| Hotline: 0983.970.780

Lập đội xử lý chó thả rông phòng chống bệnh dại

Thứ Ba 26/03/2024 , 14:13 (GMT+7)

QUẢNG NINH Khi có ổ dịch dại ở Đầm Hà và Hạ Long, TP Uông Bí đã tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với chủ vật nuôi vi phạm quy định về phòng, chống bệnh dại.

Tại ổ dịch xã Tân Dân, TP Hạ Long, số chó mèo nghi dại bị tiêu hủy là 13 con. Ảnh: Cường Vũ

Tại ổ dịch xã Tân Dân, TP Hạ Long, số chó mèo nghi dại bị tiêu hủy là 13 con. Ảnh: Cường Vũ

Ngày 1/3, UBND huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) đã công bố ổ dịch bệnh dại tại xã Dực Yên sau khi có một con chó dại xông vào trường học tấn công 14 người.

Sau đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh đã vào cuộc phối hợp với UBND huyện Đầm Hà khống chế ổ dịch, chữa trị cho người bị chó dại cắn, tổ chức tiêm phòng trên diện rộng cho hơn 5.000 chó, mèo.

Ngày 14/3, TP Hạ Long cũng đã công bố ổ dịch bệnh dại tại thôn Bằng Anh, xã Tân Dân, sau khi một con chó vô chủ cắn nhiều gà, mèo, chó khác của người dân trong thôn.

Để chủ động ngăn chặn bệnh dại phát sinh trên địa bàn TP Uông Bí, thực hiện văn bản số 483/UBND-KTTC ngày 01/3/2024 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc tập trung đợt cao điểm thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh, Uông Bí đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.

Là địa phương đã từng xuất hiện ổ dịch chó dại vào tháng 10/2023, trước tình hình bệnh dại phát sinh trên địa bàn tỉnh như hiện nay, phường Trưng Vương, TP. Uông Bí đã nhanh chóng triển khai các văn bản chỉ đạo, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi để ngăn chặn việc phát sinh ổ dịch mới và tái phát ổ dịch cũ.

Địa phương đã triển khai đến 10 khu dân cư, tăng cường tuyên truyền, rà soát, thống kê số lượng và đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vacxin dại cho đàn chó, mèo.

Ông Nguyễn Thành Tô, Phó Chủ tịch UBND phường Trưng Vương cho biết: Qua rà soát, hiện tổng đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn phường là trên 1.400 con. Trong đó, 700 con đã được tiêm phòng dại vào tháng 10/2023, chưa đến kỳ tiêm nhắc lại.

Để chủ động phòng dịch, từ ngày 12/3, phường tổ chức tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi tại 10 khu dân cư và sẽ tiến hành tiêm vét vào cuối tháng 3/2024. Hiện, tiến độ triển khai tiêm phòng dịch đảm bảo theo kế hoạch.

"Chúng tôi đã tổ chức cho 100% chủ nuôi ký cam kết nuôi chó, mèo theo quy định và tiêm phòng vacxin bệnh dại đầy đủ. Địa phương đã thành lập đội xử lý chó thả rông, tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với chủ vật nuôi vi phạm các quy định về phòng, chống bệnh dại, đồng thời tiến hành phun hóa chất tiêu độc, khử trùng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn phường", ông Tô cho hay.

Ngoài phường Trưng Vương, hiện nay, các xã, phường trên địa bàn TP Uông Bí đang tích cực triển khai các biện pháp ngăn chặn, phòng chống bệnh dại. Tổng đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn hiện có trên 8.000 con; tập trung nhiều ở các phường Vàng Danh, Trưng Vương, Phương Nam, Phương Đông…

Do đã chủ động yêu cầu các xã, phường thống kê đàn gia súc, gia cầm cũng như nguồn vacxin nên ngay khi có văn bản chỉ đạo của tỉnh, thành phố đã tiến hành tiêm phòng dại cho chó, mèo sớm hơn mọi năm.

