| Hotline: 0983.970.780

Lãnh đạo phường Hải Thanh nợ nhân dân một lời xin lỗi

Thứ Hai 08/03/2021 , 09:14 (GMT+7)

Làm ngơ để các hộ nuôi tôm trái phép trong khu dân cư, xây nhà văn hóa trên sân vận động.... lãnh đạo phường Hải Thanh đang thiếu dân chủ khiến dân bức xúc.

Đầu năm 2020, UBND phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) xây dựng trung tâm văn hóa phường nằm trên địa phận hành chính của thôn Thanh Xuyên, trên đất sân vận động. Đây là sân vận động đã tồn tại hơn 200 năm nay, là nơi trẻ con vui đùa, chơi bóng, nơi diễn ra các sự kiện văn hóa, lễ hội, nơi tập dưỡng sinh của các cụ cao niên trong xã.

Quá trình xây dựng, hàng rào sân vận động được quây kín xung quanh. Khi người dân phát hiện việc xây dựng Trung tâm văn hóa nằm lên phần đất của sân vận động thì phần móng đã hoàn thiện.

Trung tâm văn hóa phường Hải Thanh xây dựng trên đất sân vận động, không thông qua ý kiến nhân dân khiến người dân bức xúc. Ảnh: Võ Dũng.

Trung tâm văn hóa phường Hải Thanh xây dựng trên đất sân vận động, không thông qua ý kiến nhân dân khiến người dân bức xúc. Ảnh: Võ Dũng.

“Cán bộ tư pháp còn bảo với tôi, đây không phải tiền của dân nên dân không có quyền. Tôi hỏi lại, tiền nào không phải là tiền của dân? Tiền nào cũng là tiền của dân, dân có quyền giám sát chứ! Vì sao cán bộ tư pháp mà ăn nói thiếu hiểu biết và hống hách thế? Mất dân chủ cơ sở như thế, dân biết tin vào ai, biết tìm ai để bày tỏ nguyện vọng?” - ông Phùng Anh Sáu.

Bức xúc vì không được bàn bạc, hơn 90 hộ dân khu phố Thanh Xuyên và một số thôn khác thống nhất ký đơn kiến nghị tập thể, yêu cầu phường di dời Trung tâm văn hóa. Nhưng trước sự đã rồi, hoạt động xây dựng tạm dừng một thời gian sau đó vẫn tiếp tục. Trung tâm văn hóa được xây dựng và lấy đi một phần diện tích của sân vận động  trước sự tiếc nuối, ấm ức của nhiều người dân.

Sự việc khiến cả cán bộ, Đảng viên và nhân dân khu phố Thanh Xuyên và các khu phố khác hết sức bất bình. Vì sao, việc xây dựng Trung tâm văn hóa phường nằm trên sân vận động mà nhân dân không hề hay biết, không được bàn bạc?

“Đầu tiên, tôi và rất nhiều Đảng viên phản đối vì phường không thông báo rộng rãi cho nhân dân. Sau khi người dân phản đối, UBND phường đã mời một số người dân khu phố Thanh Xuyên lên họp 2 lần và xin lỗi. Phường lấy lý do vốn xây dựng Trung tâm văn hóa là ngân sách tỉnh, nếu không tranh thủ sẽ mất dự án. Giờ thì việc đã rồi, đành phải chấp nhận nhưng đúng là rất ấm ức” – một Đảng viên trong khu phố Thanh Xuyên cho biết.

Ông Phùng Anh Sáu, một cựu quân nhân, 71 tuổi tại khu phố Thanh Xuyên, người đứng đơn kiến nghị cho rằng, việc đã rồi, không thể thay đổi nhưng UBND phường Hải Thanh nợ nhân dân một lời xin lỗi.

“Làm công trình mà không thông báo rộng rãi, dân không đồng tình mà vẫn làm là sao? Việc đã rồi, không thể thay đổi nhưng vì sao họ không dám đứng ra xin xin lỗi toàn thể nhân dân, xin lỗi những người ký vào đơn mà chỉ mời tổ trưởng an ninh, một số đảng viên lên để họp.  Tôi chỉ được phép đứng đơn, nói lên nguyện vọng của bà con chứ không được quyền thay mặt dân để ký thỏa thuận bất cứ một điều gì hay thay mặt dân để nhận lời xin lỗi từ chính quyền. Vì điều này, đến nay người dân vẫn còn bức xúc lắm!” – ông Sáu bức xúc.

Ông Phùng Anh Sáu cho rằng, chính quyền phường Hải Thanh nợ nhân dân một lời xin lỗi khi đã không cho người dân việc bàn bạc vị trí xây dựng trung tâm văn hóa. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Phùng Anh Sáu cho rằng, chính quyền phường Hải Thanh nợ nhân dân một lời xin lỗi khi đã không cho người dân việc bàn bạc vị trí xây dựng trung tâm văn hóa. Ảnh: Võ Dũng.

Bà Nguyễn Thị Phát, Chi hội phó chi hội người cao tuổi khu phố Thanh Đông, người ký vào đơn kiến nghị tập thể phản đối xây dựng Trung tâm văn hóa trên đất sân vận động cho rằng, không chỉ thiếu dân chủ, việc bà ký vào đơn còn khiến bà bị đe dọa về tinh thần.

“Ở cái đất này, các bác có nói cũng chẳng có tác dụng gì! Có người còn đến nhà, nói xa nói gần là vì sao lại ký đơn tập thể mà không làm đơn riêng; làm đơn tập thể là gây mất trật tự, là bạo loạn. Tôi trả lời, ký vào đơn kiến nghị tập thể, miễn không vi phạm pháp luật là được. Ông Sáu có đúng chúng tôi mới theo chứ! Đất đai ở đây còn nhiều sao cứ phải xây lên phần đất sân vận động, nơi vui chơi, giải trí của rất nhiều tầng lớp nhân dân từ hàng trăm năm qua? Chúng tôi cần gặp những người có chức trách cao hơn để nói lên nguyện vọng của mình” – bà Phát cho hay.

Ông Hồ Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Thanh cho rằng, việc xây dựng Trung tâm văn hóa phường đã lấy đi một phần sân vận động nhưng đó là vị trí xây dựng phù hợp nhất. Cái sai của xã là trước lúc làm không thông tin rộng rãi, xin ý kiến nhân dân; không công khai, không đưa pano hình ảnh để nhân dân biết; khi làm lại quây kín mít tứ phía khiến người dân nghi ngờ xây hết phần sân vận động.

“Trước lúc làm đúng là không thông qua nhân dân thôn Thanh Xuyên mà chỉ đưa ra bàn trong thường vụ, BCH Đảng ủy, họp cán bộ chủ chốt, xin ý kiến biểu quyết của đại biểu HĐND và làm theo nghị quyết HĐND phường Hải Thanh. Đây là thiếu sót của UBND phường Hải Thanh.” – ông Dũng

  • Tags:
Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.