| Hotline: 0983.970.780

Lào Cai: Hỗ trợ vốn vay nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy cầm sau dịch tả lợn Châu Phi

Chủ Nhật 14/07/2019 , 10:00 (GMT+7)

Dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại cho khoảng 1.000 hộ dân tại 56 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thành phố thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai. Đây là “cú sốc” lớn đối với ngành chăn nuôi nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng.

UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo quyết liệt trong công tác dập dịch và nhanh chóng hoàn tất thủ tục hỗ trợ người chăn nuôi trong vùng bị dịch. Đồng thời tuyên truyền người dân không tái đàn lợn trong vùng bị dịch; vận động, hỗ trợ người chăn nuôi chuyển đổi sản xuất, phát triển định hướng chăn nuôi gia cầm, thủy cầm và đại gia súc.

Huyện Bảo Thắng thực hiện hỗ trợ các hộ bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Tại huyện Bảo Yên, hàng trăm hộ dân bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi đang đề nghị huyện hỗ trợ vốn để nuôi trâu sinh sản, nuôi vịt bầu và gà thả đồi. Huyện đã làm việc và thống nhất với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Bảo Yên về hỗ trợ cho các hộ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi.

Cụ thể ngân hàng sẽ cơ cấu lại nợ, kéo dài thời gian trả nợ, giảm tiền lãi vay, không thu lãi quá hạn, đầu tư mới để người dân tiếp tục sản xuất, chăn nuôi…

Đồng thời các cơ quan chức năng của huyện cũng tiến hành rà soát, đánh giá lại vùng chăn nuôi, quy hoạch lại vùng sản xuất, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật mới trong chăn nuôi gia súc, gia cầm như trâu sinh sản, vịt, gà…; có phương án hỗ trợ các hộ chăn nuôi đạt hiệu quả cao nhất.

Ngoài ra, các huyện khác như Mường Khương, Bảo Thắng, là những huyện chịu ảnh hưởng nặng nề của bệnh dịch tả lợn châu Phi, cũng đang gấp rút định hướng, hỗ trợ các phương án chuyển đổi sản xuất.

Chị Nguyễn Thị Thanh, thôn Na Lin, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương cho biết: Dịch tả lợn châu Phi xảy ra, gia đình không tái đàn mà chuyển sang nuôi bò. Bò ít bị bệnh, sinh sản tốt nên sẽ cho hiệu quả kinh tế cao. Bò nái mỗi năm đẻ 1 lứa, bê sau 1 năm nuôi có giá trị hơn 10 triệu đồng. Nuôi bò có chi phí đầu tư ban đầu cao hơn nuôi lợn do con giống đắt nhưng lại tận dụng được thức ăn từ sản xuất nông nghiệp (rơm, lá ngô, ngô hạt…).

Ông Nguyễn Văn Doanh, thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng đã nhanh chóng chuyển đổi sang chăn nuôi gà sau khi bị thiệt hại nặng nề do dịch tả lợn châu Phi. Ông Doanh chia sẻ: Ngay sau khi hoàn tất việc tiêu hủy đàn lợn bị nhiễm bệnh, ông đã vệ sinh, khử trùng chuồng trại để chuẩn bị chuyển sang nuôi gà.

Theo tính toán của ông Doanh, với 8 chuồng nuôi lợn trước đây có thể cải tạo để nuôi hơn 1.000 con gà. Nuôi gà khoảng 4 - 6 tháng là có thể xuất bán và thu nhập gia đình sẽ ổn định trở lại.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.