| Hotline: 0983.970.780

Làng thợ xây giữa Trường Sa

Thứ Ba 02/09/2014 , 14:10 (GMT+7)

Ngôi làng đặc biệt đó chính là Bỉnh Di (xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, Nam Định). Tiêu chuẩn thợ xây ra đảo ngoài tay nghề giỏi còn cần có một lý lịch sạch không tì vết, được cốp dấu bảo đảm của chính quyền sở tại.

Thiếu tướng Hoàng Kiền, một người con của làng, đã viết như thế này: “Việt Nam có một ngôi làng/ Hai trăm năm tuổi vững vàng đi lên/ Đánh Tây, chống Mỹ rạng tên/ Hy sinh, đóng góp lập nên công đầu/ Nghề nông mưa nắng dãi dầu/ Chiêm mùa hai vụ lúa mầu tốt tươi/ Thợ xây, thợ mộc dạo chơi/ Vươn ra biển cả đất trời Trường Sa/ Hiểm nguy giông bão vượt qua/ Từ bờ đến đảo bài ca công trường…”.

Gốc tích nghề đặc biệt

Ngôi làng đặc biệt đó chính là Bỉnh Di (xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, Nam Định).

Ông Lê Văn Biền, một trong nhóm bảy người thợ đầu tiên của làng được tuyển dụng ra xây dựng trên đảo Nam Yết năm 1991 kể rõ ngọn nguồn: Ông Hoàng Kiền lúc đó là Trung đoàn trưởng đơn vị công binh 83 về Bỉnh Di tuyển thợ. Đúng ra, công trình quân sự chỉ do lực lượng trong ngành đảm trách nhưng cánh lính trẻ chỉ mới biết xây thô mà không thực hiện được các kỹ thuật khó như đắp phào, kẻ chỉ, kẻ cạnh cửa, ốp lát...

Tiêu chuẩn thợ xây ra đảo ngoài tay nghề giỏi còn cần có một lý lịch sạch không tì vết, được cốp dấu bảo đảm của chính quyền sở tại.

11-45-55_dsc_7843
Ông Biền bên mấy con ốc kỷ niệm

Kể từ đó, tốp này đến tốp khác, thế hệ này già lại có thế hệ khác ở làng lên thay đi xây đảo. Hành trình của ông Biền khi ấy từ quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) đi trên một chiếc tàu “há mồm” đổ bộ cũ kỹ.

Cùng chuyến hải hành với ông là xi măng, sắt thép, là gà, vịt, lợn, ngan. Tiếng là dân vùng biển nhưng cả đời chỉ làm ruộng, đi xây nào có bước chân lên thuyền bao giờ? Thế mà dám cưỡi sóng biển vươn khơi cả trăm cây số.

Buổi trời động, ngoài thời gian ăn là nôn. Nôn mật xanh mật vàng. Nôn lộn tim gan phèo phổi. Hễ đứng dậy là cơn nôn lại trào đến. Cuối cùng không dám dậy đi ăn, đi vệ sinh nữa, cánh thợ thuyền nằm bẹp trên khoang tàu như cá mòi xếp trong hộp.

Lên đến đất liền rồi mà bước chân của họ vẫn còn thập thõm như người nằm trên phao. Gà vịt cũng say sóng hệt như người. Con nào lử lả là thịt luôn trên tàu. Lợn mang ra đảo khi mới thau tháu 40-50 cân một chú rồi cứ vừa nuôi vừa mổ dần. Thịt đến con cuối cùng nó đã kịp phổng phao nặng đến trên 2 tạ.

11-45-55_1
Cẩu vật liệu ra xây đảo

Nam Yết khi đó chỉ có một dãy nhà cấp bốn. Biển, mùa gió chướng thổi khô người. Chân nặng. Tay nặng. Mắt nặng. Đầu nặng. Người nhơm nhớp. Chín giờ cả đảo đã chìm trong bóng tối.

Nước sinh hoạt khó khăn. Tiêu chuẩn mỗi người chỉ 5-7 lít một lần tắm. Tắm biển xong rồi đứng trong một cái chậu to dội từ trên đầu xuống chân một hai gáo nước ngọt. Số nước đọng lại không đổ bỏ mà được chắt ra để trộn vữa.

Mùa xây dựng trên đảo từ tháng hai đến tháng tám, tháng chín, biển động, sóng dữ là phải về đất liền. Thời gian rất gấp gáp. Ngày xây, đêm chuyển vật liệu.

Nhóm của ông Biền có nhiệm vụ xây cột mốc và một ngôi nhà hai tầng đầu tiên trên đảo cho bộ đội. Sáu tháng cách biệt quê nhà của nhóm thợ xây xem ra vẫn chưa thấm tháp vào đâu so với cánh lính. Có người lính hai ba năm chưa được về, viết lá thư năm nay nhưng năm sau mới nhận được hồi âm. Quê nhà vời vợi xa cách bởi muôn trùng sóng biếc.

Xây dưới họng pháo tàu nước ngoài

Ông Đỗ Ngọc Quyển ra đảo Sinh Tồn năm 1994. Khi ấy cả vùng nước quanh đảo còn đang dậy sóng bởi tàu hải quân nước ngoài thường vào quấy nhiễu. Lúc đầu chúng chỉ là những chấm mờ ngoài xa. Khi tốp thợ đang xây đến tầng hai của ngôi nhà thì tàu quân sự nước ngoài đã áp sát đảo.

Ban ngày, đứng trên giàn giáo ông Quyển nhìn rõ cả những khẩu pháo cũng như tốp thủy thủ đi đi, lại lại. Vài chục chiếc xuồng được thả xuống từ tàu mẹ, mỗi chiếc có ba tên lính bồng súng lượn mòng mòng.

Còi báo động rú liên hồi. Bộ đội bắn súng đì đoàng lên trời cảnh cáo. Thế mà tay bay, tay thước của nhóm thợ xây vẫn không run tẹo nào. Họ bảo nhau: “Chúng ta xây thì cứ xây đến khi có chiến sự thì sẵn sàng cầm súng sống chết với chúng”.

11-45-55_dsc_7831
Tốp thợ của làng

Đợt đó, tàu tiếp vận không ra được. Thiếu nước sinh hoạt đến nỗi bộ đội phải xuất kho dự trữ để ứng cứu. Họ vừa xây vừa kèm cặp lính theo chiến thuật một dìu ba…

Mười mấy năm sau, ông Quyển mới trở lại Nam Yết xây nhà văn hóa. Những cây non trồng năm nào giờ đã to như cổ thụ. Đường xá giờ rộng thênh thang. Nước ngọt dự trữ dồi dào trong những cái bể rộng cả trăm mét khối. Sữa hộp, cà phê, giải khát đủ đầy như trên đất liền.

Đợt ấy xảy ra vụ Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh, chiến thuyền của nước ngoài vào tới sát đảo. Trông chúng to lừng lững như cả ngôi làng nổi trên mặt nước. Bạt che vũ khí được tháo ra, lộ cả giàn tên lửa bên sườn nhưng cũng chẳng dọa nổi một ai.

Anh Phan Xuân Doanh năm 2000 theo tàu ra đảo Phú Quý, năm 2013 lại ra đảo Nam Yết. Giọng đầy tự hào anh kể về ngôi chùa mình xây mỗi viên gạch đều in dấu quốc huy; kể về những con trai khổng lồ to như một cái nia hai người khiêng còn nặc nè; kể về những con vích to như một cái nong cứ kéo về biển chúng lại nhoai lên bờ…

11-45-55_dsc_7834
Dụng cụ hành nghề và những kỷ vật biển

Chuyện đảo chìm, đảo nổi

Anh Đỗ Văn Hương là thế hệ thợ thuộc tốp trẻ của làng. Trước anh chỉ biết đến biển qua lời kể của người bố cũng là một thợ xây đảo. Năm 2010 ra đảo Đá Đông B anh mới hiểu đảo chìm.

Ở đảo thì nhớ quê nhưng trên đất liền mấy đêm đầu bên người thân lại chênh chao nhớ đảo, nhớ sóng, nhớ gió, nhớ những đêm văn công bập bùng đàn sáo, nhớ cả tiếng chuông chùa giữa ngút ngát trùng khơi.

Là một dải san hô trắng dài cả cây số mỗi ngày chỉ nổi lên chừng hai tiếng đồng hồ rồi chìm dưới sóng vỗ. Là ngôi nhà bốn tầng, tầng dưới chứa nước, hầm hào chiến đấu, tầng trên để ở, vỏn vẹn mỗi chiều chỉ khoảng mươi mét. Là điện máy nổ chín giờ khuya đã tắt, đêm nằm lặng nghe sóng ràn rạt dưới gậm giường.

Đảo chìm nuôi rất nhiều chó. Chúng là bạn thân thiết của bộ đội, là còi báo động trước thuyền lạ đột nhập. Cứ mỗi tuần trăng chó trên đảo lại thi nhau sủa. Tiếng sủa như sói hú.

Cuộc sống đảo chìm gò bó và gian khổ thực nhưng được thú câu ngâm (câu không có cần mà chỉ dùng dây) vô tiền, khoáng hậu. Dây câu to tới 2-3 ly, móc mồi xong rồi buộc vào một bao cát hay một cái cọc rồi chỉ việc bắc ghế ngồi mà chợp mắt. Thế mà có những con cá to mắc câu còn lôi tuột cả người kéo bổ nhào xuống biển.

Đảo chìm còn có thú buổi tối đi soi bạch tuộc, bào ngư, hải sâm chỉ một vài vòng là đủ một nồi to. Trên mâm thợ xây có gì, mâm bộ đội cũng có cái đó và ngược lại. Chia đôi chén chè, xé hai điếu thuốc, họ nương vào nhau như những hòn đá xếp chặt ngoài kè.

11-45-55_dsc_7838
Thợ xây Đỗ Ngọc Quyển

Năm 2011, anh Hương ra đảo Phan Vinh A giữa một buổi sóng gió dập vùi. Mấy con lợn mang theo lử lả đến mức phải mổ ngay trên tàu kẻo chết. Sóng mạnh đến nỗi tiết canh trong bát chực long chân nên ai nấy đều phải giữ khư khư bát trên tay chờ… đông rồi cầm thìa xúc.

Năm 2012, anh cùng người làng ra đảo Nam Yết. Tết cận kề, để kịp tiến độ xây nhà văn hóa anh em thợ quyết định chia thành hai nhóm: một về đất liền, một ở lại. Nhóm về bờ dính bão, mất liên lạc hoàn toàn, bảy ngày thót tim mới biết là còn sống sót. Nhóm ở đảo gói bánh chưng, mổ lợn vui tưng bừng…

Một buổi, nghe xong cú điện thoại, cái bay trong tay Phan Văn Hứa bỗng rơi xuống đất, mặt anh chợt thẫn thờ. Hỏi dồn mới hay người nhà vừa báo tin vợ anh đã chết đột ngột vì bạo bệnh. Họ lập một cái bàn thờ ngay ở trong lán. Cái bàn thờ đặc biệt, không di ảnh, không bát nhang nhưng lúc nào cũng đầy ắp hoa bàng vuông, hoa muống biển…

Phải một tháng sau, có tàu ra anh Hứa mới được về.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thừa nắng, thiếu mưa, cả nước chuẩn bị đón mùa hè rực lửa

Nhiệt độ và nắng nóng thời điểm tháng 5/2024 trên phạm vi toàn quốc trung bình phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C; tháng 6/2024, cao hơn từ 0,5-1,5 độ C.

Bình luận mới nhất