| Hotline: 0983.970.780

Làng Việt xưa, dân chủ trong thời quân chủ

Chủ Nhật 06/11/2022 , 14:40 (GMT+7)

Làng Việt xưa rất... hiện đại: Tinh thần dân chủ. Bộ máy nhà nước không can thiệp được vào 'lệ làng'; không chỉ thế, người Việt xưa không những đáng quý mà còn đáng nể.

Làng Việt xưa. Ảnh minh họa.

Làng Việt xưa. Ảnh minh họa.

Trong sách “Ký ức dân gian làng Tào Sơn” của ông Nguyễn Đồng(*) (một nạn nhân của Cải cách ruộng đất ở làng tôi), có chép câu chuyện “Dân bầu lý trưởng” có ghi:

“Lý Cẩn tên thật là Nguyễn Duy Tấc, làm lý trưởng làng Tào vào khoảng thời Thành Thái [1889 - 1907] triều Nguyễn. Gặp năm mất mùa, thu không đủ thuế nộp cho quan, quan phủ về làng nọc Lý Cẩn ra trước đình đánh – đánh đến mức máu đít chảy lai láng, cốt bắt Lý Cẩn trong 3 ngày phải thu đủ thuế. Lý Cẩn không nhận, bởi có nhận cũng không lấy gì của dân mất mùa nộp thuế. Nên ông đành chịu đau đến ngất, rồi bị cách chức. Quan về triệu tập dân để bầu lý trưởng mới, nhưng không ai đến họp. Quan bèn thu đồng triện của Lý Cẩn giao cho người mà quan chỉ định.

Nhưng cũng không ai dám nhận, vì lệ làng có ghi: [...] “Ai làm gì mà làng không đồng ý, làng không nhận. Ai mà làng không bầu ra làng không theo”. Vì thế, người được cấp trên chỉ định, làng không theo. Làng đã bầu Lý Cẩn, làng theo Lý Cẩn. Không thể để làng không lý trưởng, tri phủ lại về phủ dụ dân chúng đến bầu lý trưởng, làng lại bầu ông Nguyễn Duy Tấc làm lý trưởng”.

Làng Việt vốn là một trong những đơn vị hành chính đặc biệt bậc nhất trong thiết chế xã hội của Việt Nam thời Trung đại, điều này tôi cũng đã nhiều lần chia sẻ. Nhưng điểm gây bất ngờ ở mẩu chuyện trên đây là qua đó ta thấy Làng Việt xưa rất... hiện đại: Tinh thần dân chủ.

Bộ máy nhà nước không can thiệp được vào “lệ làng” như đã thấy; nhưng không chỉ có thế, người Việt xưa không những đáng quý mà còn đáng nể. Họ không “mặc kệ”, không “vô cảm chính trị”, mà ngược lại, mang tinh thần công dân và ý thức công lợi rất rõ ràng.

Nếu so với thời nay thì hình như người Việt thời “phong kiến” không phải là những kẻ hèn nhát và vô trách nhiệm. Họ có cái tự tôn của mình, coi trọng quy tắc và biết cách biểu lộ thái độ một cách vừa khôn ngoan, cứng cỏi, vừa dứt khoát, rạch ròi. Hãy xem cách bầu bán bây giờ và nhất là thái bộ bàng quan của dân chúng đối với việc chọn lựa những người trực tiếp quản lý xã hội, thì thấy rõ sự khác biệt rất đáng suy ngẫm.

Xưa, chọn quan to thì thông qua thi cử rất nghiêm ngặt. Quan vì thế mà đều là người “có chữ”, được học hành nghiêm túc và có uy tín lớn đối với dân chúng. Còn quan nhỏ cho đến lý trưởng thì do dân trực tiếp bầu ra, những người này, vì thế, cũng phần lớn không phải là những kẻ vô học và bất lương.

Chuyện thứ 2 là giáo dục thời phong kiến. Ngày xưa chủ yếu là giáo dục tư thục. Một người học hành đỗ đạt nhưng không làm quan, hoặc do thi không đậu vào chốn quan trường thì về làng mở lớp, mở trường dạy học. Họ sống bằng nghề dạy học và cơ bản không bị ai kiểm soát về chương trình cũng như tư tưởng giáo dục. Sự sống còn của những ông thầy ấy chính là ở chỗ ông ta đã tạo được uy tín như thế nào bằng phẩm cách và thực lực của mình trong việc giúp học trò thi đỗ ở các kỳ thi do nhà nước tổ chức.

Không xét đến nội dung giáo dục và đường lối khoa cử Trung đại đặc trưng vốn tồn tại nhiều hạn chế, nhưng riêng về mô hình giáo dục thì phải nói rằng thời xưa có nhiều điểm tiến bộ khi mà triều đình chấp nhận giáo dục tư thục một cách rất “hào phóng” và cố tình “buông lỏng quản lý”.

Cách quản lý giáo dục của nhà nước quân chủ xưa dù không mới lạ gì so với các nền giáo dục hiện đại trên thế giới nhưng lại rất đáng tham khảo đối với thực tế giáo dục Việt Nam hiện nay, đó là việc chỉ kiểm soát đầu ra. Thi hương, thi hội, hay thi đình, đề thi là do quan lớn hoặc vua ra, không cần biết thí sinh đã học hành những gì và học hành ra sao, cứ làm được bài là đỗ.

Lối quản lý đầu ra như thế chính là một sự cởi mở rất lớn mà thời nay chưa học được. Nhà nước có lẽ đã can thiệp quá sâu vào chương trình và cách tổ chức dạy học ở các cơ sở giáo dục, ngay cả đối với trường tư? Nếu như vậy, phải thành thực mà nói, đó là một bước lùi rất khó hiểu trong tư duy quản lý giáo dục ở ta trong thời hiện đại này.

Còn rất nhiều điều đáng lật lại và nhìn sâu hơn. Nhưng trước mắt, chỉ từ vài khía cạnh như câu chuyện bầu lý trưởng trên đây, chúng tôi đặt ra một câu hỏi rằng, liệu đã có một sự thụt lùi về nhiều mặt xã hội so với cái gọi là “chế độ phong kiến”? Và đáng sợ nhất là những dấu hiệu này dường như ngày càng hiện rõ về sự thoái hóa trong tinh thần nòi giống: Ý thức cộng đồng, trách nhiệm bầu cử, sự tự trọng, khí chất và khí tiết?...

(*) Nguyễn Đồng, "Ký ức dân gian làng Tào Sơn", NXB Hội nhà văn, 2012.

Xem thêm
Câu chuyện thứ mười hai: Câu chuyện cây cam hạnh phúc

'Cây cam của tôi', 'Cây xoài nhà tôi', 'Cây dừa vườn tôi', 'Gạo ruộng nhà mình', v.v là những câu chuyện sáng tạo mang nhiều ý nghĩa.

Phát triển kit chẩn đoán nhanh giám định sinh vật gây hại

Ngoài một số bệnh hại sẵn có, cây trồng còn chịu tác động của nhiều sinh vật gây hại mới nổi, sinh vật ngoại lai khiến công tác phòng chống gặp khó khăn.

Ra mắt câu lạc bộ 'Doanh nông xanh ba miền'

Câu lạc bộ 'Doanh nông xanh ba miền' chính thức ra mắt, đánh dấu bước ngoặt phát triển nông nghiệp bền vững. 18 thành viên Ban chủ nhiệm là những doanh nông tiêu biểu.

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến ngành đánh bắt cá của Na Uy

Đánh bắt cá là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Na Uy. Ngành này đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi biến đổi khí hậu.