Tính đến hết ngày 14/3/2024, Uông Bí đã tiêm vacxin phòng bệnh dại cho 2.581 chó, mèo, đạt tỷ lệ 38% so với kế hoạch tỉnh giao. Tuy nhiên, công tác tiêm phòng bệnh dại hiện còn gặp một số khó khăn bởi ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống bệnh dại của một số hộ dân chưa cao, đội ngũ cán bộ thú y cơ sở lực lượng mỏng, phụ cấp thấp, một số thực hiện kiêm nhiệm công việc khác dẫn tới hạn chế trong công tác phòng, chống dịch.

Người dân đưa chó mèo đến điểm tiêm vacxin phòng bệnh dại tập trung tại nhà văn hoá khu dân cư. Ảnh: Cường Vũ

Người dân đưa chó mèo đến điểm tiêm vacxin phòng bệnh dại tập trung tại nhà văn hoá khu dân cư. Ảnh: Cường Vũ

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống bệnh dại trên địa bàn, hiện các đơn vị chuyên môn của thành phố bao gồm Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, Phòng kinh tế thành phố đã và đang tích cực phối hợp với các xã, phường thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, phối hợp tổ chức quản lý, tiêm phòng cho đàn chó, mèo nuôi theo quy định.

Bà Ngô Thị Tân Hợp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp TP Uông Bí cho biết: "Từ ngày 12 đến hết ngày 17/3/2024, thành phố tập trung lực lượng tiêm vacxin phòng bệnh dại triệt để cho 100% chó, mèo nuôi trong diện tiêm.

Trung tâm đã cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ các địa phương tiêm phòng bệnh dại, đồng thời, chúng tôi vẫn tiếp tục tăng cường phối hợp rà soát, theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh dại trên địa bàn để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra".

Theo ông Phạm Tuấn Đạt, Chủ tịch UBND TP Uông Bí: Hiện nay, dịch bệnh dại có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát ổ dịch. Cùng với nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của các cơ quan hữu quan, mỗi chủ nuôi chó, mèo trên địa bàn thành phố cần nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý vật nuôi, thực hiện tiêm vacxin phòng dại đầy đủ cho chó, mèo nuôi.

Đối với các trường hợp chó, mèo nghi mắc bệnh dại, người bị chó, mèo nghi mắc bệnh dại cào, cắn, người dân phải nhanh chóng thông tin đến Trung tâm Y tế, Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thành phố và UBND xã, phường nơi xảy ra vụ việc để được hướng dẫn tiêm phòng và có các biện pháp xử lý.

Việc triển khai đồng bộ, đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh dại sẽ góp phần ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh, bảo vệ an toàn, sức khỏe cho cộng đồng.

Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền từ động vật sang người, thông qua tiếp xúc trực tiếp với những chỗ da bị trầy xước của người. Nguyên nhân lây truyền chủ yếu là do chó cắn (chiếm 96%), tiếp theo là mèo và một số động vật hoang dã. 100% các trường hợp mắc dại đều tử vong do chưa có thuốc điều trị.

Hàng năm, thế giới ghi nhận trung bình 60.000 ca tử vong do bệnh dại, theo thống kê của Bộ Y tế, trong 10 năm (từ 2011 - 2021), Việt Nam ghi nhận hơn 900 trường hợp tử vong do bệnh dại. Cho tới nay, bệnh dại vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có số tử vong trên người cao trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Bệnh dại thường bùng phát mạnh vào thời điểm mùa hè, nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm. Tuy nhiên trong những năm gần đây, bệnh Dại thường phát triển trái mùa tại nhiều địa phương. Một phần nguyên nhân do sự thiếu hiểu biết, tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân khiến tình hình dịch bệnh ngày càng khó kiểm soát.

Tại Quảng Ninh, từ đầu năm 2024 đến nay chưa ghi nhận ca mắc dại trên người nhưng có đến 924 trường hợp tiêm dự phòng phơi nhiễm. Trong đó, có 58 trường hợp cần chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại. Toàn tỉnh cũng ghi nhận 4 ổ dịch dại trên chó tại huyện Đầm Hà 3 và thành phố Hạ Long 1.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.