có nhiều cơ hội về thị trường. Ảnh: VNTH.

“Ban đầu, tôi lặn lội lên tận tỉnh Lạng Sơn có trang trại trồng giống nho Hạ Đen để học hỏi kỹ thuật. Tháng 3/2019, tôi mua 2.200 cây giống về trồng thử nghiệm trên diện tích 0,6ha đấu thầu của bà con địa phương. Bạn ở Lạng Sơn cam kết tư vấn về mặt kỹ thuật, nhưng do khoảng cách về địa lý không đi lại được nên chỉ trao đổi qua điện thoại, zalo.

May mắn là đến đầu năm 2020, vợ chồng tôi gặp được em Cương (từng học trường Đại học Nông lâm Bắc Giang). Em ấy hướng dẫn kỹ càng lắm, rồi chỉ cho tôi cách chăm bón, thụ phấn cho hoa, thời điểm thu hoạch..., nhờ đó tôi đã nắm được nhiều kỹ thuật”, anh Tuấn cho hay.

Anh Tuấn cũng “khăn gói quả mướp” đi nhiều nơi để tham quan, học hỏi quy trình trồng nho Hạ Đen thành công ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Dù bận tới đâu, anh cũng không bỏ lỡ một buổi tập huấn trồng trọt nào do chính quyền địa phương tổ chức.

Để canh tác bền vững và cho ra sản phẩm an toàn, trang trại nho của anh Tuấn chú trọng sản xuất theo hướng hữu cơ. Ảnh: VNTH.

Để canh tác bền vững và cho ra sản phẩm an toàn, trang trại nho của anh Tuấn chú trọng sản xuất theo hướng hữu cơ. Ảnh: VNTH.

Cuối năm 2020, vườn nho của anh Tuấn đã cho thu hoạch 4 tấn quả, với giá bán 150.000 đồng/kg, anh thu về 600 triệu đồng. Tiếp nối thành công bước đầu đó, tháng 3/2021, anh quyết định làm đơn đề nghị đấu thầu mở rộng thêm 1ha, nâng tổng diện tích canh tác lên 1,6ha và được UBND xã Trác Văn và Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông thị xã Duy Tiên đồng ý, quan tâm tạo điều kiện.

Không ngớt khách tới mua

Về bí quyết để cây nho phát triển tốt, sai quả, anh Tuấn chia sẻ: “Giống nho này phải tuân theo kỹ thuật nghiêm ngặt, quan trọng nhất là phải có mái che (vì khí hậu miền Bắc mưa nhiều, độ ẩm cao, có sương muối), phải chọn được giống cây chuẩn cây mới phát triển đều và cho năng suất, chất lượng quả ngon.

Phải thực hiện cắt tỉa cây thường xuyên, việc phòng trừ sâu bệnh phải theo định kỳ, tuân thủ theo hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật và quy trình sản xuất VietGAP. Nho Hạ Đen phù hợp với thời tiết nắng, khi mưa ẩm nhiều rất dễ thối cuống, quả, các loại nấm bệnh phát triển. Để tránh ngập úng tại khu vực trồng, nhà vườn phải đào các rãnh đất cao, thiết kế bạt phủ dưới gốc để cây có điều kiện phát triển tốt”.

Cây giống nho Hạ Đen phải đảm bảo chất lượng, mua ở cơ sở có uy tín. Ảnh: VNTH.

Cây giống nho Hạ Đen phải đảm bảo chất lượng, mua ở cơ sở có uy tín. Ảnh: VNTH.

Đối với khâu làm đất, phải làm sạch cỏ, làm đất tơi xốp, có rãnh thoát nước tốt, đảm bảo độ pH trong đất duy trì từ 6 - 7, làm luống và đào hố trồng. Kích thước luống được thiết kế rộng 1,5m, cao 25cm; khoảng cách trồng 1m × 2,5m (cây cách cây 1m, hàng cách hàng 2,5m); đào hố với kích thước 50 × 50 × 40 (dài × rộng × sâu). Bên cạnh đó, vườn nho được anh Tuấn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun nước nhỏ giọt. Do cây nho Hạ Đen là cây thân leo nên sau khi trồng được gia đình anh làm giàn để cây bám vào phát triển, chiều cao của giàn được thiết kế khoảng 1,8m.

Anh Tuấn chọn cây giống F1, khỏe mạnh, có đủ bộ rễ, không bị sâu bệnh, cao 15 - 20cm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ những cơ sở, trung tâm giống uy tín.

Đối với phân bón, gia đình anh sử dụng phân chuồng ủ hoai mục đã được xử lý mầm bệnh bằng men vi sinh kết hợp cùng các loại phân bón hữu cơ và vôi bột để bón. Khi bón phân cho cây, phân được bón quanh gốc, thời gian đầu bón cách gốc cây 20cm, các lần tiếp theo bón xa dần. Đến thời kỳ chuẩn bị thu hoạch, bón phân chuồng bình quân khoảng 20 tấn/ha/vụ.

Đối với phân hóa học, được bón các loại như: Lân,Ure, Kali, NPK Lâm Thao theo công thức 184 - 160 - 200kg/ha/vụ. Nếu bộ rễ cây nho bị tổn thương hoặc cây phát triển kém thì có thể sử dụng thêm phân bón lá cho cây như K-humat, Agrostim...

Để bảo vệ khỏi côn trùng, sâu hại, vườn nho được bao lưới cẩn thận. Ảnh: VNTH.

Để bảo vệ khỏi côn trùng, sâu hại, vườn nho được bao lưới cẩn thận. Ảnh: VNTH.

Giai đoạn trước khi cây trổ hoa, sau khi đậu quả và khi quả lớn, có thể sử dụng thêm một số loại phân bón có hàm lượng canxi cao như canxibore, Kali trắng (kali sulfat) để bón; đồng thời trước khi thu hoạch 15 ngày cũng dừng việc tưới nước nhằm cho quả nho khi chín có màu đen nhánh, ngọt lịm.

Về kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, anh Tuấn thường xuyên cắt tỉa những cành nhánh, cành yếu, mật độ duy trì 10 cành/m2. Khi hoa bắt đầu nở thì tiến hành tỉa hoa, chỉ để lại 1 chùm hoa trên mỗi cành, mỗi chùm hoa để lại 15 - 20 nhánh hoa, sau đó tiến hành thụ phấn cho hoa.

Đối với giai đoạn tỉa quả, khi quả có đường kính khoảng 0,5 - 1cm, mỗi chùm chỉ nên để từ 60 - 70 quả. Việc này nhằm tạo sự thông thoáng để quả phát triển và tạo hình dáng cho chùm quả nho sau này. Bên cạnh đó, phải bọc lưới khi quả bắt đầu chuyển màu từ xanh sang đỏ để quả đẹp mã, phòng trừ sâu và chim, chuột gây hại...

Về phòng, trị sâu bệnh cho cây nho, cần chú trọng tới bọ trĩ, bệnh mốc sương, bệnh phấn trắng, nấm, gỉ sắt, bọ cánh cứng hút nhựa làm lá khô, rụng, sâu ăn hại lá... Để phòng trừ sâu bệnh, anh Tuấn sử dụng chế phẩm sinh học phun định kỳ 2 tuần/lần.

Vườn nho của anh Tuấn bước đầu đã cho kết quả khả quan. Ảnh: Trần Toản.

Vườn nho của anh Tuấn bước đầu đã cho kết quả khả quan. Ảnh: Trần Toản.

Cũng theo anh Tuấn, cây nho Hạ Đen không hạt có chu kỳ sinh trưởng kéo dài từ 7 - 10 năm, một năm cây ra quả cho thu hoạch 2 vụ (vụ tháng 6 và vụ tháng 11 dương lịch). Thời gian còn lại cho cây nghỉ dưỡng sức các tháng mùa đông.

Hiện tại, trang trại nho của gia đình anh Tuấn có diện tích 1,6ha với 5.400 gốc, cho thu hoạch ổn định 14 tấn/năm, với giá bán tại vườn như hiện nay 150.000 đồng/kg, ước tính sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi năm lãi khoảng 970 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh Tuấn còn tạo công ăn việc làm cho 2 lao động địa phương với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.

Để quảng bá sản phẩm nho Hạ Đen của trang trại, anh Tuấn tích cực áp dụng công nghệ thông tin, đưa các hình ảnh của khu vườn để quảng bá, giới thiệu trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo, youtube... và thông qua người thân, bạn bè. Nhờ đó, đã có nhiều người đến trải nghiệm tại vườn.

Vườn nho phát triển rất tốt. Ảnh: Trần Toản.

Vườn nho phát triển rất tốt. Ảnh: Trần Toản.

Anh Tuấn luôn chú trọng và tỉ mỉ với sản phẩm, đóng giỏ rất đẹp, dán nhãn tên của vườn nho. Ngoài việc áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, anh Tuấn cũng chủ động gửi sản phẩm nho đến các siêu thị để thử nghiệm và đều cho kết quả an toàn. Với sản lượng và khách hàng như hiện tại, gia đình anh không đủ nguồn hàng để bán. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh Hà Nam, Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định... Từ lúc nho chín, vườn anh Tuấn không lúc nào ngớt khách ra vào, thương lái đến mua nho, thậm chí còn có nhiều du khách đến tham quan, thưởng thức tại vườn và mua về làm quà.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm