| Hotline: 0983.970.780

Làng thông minh - 'Cuộc cách mạng' mới ở Đồng Tháp

Thứ Năm 25/04/2024 , 08:10 (GMT+7)

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, làng thông minh được xây dựng từ các hội quán nông dân, phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong (trái) khảo sát việc triển khai làng thông minh và tìm hiểu việc người dân thao tác các ứng dụng phần mềm công nghệ tại Tâm Quê hội quán (xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong (trái) khảo sát việc triển khai làng thông minh và tìm hiểu việc người dân thao tác các ứng dụng phần mềm công nghệ tại Tâm Quê hội quán (xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

"Cuộc cách mạng" mới ở Đồng Tháp

Xu hướng chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Xây dựng làng thông minh, hướng đến mục tiêu nông thôn thông minh được xác định là một trong những nội dung quan trọng của chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn tại Đồng Tháp.

Làng thông minh được hiểu là mô hình cộng đồng xóm, thôn, xã ở các vùng nông thôn sử dụng các nền tảng công nghệ kỹ thuật số, tận dụng các thế mạnh và cơ hội của địa phương để phát triển bền vững. Theo đó, trong mô hình làng thông minh, người dân sẽ có một không gian đáng sống, được kết nối cũng như thụ hưởng các tiện ích và dịch vụ xã hội tốt hơn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Mô hình này còn tạo động lực cho các lĩnh vực khác như du lịch sinh thái, du lịch sức khỏe, du lịch y tế, du lịch trải nghiệm, du lịch nghiên cứu... cùng phát triển.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh sẽ xây dựng làng thông minh từ nền tảng của các hội quán nông dân, phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Hiện nay, mô hình xây dựng làng thông minh đầu tiên ở xã Tân Thuận Tây (TP Cao Lãnh) đã được UBND tỉnh Đồng Tháp và Trường Đại học Bách khoa (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM) đồng chủ trì, được Bộ Khoa học – Công nghệ phê duyệt với tổng kinh phí gần 16 tỷ đồng.

Mục tiêu của mô hình làng thông minh này là kết nối cộng đồng, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm phát triển nông thôn bền vững, hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống người dân dựa trên thế mạnh và cơ hội của địa phương. Kế hoạch đến năm 2025, tỉnh Đồng Tháp xây dựng 7 làng thông minh và tới năm 2030 sẽ nâng lên 14 làng thông minh. Đây được xem là điểm xuất phát mới, cuộc cách mạng mới ở Đồng Tháp.

 Xây dựng làng thông minh hướng đến mục tiêu nông thôn thông minh được xác định là một trong những nội dung quan trọng của chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn tại Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

 Xây dựng làng thông minh hướng đến mục tiêu nông thôn thông minh được xác định là một trong những nội dung quan trọng của chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn tại Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mới mờ sáng, lão nông Đặng Văn Những (Bảy Những, 75 tuổi) - Chủ nhiệm Tâm Quê hội quán ở xã Tân Thuận Tây (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) đã pha bình trà ngồi bàn chuyện sản xuất nông nghiệp với bà con hàng xóm. Tay cầm chiếc điện thoại cảm ứng, ông Bảy Những chỉ cần truy cập vài thao tác của hệ thống quan trắc là hiện các chỉ số về môi trường nước, độ ẩm của đất, độ mặn, độ pH, không khí, khí tượng thủy văn… trong ngày tại khu vực xã Tân Thuận Tây với đầy đủ thông tin. Căn cứ vào các chỉ số đó, nông dân có thể áp dụng vào sản xuất một cách chủ động.

Ông Bảy Những cho biết, trước đây mỗi khi muốn bón phân hay phun thuốc cho vườn xoài thì phải nhìn trời, nhìn đất rồi dự đoán có mưa hay không, còn độ ẩm, độ pH rất khó biết được. Nay hệ thống quan trắc thông minh này đã giúp nông dân rất nhiều trong canh tác và hiệu quả mang lại cao hơn.

Xã Tân Thuận Tây là vùng chuyên canh xoài lâu năm với diện tích gần 500ha. Dù vậy, tập quán sản xuất theo phương pháp truyền thống, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết với các doanh nghiệp… vẫn là những hạn chế đeo đẳng.

Năm 2017, Tâm Quê là hội quán đầu tiên được thành lập ở xã Tân Thuận Tây nhằm chia sẻ “chuyện làng, chuyện xóm”, rồi hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, bởi hội quán là không gian mở, là thiết chế tự nguyện, đa chức năng, đa thành phần. Đây cũng là nơi để những người dân có cùng ý nguyện, cùng ngành nghề sản xuất ngồi lại với nhau, giúp nhau cùng phát triển.

Người dân trồng xoài ở Tâm Quê hội quán chỉ cần truy cập vài thao tác trên điện thoại thông minh vào hệ thống quan trắc là biết các chỉ số về môi trường nước, độ ẩm của đất, độ mặn, độ pH, không khí, khí tượng thủy văn... Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Người dân trồng xoài ở Tâm Quê hội quán chỉ cần truy cập vài thao tác trên điện thoại thông minh vào hệ thống quan trắc là biết các chỉ số về môi trường nước, độ ẩm của đất, độ mặn, độ pH, không khí, khí tượng thủy văn... Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Lê Hoàng Tùng, Giám đốc HTX xoài Tân Thuận Tây cho biết: Hiện nay bà con ở xã Tân Thuận Tây đa phần trồng giống xoài Cát Chu nức tiếng, mỗi một cây đều được gắn mã QR code để truy xuất nguồn gốc. Tân Thuận Tây bây giờ ngoài diện tích gần 500ha xoài với những mô hình độc đáo, bà con còn biết cách trồng xoài rải vụ, xoài VietGAP, hữu cơ… để vừa ứng biến được với thị trường, vừa liên kết sản xuất, nâng cao giá trị. Bà con cũng đã biết làm du lịch cộng đồng để phát huy giá trị tài nguyên bản địa, biết ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất cũng như trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.

“Tất cả những thành tựu ấy là nhờ mô hình hội quán nông dân - đặc trưng riêng của tỉnh Đồng Tháp, nơi mọi người ngồi lại với nhau chia sẻ hết mọi điều. Chính từ mô hình hội quán, đề án xây dựng làng thông minh đã được các bộ ngành và tỉnh Đồng Tháp lựa chọn xây dựng thí điểm ở Tân Thuận Tây, dự kiến giữa năm 2024 sẽ hoàn thành” ông Lê Hoàng Tùng, Giám đốc HTX xoài Tân Thuận Tây chia sẻ.

Hoàn thành 7 làng thông minh trong năm 2024 

Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - ông Lê Quốc Phong đã có chuyến khảo sát tại xã Tân Thuận Tây, Hội quán Thuận Tân và Tâm Quê ở TP Cao Lãnh.

Qua khảo sát, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong nắm bắt thông tin về tiến độ, những khó khăn trong triển khai cũng như việc tổ chức vận hành hệ thống làng thông minh tại cơ sở, định hướng nhân rộng mô hình trong thời gian tới của lãnh đạo TP Cao Lãnh.

Ông Lê Hoàng Tùng, Giám đốc HTX xoài Tân Thuận Tây ở TP Cao Lãnh cho biết: Hiện bà con trong xã đa phần đều gắn mã QR code để truy xuất nguồn gốc cho từng cây xoài. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Lê Hoàng Tùng, Giám đốc HTX xoài Tân Thuận Tây ở TP Cao Lãnh cho biết: Hiện bà con trong xã đa phần đều gắn mã QR code để truy xuất nguồn gốc cho từng cây xoài. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong mong muốn, xây dựng làng thông minh phải để người dân cảm nhận được lợi ích thiết thực, tự nguyện tham gia, cùng hỗ trợ quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu. Do đó, phải hoàn thiện cẩm nang, tài liệu hướng dẫn để tập huấn cho người dân và đơn vị tiếp nhận vận hành phần mềm, có bộ phận xử lý lỗi phát sinh.

Đối với xã Tân Thuận Tây, cần phân công trách nhiệm đối với các tổ chuyên môn rõ ràng, cụ thể. Xây dựng quy trình xử lý các thông tin, tình huống người dân gửi về, nhất là thông tin từ hệ thống quan trắc để có cảnh báo sớm cho người dân.

Cổng thông tin về làng thông minh cần phản ánh đậm nét, sinh động hơn về cuộc sống, văn hóa, sản xuất của người dân tại Tân Thuận Tây. Đồng thời đề nghị chính quyền địa phương cần phát huy vai trò lực lượng trẻ, hội quán trong điều hành, quản trị hệ thống thông tin làng thông minh.

Trong năm 2024, Đồng Tháp sẽ có 7 địa phương có làng thông minh Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong năm 2024, Đồng Tháp sẽ có 7 địa phương có làng thông minh Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Dự kiến cuối tháng 4/2024 này, đơn vị chủ trì sẽ tổ chức nghiệm thu cơ sở và đánh giá, kiểm định các sản phẩm đã chuyển giao cho địa phương gồm: Hệ thống lưu trữ, phân tích dữ liệu trung tâm cho làng thông minh; cổng thông tin điện tử cho hội quán; mô hình hệ thống quan trắc môi trường; mô hình hệ thống tưới tự động; mô hình hệ thống camera giám sát an ninh; mô hình hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh; mô hình hệ thống giám sát điện, nước thông minh; hệ thống sổ tay canh tác điện tử…

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Trong năm 2024, Đồng Tháp sẽ có 7 địa phương có làng thông minh được đánh giá đạt tiêu chuẩn gồm: Xã Mỹ Đông, xã Đốc Binh Kiều (huyện Tháp Mười); xã Tân Thuận Tây (TP Cao Lãnh); xã Định Yên (huyện Lấp Vò); xã Bình Thạnh, xã Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) và xã Tân Nhuận Đông (huyện Châu Thành).

Năm 2025, sẽ có thêm 2 địa phương có làng thông minh được đánh giá đạt yêu cầu gồm xã Phú Cường (huyện Tam Nông) và xã An Nhơn (huyện Châu Thành). Mô hình làng thông minh phải đáp ứng đầy đủ về nội dung và chỉ tiêu đạt được theo các tiêu chí của Bộ tiêu chí Làng thông minh đã được UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành.

Xem thêm
5 giải pháp cho vụ hè thu đặc biệt khó khăn ở Nghệ An

Vụ hè thu năm nay của Nghệ An đang đứng trước những khó khăn lớn do thời tiết gây ra, nhất là nắng nóng, hạn hán.

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Doveco - Lá cờ đầu trong lĩnh vực chế biến nông sản

Từ thành công của nhà máy tại Ninh Bình và Gia Lai, Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) đã khai trương nhà máy thứ ba tại Sơn La vào tháng 5/2023.

Kênh đào Funan Techo Campuchia và bài học hợp tác khai thác sông Mê Kông

Sự quan ngại về kênh đào Funan Techo thể hiện qua phát biểu của một số chuyên gia tại cuộc họp ở Cần Thơ là cần thiết nhưng cần tránh phóng đại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm